Xơ vữa động mạch là tình trạng mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch, khiến động mạch bị thu hẹp, giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Xơ vữa động mạch làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết về xơ vữa động mạch.
Tổng quan chung: Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch là tình trạng bệnh lý nơi các chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ trong và trên thành động mạch tạo thành những mảng gọi là mảng sơ vữa. Bệnh này có thể xảy ra ở nhiều hệ thống như mạch cảnh, mạch vành, mạch chi dưới và gây ra nhiều bệnh liên quan.
Triệu chứng
Xơ vữa động mạch thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi ở giai đoạn nặng. Lúc này tình trạng hẹp động mạch nặng khiến lưu lượng máu bị gián đoạn, không thể vận chuyển đến các cơ quan và mô. Bệnh tim mạch cũng vì thế mà phát triển. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị vỡ và hình thành cục máu đông thì sẽ gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Các triệu chứng trải qua trong quá trình xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng tùy thuộc vào động mạch nào bị ảnh hưởng.
- Xơ vữa động mạch vành (đến tim): Bệnh nhân sẽ có những cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, dẫn tới suy tim nếu không được điều trị.
- Xơ vữa động mạch cảnh (đến não): các triệu chứng của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) có thể tiến triển thành đột quỵ nếu không được điều trị – đột ngột yếu hoặc tê ở tay hoặc chân, nói lắp hoặc nói khó, mất thị lực tạm thời ở mắt hoặc sụp mí cơ bắp.
- Động mạch ngoại vi (đến cánh tay và chân): các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi (PAD), chẳng hạn như giảm huyết áp ở chi bị ảnh hưởng hoặc tê và đau ở các chi. PAD làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra hoại tử, dẫn đến việc phải cắt cụt chi.
- Động mạch thận (đến thận): Bệnh nhân sẽ bị tăng huyết áp, bệnh thận mạn với các triệu chứng như chán ăn, phù tay chân, tiểu ít…
Xơ vữa động mạch cũng có thể gây ra chứng phình động mạch ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Trong khi hầu hết những người bị chứng phình động mạch không có triệu chứng, một số trường hợp khác có thể có cảm giác đau và nhói ở khu vực túi phình. Nếu túi phình vỡ, tỷ lệ vẫn có xảy ra xuất huyết nội và đe dọa đến tính mạng. Điều này thường xảy ra đột ngột song vẫn có lúc xảy ra rò rỉ chậm.
Nguyên nhân
Xơ vữa động mạch là quá trình diễn biến từ từ, bắt đầu ngay từ tuổi trẻ. Độ tuổi xảy ra các biến cố liên quan đến xơ vữa động mạch đang dần bị trẻ hóa. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn còn chưa được biết rõ nhưng người ta đã biết được nhiều yếu tố góp phần vào sự hình thành mảng xơ vữa. Sự khởi đầu của việc tạo thành mảng xơ vữa có thể do tổn thương nội mạc mạch máu. Một số tác nhân có thể gây tổn thương nội mạc mạch máu như:
- Huyết áp tăng
- Mức độ lipid cao trong máu
- Hút thuốc lá
- Đường huyết cao
Đối tượng nguy cơ
Nguyên nhân chính xác gây ra xơ vữa động mạch vẫn chưa được biết đến. Nhưng có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định làm tăng khả năng bị xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ này thường liên kết với nhau.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến là:
- Trên 55 tuổi
- Nam giới (tuy nhiên khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thì nguy cơ tương đương như nam giới)
- Tiền sử gia đình có người bị xơ vữa động mạch
- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Rối loạn mỡ máu
- Đái tháo đường
- Lối sống ít vận động
- Thường xuyên căng thẳng tâm lý
- Nồng độ axit uric máu cao
- Ăn nhiều muối
- Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Những người từ 20 tuổi trở lên nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Các bài kiểm tra cần thực hiện là:
- Kiểm tra huyết áp.
- Tính chỉ số khối cơ thể.
- Xét nghiệm máu: Cholesterol toàn phân, LDL-Cholesterol, HDL-Cholesterol, Triglyceride, Glucose, Axit uric,…
Chẩn đoán
Để chẩn đoán xơ vữa động mạch, cần kiểm tra kết quả xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác. Đồng thời, khai thác tiền sử gia đình và tình trạng sức khỏe hiện có của người bệnh.
Tùy vào vị trí nghi ngờ xơ vữa động mạch và từng đối tượng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Dưới đây là một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được sử dụng:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mức cholesterol, triglyceride, đường huyết, protein phản ứng C,…
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch não: Siêu âm xuyên sọ, chụp động mạch não, chụp CT Scan não, chụp MRI não.
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch mắt: Soi đáy mắt trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch cảnh: Siêu âm Doppler màu động mạch cảnh, chụp CT mạch máu có cản quang.
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch thận: Siêu âm Doppler, chụp động mạch thận cản quang.
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch vành: Điện tâm đồ (thường, gắng sức, holter 24h…), siêu âm tim, chụp động mạch vành.
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch chủ: Chụp X-quang cản quang, chụp MRI, siêu âm mạch máu.
- Chẩn đoán xơ vữa động mạch ngoại vi: Siêu âm Doppler màu mạch máu chi dưới, chụp động mạch cản quang, kiểm tra chỉ số mắt cá nhân – cánh tay (ABI).
Phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch
Những thay đổi lối sống lành mạnh được khuyến nghị để điều trị chứng xơ vữa động mạch cũng giúp ngăn ngừa bệnh. Những thay đổi lối sống này có thể giúp giữ cho các động mạch khỏe mạnh:
- Bỏ hút thuốc
- Ăn nhiều rau luộc, rau sống, cá biển, cá sông tươi và các thực phẩm lành mạnh khác
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 ngày, mỗi ngày 30 phút
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu béo phì, thừa cân
- Kiểm tra và duy trì huyết áp khỏe mạnh
Kiểm tra và duy trì mức cholesterol và lượng đường trong máu khỏe mạnh
Xơ vữa động mạch điều trị như thế nào?
Nội khoa:
- Kiểm soát huyết áp bằng thuốc: chẹn kênh canxi (amlodipin, felodipin..), ức chế men chuyển/ức chế thụ thể (lisinopril, captopril, valsartan…), chẹn beta giao cảm (metoprolol, bisoprolol…)…
- Điều trị đái tháo đường: dùng thuốc viên hoặc insulin tùy mức độ. Hiện nay có những thuốc đã được chứng minh làm giảm nguy cơ tim mạch như: ức chế thụ thể SGLT2, đồng vận GLP-1..
- Liệu pháp statin: điều trị rối loạn lipid máu, ổn định mảng xơ vữa. Các thuốc thường dùng: rosuvastatin, atorvastatin..
- Kháng kết tập tiểu cầu: aspirin, clopidogrel khi có chỉ định tùy bệnh cảnh lâm sàng
Can thiệp nội mạch: đặt stent mạch vành, mạch cảnh, mạch chi…, stent graft động mạch chủ tùy từng trường hợp cụ thể
Phẫu thuật: phẫu thuật bóc nội mạc mạch cảnh, bắc cầu nối mạch chi, bắc cầu nối chủ- vành (CABG), thay đoạn động mạch chủ… tùy từng trường hợp cụ thể.
Hiểu được các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh xơ vữa động mạch. Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, ngoài ra bệnh nhân cần lưu ý thay đổi lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng bệnh.