Nhiễm nấm âm đạo hay còn gọi là nấm Candida là một trường hợp phổ biến ở chị em phụ nữ. Tình trạng này gây ra nhiều sự khó chịu, phiền toái cho chị em trong đời sống sinh hoạt và tình dục. Vậy có cách trị nấm Candida tại nhà nào hiệu quả, an toàn không? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu rõ hơn ngay sau đây.
Nấm Candida là gì?
Nấm Candida là một loại nấm phổ biến sống tự nhiên trên da, trong đường tiêu hóa và âm đạo của phụ nữ. Loại nấm này có thể tồn tại ở dạng không gây hại khi hệ thống miễn dịch lành mạnh.
Tuy nhiên, khi điều kiện thuận lợi như sự giảm sút của hệ thống miễn dịch, sử dụng kháng sinh dài hạn, hay âm đạo ẩm ướt thì nấm Candida có thể phát triển quá mức và gây nên các bệnh lý như nhiễm nấm âm đạo, viêm da, viêm màng nhầy và nhiễm nấm đường tiêu hóa. Điển hình nhất là viêm nhiễm vùng kín, gây khó chịu cho chị em phụ nữ.
Hình ảnh nấm Candida
Nguyên nhân gây ra nấm âm đạo ở phụ nữ
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra nấm âm đạo ở chị em phụ nữ, nhưng điển hình nhất là:
- Thói quen vệ sinh vùng kín sai cách: Sử dụng quần lót chất liệu không thoáng khí, không thay quần lót thường xuyên, sử dụng sản phẩm vệ sinh có hương liệu, hoặc rửa vùng kín quá nhiều lần trong ngày, không thay băng vệ sinh thường xuyên khi có kinh… có thể làm thay đổi cân bằng vi khuẩn và gây ra nấm Candida.
- Rối loạn nội tiết tố: Các rối loạn như suy giảm estrogen, đái tháo đường, béo phì, hay sử dụng thuốc nội tiết có thể làm thay đổi môi trường âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm nấm.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Sử dụng bao cao su có chất liệu gây dị ứng hoặc không phù hợp cũng như tiếp xúc với nấm từ đối tác có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo.
- Thay đổi cân bằng vi khuẩn: Đây là nguyên nhân chính, khi vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo bị phá vỡ, dẫn đến sự gia tăng quá mức của nấm Candida.
- Sử dụng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh lâu ngày có thể làm giảm vi khuẩn có lợi trong âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm Candida.
- Tăng đường huyết: Khi lượng đường trong máu lớn có thể tạo điều kiện để nấm Candida phát triển.
- Hormone Estrogen: Sự thay đổi nồng độ Estrogen như trong giai đoạn mang thai, sử dụng thuốc ngừa thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm nấm Candida cao hơn.
- Hệ thống miễn dịch yếu: Người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch cơ thể sẽ dễ bị nhiễm nấm Candida.
- Tiếp xúc với nấm từ người khác: Việc tiếp xúc với nấm từ người bị nhiễm cũng có thể là nguyên nhân.
- Áo quần bị ướt ẩm: Việc mặc quần áo ẩm ướt, nhất là đồ lót dễ tạo môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nấm Candida, gây ra viêm nhiễm vùng kín.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nấm Candida ở âm đạo
Dấu hiệu nhận biết khi nhiễm nấm Candida
Khi cơ thể bị nhiễm nấm Candida, nhất là vùng kín thường sẽ có những dấu hiệu nhận biết như:
- Ngứa và cảm giác khó chịu: Ngứa và cảm giác khó chịu ở vùng kín là một trong những triệu chứng phổ biến nhất.
- Ra khí hư: Dịch âm đạo có thể có màu trắng, dày và có mùi khó chịu giống như phèn chua.
- Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục: Khi âm đạo bị nhiễm nấm Candida có thể gây đau và khó chịu khi quan hệ tình dục.
- Âm đạo khô rát, bong tróc và đau khi đi tiểu: Một số chị em có thể cảm thấy âm đạo khô rát hơn bình thường, cũng như đi tiểu cũng thấy đau như bị viêm đường tiết niệu.
Khi nhiễm nấm Candida, vùng kín sẽ có nhiều dấu hiệu bất thường
Cách trị nấm Candida tại nhà an toàn, hiệu quả
Đối với những ai đang bị nhiễm nấm Candida, có thể tham khảo một số cách hỗ trợ điều trị tại nhà an toàn sau đây:
Sử dụng lá trầu không
Lá trầu không chứa tinh dầu và hoạt chất có tính kháng nấm, có tác dụng hỗ trợ giúp làm giảm sự phát triển của nấm Candida trong vùng kín hiệu quả.
