Viêm xung huyết hang vị, nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm hoặc không đúng cách , bệnh có thể tiến triển dẫn đến loét hoặc tình trạng viêm mạn tính. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm xung huyết hang vị dạ dày qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày bị viêm, các mạch máu bị sung huyết, giãn nở và nề đỏ. Tình trạng này có thể xuất hiện sau khi uống rượu, bia, một số loại thuốc (nhất là các thuốc giảm đau chống viêm không steroid), dùng nhiều các thực phẩm kích thích như cà phê, hạt tiêu, ớt… hay những người hay căng thẳng, sinh hoạt không điều độ.
Viêm xung huyết hang vị, nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm hoặc không đúng cách , bệnh có thể tiến triển dẫn đến loét hoặc tình trạng viêm mạn tính.
Triệu chứng
Viêm xung huyết hang vị dạ dày phần lớn không có triệu chứng hoặc các triệu chứng thoáng qua. Khi tình trạng viêm nặng hơn, người bệnh có thể cảm nhận được một số triệu chứng như:
- Đau, nóng rát vùng thượng vị . Thường đau âm ỉ, có lúc quặn thành cơn.
- Chướng bụng, chậm tiêu, đầy hơi
- Ợ chua, ợ hơi
- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây kích thích dẫn tới viêm xung huyết hang vị dạ dày. Bệnh có thể bắt nguồn từ một trong số các lý do sau:
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP): Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nhiều người bị nhiễm khuẩn HP nhưng lại không nhận biết được vì tình trạng nhiễm trùng này thường không gây ra nhiều triệu chứng. Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn HP thường diễn ra từ nhỏ hay trẻ tuổi ở những nơi có tỷ lệ nhiễm HP cao.
- Sử dụng thuốc: Nếu thường xuyên sử dụng các loại thuốc như aspirin, ibuprofen hoặc các loại thuốc giảm đau khác được phân loại là thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… thì bạn cũng có nguy cơ gặp phải các vấn đề về dạ dày, trong đó có viêm xung huyết hang vị.
- Uống nhiều bia rượu, chất kích thích: Những đồ uống có cồn, chất kích thích khi sử dụng lâu ngày hoặc sử dụng quá nhiều cùng một lúc sẽ gây hại không nhỏ tới dạ dày. Bia rượu khiến dạ dày phải tiết nhiều axit hơn bình thường, dần dần có thể làm “xói mòn” niêm mạc dạ dày và gây viêm.
- Các nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân tuy ít gặp hơn nhưng cũng có nguy cơ gây viêm xung huyết hang vị bao gồm trào ngược mật, lớn tuổi, hút thuốc lá, điều trị ung thư, viêm dạ dày tự miễn (cơ thể tự tấn công các tế bào niêm mạc dạ dày), các tình trạng y tế khác (như HIV/AIDS, bệnh Crohn, bệnh celiac, bệnh sarcoidosis và nhiễm ký sinh trùng,…).
Đối tượng nguy cơ
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp ở những người không chú ý trong ăn uống, hay căng thẳng đầu óc hoặc giữ vệ sinh kém, nhiễm khuẩn HP.
Chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày
Để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm xung huyết hang vị dạ dày người bệnh sẽ được chỉ định làm nội soi dạ dày. Ngoài ra, việc xét nghiệm tìm HP dạ dày cũng rất có giá trị trong việc điều trị bệnh.
Nội soi dạ dày thấy được vị trí, tình trạng xung huyết của niêm mạc hang vị. Khi cần, có thể bấm sinh thiết để xét nghiệm tế bào tại những vị trí tổn thương nghi ngờ, cắt polyp, và làm xét nghiệm xác định vi khuẩn Helicobacter pylori bằng nhiều phương pháp như nhuộm Gram, test ureaza hoặc bằng phản ứng sinh học phân tử (PCR)…
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh viêm xung huyết hang vị cần:
- Chú ý sử dụng các thuốc chống viêm theo hướng dẫn và sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng kéo dài.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Không ăn quá nhanh, tránh vừa ăn vừa chú ý xem tivi, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn…
- Ăn những thức ăn dễ tiêu, hạn chế dầu mỡ, các gia vị chua cay, loại nước gây kích thích như rượu, bia, cà phê, chè, nước có gas…
- Không nên vận động ngay sau khi ăn, không ăn no quá, hạn chế ăn đêm., ăn uống đúng thời gian, không bỏ bữa thất thường.
- Thường xuyên tập thể dục hàng ngày, có thể tập những môn như dưỡng sinh, yoga… giúp tinh thần thoải mái tránh căng thẳng lo âu.
- Khi có dấu hiệu bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh, không nên để tình trạng bệnh kéo dài.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị có hiệu quả, phải xác định nguyên nhân gây bệnh và trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị tốt nhất. Người bệnh tuyệt đối không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc người nhà khi không có chuyên môn về y học. Cần dùng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình: uống đúng liều lượng không tự ý ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày cần kiên trì, không nóng vội và không quá lo lắng.
- Nếu xác định có vi khuẩn HP, việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn là hết sức cần thiết; Ngoài việc sử dụng kháng sinh (nếu có vi khuẩn HP) cần có các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc chống tiết dịch vị, thuốc giảm đau và thuốc an thần người bệnh cần dung thuốc một cách nghiêm túc.
- Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một ít bánh mỳ, bánh ngọt (có khả năng hút dịch vị để tống xuống ruột làm giảm sự kích thích của chúng) hay uống một ly sữa nhỏ sẽ tạm thời làm giảm cơn đau hoặc chườm ấm bụng.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền về bệnh tật của mình, mỗi ngày nên được ngủ ít nhất từ 7 – 8 giờ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.