Bệnh viêm ruột – Inflammatory bowel disease (IBD) là bệnh lý viêm mạn tính ở ruột, là kết quả của đáp ứng miễn dịch quá mức và kéo dài tại niêm mạc đường tiêu hóa do một kháng nguyên nào đó (thức ăn/ vi khuẩn…) trên cơ địa di truyền đặc biệt dễ nhạy cảm, đây là bệnh lý có giai đoạn lui bệnh và tái phát, có thể “kéo dài suốt đời”. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về viêm ruột mạn tính.
Tổng quan chung viêm ruột mạn tính
Viêm ruột mạn tính IBD (inflammatory bowel disease) là bệnh viêm mạn tính của đường ruột gồm 2 nhóm bệnh chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng). Cơ chế bệnh sinh trong viêm ruột mạn tính vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, tương tác giữa yếu tố môi trường, yếu tố miễn dịch của cơ thể, hệ vi sinh, di truyền của người bệnh đóng vai trò quan trọng. Trong những năm gần đây, người ta ghi nhận sự bất thường hệ vi sinh vật đường ruột trong bệnh Crohn, tăng cao một số chủng vi khuẩn gây bệnh như E.Coli, Proteobacteria, Actinobacteria và sự sụt giảm chủng Firmicutes và Bacteroides.
Triệu chứng viêm ruột mạn tính
Biểu hiện của bệnh IBD rất đa dạng thay đổi tuỳ theo loại, vị trí bị loét, mức độ nghiêm trọng, cũng như các bệnh lý đi kèm. Diễn tiến bệnh có thể thầm lặng, ổn định và nặng nề bùng phát về tần suất, cường độ và thời gian. Các triệu chứng này bao gồm:
- Đi tiêu ra máu.
- Tiêu chảy kéo dài.
- Đau quặn bụng.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Chán ăn, sụt cân không chủ ý.
Nguyên nhân viêm ruột mạn tính
- Không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh hoặc khi ăn
- Tiêu thụ thực phẩm được xử lý không đúng cách
- Ăn thực phẩm để quá lâu không để trong tủ lạnh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi
- Ăn thực phẩm chưa nấu chín hoặc chưa tiệt trùng
- Uống nước chưa qua xử lý
Đối tượng nguy cơ viêm ruột mạn tính
- Các yếu tố môi trường được cho là có tác động đến sự phát triển của bệnh thường thấy là hút thuốc lá, sử dụng kháng viêm NSAIDs, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hormone thay thế.
- Yếu tố di truyền có liên quan lớn đến cả hai thể bệnh viêm loét đại tràng và Crohn khi tỷ lệ mắc bệnh của người trong gia đình hoặc trẻ song sinh cùng trứng rất cao, Có đến 35% nguy cơ IBD ở người trong gia đình và 30% nguy cơ ở cặp song sinh cùng trứng. Độ tuổi mắc bệnh Crohn nhiều nhất từ 20-30 tuổi và độ tuổi thứ 2 thường là sau 60 tuổi.
- Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh Crohn và tăng biến chứng chít hẹp, rò, nhu cầu cần phẫu thuật. Chế độ ăn nhiều chất xơ và trái cây làm giảm nguy cơ bệnh Crohn, ăn nhiều chất béo động vật hoặc acid béo không bão hòa làm tăng nguy cơ bệnh Crohn. Giảm vitamin D thường gặp trong bệnh Crohn.
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh IBD đang có xu hướng gia tăng nhiều trong dân số Châu Á, tỷ lệ mắc bệnh chung thay đổi từ 1- 16 /100.000 dân. Ở Châu Á, 36% trường hợp phát hiện bệnh khi đã có biến chứng chít hẹp hoặc thủng ruột so với ở Châu Úc chỉ 5%.
Chẩn đoán viêm ruột mạn tính
Việc chẩn đoán chính xác IBD cần có sự phối hợp nhiều chuyên khoa: nội tiêu hoá, ngoại tiêu hoá, nội soi, chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ giải phẫu bệnh. Để làm rõ chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân bao gồm:
- Soi phân, cấy phân: Người bệnh được lấy mẫu để tầm soát loại trừ các nguyên nhân nhiễm khuẩn khác như: vi trùng, lao, ký sinh trùng cũng có thể gây viêm loét đại tràng.
- Xét nghiệm calprotectin: Đánh giá mức độ viêm thông qua đo nồng độ của calprotectin – một protein được giải phẫu bởi các tế bào ruột khi viêm của người bệnh IBD.
- Xét nghiệm máu:
Tầm soát mức độ thiếu máu (lượng máu thấp) do chảy máu trong ruột hoặc kém hấp thu chất sắt.- Đo lường mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm: các dấu hiệu viêm trong máu (CRP hoặc ESR) tăng cao khi bệnh hoạt động.
- Tầm soát thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất.
- Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh: albumin thấp (protein) là dấu hiệu viêm trong giai đoạn bệnh hoạt động.
- Huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng (giun lươn, amip) cũng được thực hiện để loại trừ viêm loét đại tràng do giun, amip,…
- Nội soi:
- Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng: Khi nghi ngờ ổ loét ở thực quản, dạ dày, tá tràng. Để lấy sinh thiết mô nhằm tìm kiếm những thay đổi siêu nhỏ ở thành ruột của đường tiêu hóa trên và phần trên của ruột non cho thấy bệnh Crohn.
- Nội soi đại trực tràng: giúp phát hiện tổn thương ở đường tiêu hoá dưới từ hậu môn đến van hồi manh tràng. Để lấy sinh thiết mô nhằm tìm kiếm những thay đổi siêu nhỏ nhìn thấy trong thành ruột ở đại tràng, trực tràng hoặc phần dưới của ruột non (hồi tràng) của bệnh Crohn hoặc viêm loét đại trực tràng.