Cách thực hiện: Đun sôi một nắm lá trầu không trong 1 lít nước khoảng 7 phút. Thêm 1 thìa cà phê muối và nấu thêm một lúc để muối tan. Đợi nước trầu không nguội đến nhiệt độ ấm, sau đó dùng để rửa vùng kín bị nấm Candida. Chị em có thể thực hiện hàng ngày để giảm ngứa và khó chịu.
Hỗ trợ trị nấm Candida bằng lá trầu không
Sử dụng sữa chua để trị nấm Candida tại nhà
Sữa chua có chứa vi khuẩn acid lactic có lợi giúp ổn định hệ vi sinh vật trong vùng kín, làm giảm sự phát triển của nấm Candida.
Cách thực hiện: Trộn 2 thìa giấm táo cùng với 1/2 hũ sữa chua không đường và 300ml nước ấm. Dùng hỗn hợp này để rửa bên ngoài vùng kín, giữ nguyên khoảng 3 phút rồi rửa sạch lại với nước.
Dùng Baking soda
Baking soda (bột nở) có tính kiềm nên có tác dụng hỗ trợ giúp điều hòa độ pH trong vùng kín, làm giảm sự phát triển của nấm Candida. Theo một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng, baking soda có khả năng hỗ trợ tiêu diệt nấm Candida hiệu quả.
Cách thực hiện: Tắm rửa, vệ sinh âm đạo sạch sẽ rồi lấy khoảng 2 cốc baking soda vào bồn tắm, rồi ngâm mình khoảng từ 10 – 30 phút và tắm lại bằng nước sạch lần nữa. Mỗi tuần có thể thực hiện khoảng 3 lần.
Trị nấm Candida bằng tỏi
Theo nhiều nghiên cứu, trong tỏi có chứa allicin, một hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, giúp làm sạch và làm dịu vùng kín bị nhiễm nấm khá hiệu quả.
Cách thực hiện: Giã nát tỏi và chắt lấy nước cốt. Pha loãng với một ít nước đun sôi để nguội. Sử dụng hỗn hợp này để rửa bên ngoài vùng kín mỗi ngày một lần, hoặc kết hợp với sữa chua để vệ sinh hằng ngày. Ngoài ra, chị em cũng có thể ăn tỏi trực tiếp hay dùng để chế biến món ăn mỗi ngày cũng giúp làm tăng hiệu quả trị nấm.
Tỏi có tính kháng viêm, kháng nấm Candida hiệu quả
Nước muối
Nước muối được đánh giá có khả năng sát khuẩn, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh viêm và nấm âm đạo hiệu quả.
Cách thực hiện: Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng (nước ấm + muối tinh), rửa bên ngoài vùng kín một cách sạch sẽ. Thực hiện từ 2-3 lần/tuần để giảm tình trạng nấm âm đạo.
Cách trị nấm Candida bằng trà xanh
Trà xanh cũng là một nguyên liệu khá dễ kiếm, chúng có tính chất kháng khuẩn và kháng viêm nên có tác dụng giúp làm sạch vùng kín và giảm triệu chứng ngứa, rát do nấm Candida hiệu quả.
Cách thực hiện: Hãm 1 nắm lá trà xanh trong nước sôi, để nguội bớt và sử dụng nước này để xông vùng kín. Thời gian xông từ 10-15 phút và thực hiện từ 3-4 lần/tuần để hiệu quả cao nhất.
Dầu dừa
Dầu dừa có tính sát khuẩn và làm dịu vùng kín bị nhiễm nấm, giúp giảm ngứa và khó chịu nên chị em cũng có thể sử dụng trong những ngày “cô bé” không thoải mái nhé.
Cách thực hiện: Bôi một lớp dầu dừa lên vùng kín và để trong khoảng 15-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước ấm. Thực hiện 2-3 lần mỗi tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Dầu dừa có tác dụng làm dịu vùng kín bị viêm nhiễm hiệu quả
Sử dụng nha đam để hỗ trợ trị nấm vùng kín
Nha đam có tính kháng khuẩn và làm dịu vùng kín bị nhiễm nấm, giúp giảm triệu chứng ngứa và viêm âm đạo khá hiệu quả.
Cách thực hiện: Lấy phần thịt nha đam, ngâm trong nước ấm khoảng 15 phút và sau đó chà nhẹ vùng kín, rồi rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện hàng ngày để giảm triệu chứng nấm âm đạo.
