Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng phổi phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, gây ra viêm và tắc nghẽn trong đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) của phổi. Nguyên nhân gây ra viêm phế quản do virus gây ra và mùa đông là thời gian cao điểm của bệnh này.
Tổng quan chung
Viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến ở trẻ em với phổi bị nhiễm khuẩn do virus. Bệnh viêm tiểu phế quản làm cho trẻ thở khò khè, khó thở, ho và kèm theo rối loạn ăn uống.
Viêm tiểu phế quản thường xảy ra thành vụ dịch và chủ yếu ở trẻ em < 24 tháng, với tỷ lệ cao từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh trong năm đầu đời khoảng 11 ca/100 trẻ. Ở khu vực ôn đới, hầu hết các trường hợp xảy ra giữa tháng 11 và tháng 4, với tỷ lệ cao điểm vào tháng 1 và tháng 2.
Virus lan từ đường hô hấp trên xuống phế quản trung bình và nhỏ và tiểu phế quản, gây hoại tử biểu mô và bắt đầu phản ứng viêm. Phù nề và xuất tiết tiến triển dẫn đến tắc nghẽn đường thở một phần, được ghi nhận nhiều nhất ở thì thở ra và dẫn đến ứ khí phế nang. Tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và hấp thu không khí trong bẫy khí có thể dẫn đến nhiều vùng xẹp phổi, hiện tượng này trầm trọng hơn khi cho thở oxy nồng độ cao.
Viêm phế quản bắt đầu với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường nhưng sau đó tiến triển thành ho, khò khè và đôi khi khó thở. Các triệu chứng của viêm phế quản có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, thậm chí một tháng.
Hầu hết trẻ em sẽ được điều trị ngoại trú và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trẻ em cần nhập viện.
Triệu chứng viêm tiểu phế quản
Những triệu chứng ban đầu thường giống như cảm lạnh: nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho nhẹ và sốt nhẹ trong 1 đến 2 ngày. Sau đó, các triệu chứng này sẽ phố biến và tăng lên như:
- Trẻ ho, thở nhanh và thở khò khè,
- Cổ và ngực của trẻ có thể thấy rõ co kéo theo mỗi nhịp thở
- Trẻ có thể bị sốt từ 4 đến 5 ngày
- Trẻ bị khó thở sẽ rất mệt hoặc bị thiếu nước
- Trẻ nôn mửa kèm với ho hay tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường).
Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đi khám tại cơ sở Y tế:
- Nôn
- Có tiếng khò khè
- Nhịp thở nhanh (trên 60 lần/phút) và thở nông
- Có dấu hiệu rút lõm lồng ngực – xương sườn bị lõm xuống khi trẻ sơ sinh hít vào
- Trẻ chậm chạp hoặc thờ ơ
- Từ chối uống đủ, hoặc thở quá nhanh khi ăn hoặc uống
- Da chuyển sang tím tái ở môi và móng tay
- Nguyên nhân viêm tiểu phế quản
Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản gây ra bởi
- Virus hợp bào đường hô hấp (RSV)
- Rhinovirus
- Virus á cúm type 3
Các nguyên nhân ít gặp hơn là vi-rút cúm A và B, cúm type 1 và 2, metapneumovirus ở người, adenoviruses, và Mycoplasma pneumoniae.
Các virus gây viêm phế quản rất dễ lây lan. Người bệnh truyền bệnh cho người khác thông qua những giọt nước trong không khí khi bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể lây cho người khác bằng cách chạm vào các đồ vật sử dụng chung khăn hoặc đồ chơi và sau đó người khỏe mạnh lại chạm vào mắt, mũi hoặc miệng thì sẽ bị lây bệnh.
Đối tượng nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản
Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản cao nhất vì phổi và hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Các yếu tố khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, hoặc bệnh nặng hơn do viêm tiểu phế quản, bao gồm:
- Sinh non
- Có bệnh tim hoặc các bệnh phổi tiềm ẩn
- Suy yếu hệ miễn dịch
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
- Ở với nhiều trẻ khác, như nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học
- Sống trong gia đình đông người, chật chội
- Có anh chị em đi học hoặc chăm sóc trẻ mang mầm bệnh về nhà
Chẩn đoán viêm tiểu phế quản
Nếu trẻ có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản nặng, nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc nếu nghi ngờ vấn đề khác, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm như:
- X-quang ngực. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang ngực để tìm dấu hiệu viêm phổi.
- Xét nghiệm siêu vi. Bác sĩ lấy mẫu chất nhầy ở mũi của trẻ để kiểm tra vi-rút gây viêm phế quản.
- Xét nghiệm máu. Đôi khi, xét nghiệm máu có thể được sử dụng để kiểm tra số lượng tế bào bạch cầu của trẻ. Sự gia tăng các tế bào bạch cầu thường là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Xét nghiệm máu cũng có thể xác định xem mức độ oxy đã giảm trong máu của trẻ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi phụ huynh về các dấu hiệu mất nước, đặc biệt là nếu trẻ không chịu uống hoặc bị nôn. Dấu hiệu mất nước bao gồm mắt trũng, khô miệng và da, uể oải và ít hoặc không đi tiểu.
Phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản
Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản là do virus gây ra và lây từ người sang người, một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa là rửa tay thường xuyên – đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ khi người chăm sóc bị cảm lạnh hoặc bệnh hô hấp khác và đồng thời đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ.
Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà cho đến khi hết bệnh để tránh lây sang người khác.
Một số cách khác để giúp hạn chế nhiễm trùng bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với những người bị sốt hoặc cảm lạnh hoặc người mắc viêm tiểu phế quản ở người lớn. Nếu trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, hãy tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh trong hai tháng đầu đời.
- Làm sạch và khử trùng bề mặt. Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào, như đồ chơi và tay nắm cửa.
- Che miệng khi ho và hắt hơi. Che miệng và mũi bằng khăn giấy. Sau đó vứt khăn giấy và rửa tay hoặc sử dụng nước rửa tay có cồn.
- Sử dụng ly uống nước của riêng. Không sử dụng cốc nước với người khác và đặc biệt đối với những người bị bệnh.
- Rửa tay thường xuyên. Thường xuyên rửa tay mọi người trong gia đình, kể cả trẻ.
- Cho con bú. Những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn có khả năng mắc bệnh thấp hơn với những trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời.
Điều trị viêm tiểu phế quản như thế nào?
Về điều trị viêm tiểu phế quản thường kéo dài trong hai đến ba tuần. Phần lớn trẻ em bị viêm tiểu phế quản có thể được chăm sóc tại nhà sau khi được hướng dẫn. Điều quan trọng là phụ huynh cần phải cảnh giác với những thay đổi về hô hấp của trẻ, như trẻ khó chịu khi thở, không thể nói hoặc khóc vì khó thở.
Do virus gây viêm phế quản nên thuốc kháng sinh không có hiệu quả để điều trị. Nếu trẻ bị nhiễm vi khuẩn khác như viêm phổi, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh.
Thuốc corticosteroid đường uống và hít để làm loãng chất nhầy đã được chứng minh không điều trị hiệu quả cho viêm tiểu phế quản và không được khuyến cáo sử dụng.
Viêm tiểu phế quản là tình trạng phổ biến và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với tính mạng của trẻ nhỏ. Trường hợp nếu có dấu hiệu bất thường, bạn nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.