- Nội soi ruột non: khảo sát đặc biệt được đoạn ruột non mà nội soi dạ dày – tá tràng và nội soi đại tràng không khảo sát được. Nội soi ruột non cũng giúp sinh thiết các tổn thương nghi ngờ.
- Nội soi viên nang: viên nội soi có chứa camera hình con nhộng, được người bệnh nuốt, sẽ chạy khắp đường tiêu hoá để ghi nhận tổn thương.
- Chẩn đoán qua hình ảnh:
- Chụp cắt lớp vi tính: giúp khảo sát mức độ nghiêm trọng, phạm vi của bệnh qua việc đánh giá sự thay đổi cấu trúc ruột.
- Cộng hưởng từ: khi bệnh nhân có chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính (suy thận, có thai) hoặc muốn khảo sát sâu hơn về mặt mô mềm, mức độ rò, chít hẹp của tổn thương.
Phòng ngừa bệnh viêm ruột mạn tính
Thực sự không có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Chúng ta có thể:
- Ăn nhiều bữa nhỏ, dễ tiêu.
- Sử dụng các phương pháp giảm bớt căng thẳng như thiền, tai chi, nghe nhạc, đi bộ.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Chọn thực phẩm phù hợp, không làm khởi phát viêm ruột (IBD).
- Ngưng hút thuốc lá.
Bệnh viêm ruột (IBD) là một bệnh mạn tính, cần điều trị liên tục và suốt đời. Nếu tuân thủ điều trị tốt, người bệnh sẽ không vào đợt bùng phát, kéo dài thời gian lui bệnh và sinh hoạt như người bình thường.
Điều trị viêm ruột mạn tính như thế nào?
Hiện tại vẫn chưa có cách chữa lành cho IBD. Mục tiêu chính của điều trị cho người bệnh là giảm các triệu chứng, duy trì hay thuyên giảm tình trạng, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, xuất hiện biến chứng.
- Điều trị không dùng thuốc
Thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp nếu không được điều chỉnh có thể làm nặng lên triệu chứng IBD. Việc thay đổi lối sống tích cực, điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm tần suất các đợt bùng phát và thậm chí là thuyên giảm tình trạng bệnh.
Người bệnh cần thay đổi và xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh như:
Lưu ý trong chế độ ăn uống
Một số biện pháp điều chỉnh trong chế độ ăn có thể giúp bệnh nhân bao gồm:
- Hầu hết những người bị IBD không cần hạn chế về chế độ ăn uống và nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, trừ khi được tư vấn khác bởi chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ lâm sàng IBD của họ.
- Theo dõi các triệu chứng sau khi ăn các thức ăn hằng ngày.
- Tránh sử dụng các chế phẩm sữa.
- Tránh và hạn chế các thực phẩm cay, caffeine, rượu, chất có cồn.
- Nếu ruột bị chít hẹp nên ăn lỏng, hạn chế ăn nhiều chất xơ.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Điều này có nghĩa là bao gồm các loại thực phẩm từ một trong năm nhóm thực phẩm mỗi ngày, để đảm bảo bạn có đủ chất dinh dưỡng, như: rau, bao gồm các loại và màu sắc khác nhau, và các loại đậu; trái cây; thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ, các loại hạt; sữa, sữa chua, uống nhiều nước.
Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp mọi người duy trì dinh dưỡng đầy đủ. Rất có thể, người bệnh sẽ có những khoảng thời gian phải trải qua một đợt bùng phát IBD của mình. Trong thời gian bùng phát, người ta thường thấy giảm cân do bớt thèm ăn và tăng nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là khi mắc bệnh Crohn và bị viêm loét đại tràng nặng.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc ngừa thai, NSAIDs khi chưa tham vấn ý kiến bác sĩ.
Quản lý stress
Tình trạng căng thẳng có thể giúp giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát. Các biện pháp giúp kiểm soát căng thẳng như:
- Tập luyện thể thao.
- Thiền.
- Tập thở.
- Tham giác các hoạt động ngoài trời.
Các hoạt động hỗ trợ tinh thần như thường xuyên động viên, quan tâm rất quan trọng đối với bệnh nhân bị viêm ruột, đặc biệt là bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng.
Ngưng sử dụng thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ để phát triển tình trạng và có thể làm các triệu chứng nặng hơn. Vì vậy, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc lá.
- Điều trị dùng thuốc
Người bệnh sẽ được kê toa sử dụng một số thuốc để chống lại quá trình viêm. Những thuốc này có thể uống hoặc truyền tĩnh mạch. Các thuốc bao gồm:
- Thuốc kháng viêm: thường gặp là aminosalicylates (bao gồm sulfasalazine, mesalamine hoặc balsalazide) có thể uống hoặc đặt hậu môn tùy trường hợp. Thuốc là chế phẩm đầu tay giúp chống lại các triệu chứng và tác dụng kháng viêm, duy trì và giảm mức độ bệnh của IBD.
- Corticoid: là thuốc kháng viêm có tác dụng mạnh, nhanh, thường được sử dụng trong đợt bùng phát.
- Các thuốc ức chế miễn dịch: tác động đến hệ thống miễn dịch quá phát của cơ thể, từ đó giúp giảm viêm. Tuy nhiên, liệu pháp cần thời gian để đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh.
- Các thuốc sinh học: thường được lựa chọn khi bệnh nặng, ưu tiên ở người trẻ giúp ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng từ rất sớm. Các thuốc tác động đến các thụ thể để giảm viêm trong cơ thể.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.