Hỗ trợ trị nấm âm đạo với lá ổi
Trong lá ổi có chứa nhiều tinh dầu, cùng một số hoạt tính có khả năng ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nấm, làm giảm viêm và ngứa vùng kín.
Cách thực hiện: Đun sôi lá ổi trong nước khoảng 15 phút, để nguội bớt và sử dụng nước này để rửa vùng kín. Thực hiện hàng ngày để giảm triệu chứng nấm âm đạo.
Mật ong
Bên cạnh tác dụng giúp làm đẹp da, hỗ trợ chữa bệnh thì mật ong nhờ có tính kháng khuẩn và làm dịu vùng kín, giúp giảm ngứa và khó chịu hiệu quả.
Cách thực hiện: Thoa một lớp mật ong lên vùng kín và để từ 15-20 phút, sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm. Thực hiện đều đặn để giảm triệu chứng nấm âm đạo.
Mật ong cũng có tác dụng hỗ trợ kháng nấm vùng kín an toàn
Những phương pháp trên giúp điều trị nấm Candida tại nhà một cách an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không cải thiện sau một thời gian dài hoặc tái phát thường xuyên, bạn nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đầy đủ.
Nhiễm nấm Candida khi nào nên đến gặp bác sĩ
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi có những dấu hiệu sau đây của nhiễm nấm Candida:
- Triệu chứng không giảm sau khi áp dụng các phương pháp tự điều trị.
- Triệu chứng tái phát thường xuyên, dù bạn đã áp dụng các biện pháp điều trị.
- Triệu chứng nặng hơn hoặc xuất hiện những dấu hiệu mới bất thường.
- Cảm giác khó chịu nặng nề gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Cách phòng tránh nhiễm nấm vùng kín ở phụ nữ
Để phòng tránh nhiễm nấm vùng kín ở phụ nữ, bạn có thể áp dụng những cách sau đây:
- Thay quần lót thường xuyên: Đảm bảo thay quần lót sạch và khô hàng ngày, đặc biệt sau khi tập thể dục hoặc bơi lội.
- Giữ vùng kín luôn khô ráo: Để ngăn ngừa sự phát triển của nấm, chị em nên đảm bảo giữ vùng kín luôn khô thoáng, không mặc quần lót quá chật hay còn ẩm ướt dễ tạo môi trường để nấm Candida phát triển.
- Sử dụng quần lót cotton: Chọn quần lót làm từ chất liệu cotton thay vì các loại lót chất liệu tổng hợp để giảm bớt độ ẩm và tăng sự thông thoáng.
- Tránh sử dụng xà phòng có hương liệu: Chọn xà phòng dịu nhẹ, không có hương liệu hoặc chất tẩy rửa gây kích ứng da.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên khi tới tháng: Cứ cách khoảng 3 – 4 tiếng, chị em nên thay băng vệ sinh một lần để không tạo cơ hội để nấm âm đạo phát triển.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế tiêu thụ đường và các sản phẩm có nồng độ cao, tăng cường cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và ăn nhiều rau quả tươi.
- Giảm stress và tăng cường miễn dịch: Thực hiện các hoạt động thư giãn để giảm stress và duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch.
- Tránh dùng quần áo quá chật: Chọn quần áo thoải mái, không quá chật để không làm tăng độ ẩm và nhiệt độ trong vùng kín.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm gây kích ứng: Tránh sử dụng các sản phẩm như xà phòng, nước hoa, dầu gội đầu có thể gây kích ứng vùng kín.
- Chú ý vệ sinh sau khi tập thể dục hoặc bơi: Sau khi tập thể dục hoặc bơi lội, hãy tắm sạch và thay quần áo khô để ngăn ngừa nấm phát triển do ẩm ướt.
- Sử dụng probiotics: Uống các loại probiotics như sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn giúp cân bằng vi khuẩn trong đường tiêu hóa và âm đạo.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Sử dụng nước ấm để rửa vùng kín, hoặc dùng thêm dung dịch vệ sinh chuyên dụng có độ pH thấp và tránh dùng xà phòng có mùi hoặc các sản phẩm làm sạch có hóa chất mạnh.
Chăm sóc và vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày là rất quan trọng
Kết luận
Trên đây là những thông tin gợi ý về những cách trị nấm Candida tại nhà an toàn, hiệu quả. Qua đó có thể thấy, nấm Candida phát triển chủ yếu dựa trên cách sinh hoạt và môi trường sống của mọi người. Vậy nên, hãy thay đổi những điều tiêu cực bằng những hành động tích cực nhờ áp dụng những biện pháp phòng tránh trên để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.