Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Những thông tin cơ bản dưới đây sẽ giúp phụ huynh trang bị thêm kiến thức về căn bệnh này để có thể chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu một cách tốt nhất.
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ
Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em là gì?
Trong vài ngày đầu, các triệu chứng của viêm phế quản bao gồm:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Ho, khò khè
- Sốt
- Trẻ chán ăn, quấy khóc
Trẻ mệt mỏi, chán ăn và quấy khóc khi bị viêm phế quản
Vào ban đêm, triệu chứng thường có xu hướng nặng hơn, cha mẹ cần theo dõi sát sao để xử lý kịp thời nếu triệu chứng nguy hiểm.
Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng sau, cha mẹ cần sớm đưa tới cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu:
- Trẻ sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng khi đã dùng thuốc hạ sốt
- Khó thở và rên rỉ
- Trẻ thở nhanh, có hiện tượng co lõm ngực
- Tiêu chảy, nôn mửa
- Trẻ ho nhiều, kéo dài, ngủ li bì khó đánh thức, bỏ bú
- Da của trẻ xanh xao, môi và đầu ngón tay, ngón chân tím tái
- Nếu nặng hơn sẽ có những biểu hiện về thần kinh như nằm li bì, có thể hôn mê và có những cơn co giật.
Viêm phế quản ở trẻ em có được tắm không?
Đây là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm khi con mắc bệnh. Nhiều người nghĩ rằng không nên tắm cho trẻ khi chúng ốm, chỉ cần lau sơ để loại bỏ bụi bẩn. Nhưng đó là một quan điểm sai lầm, bởi việc không tắm hàng ngày có thể làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia y tế khuyến khích nên tắm hoặc lau sạch da cho trẻ bằng nước ấm giúp loại bỏ mầm bệnh, vi khuẩn, bụi bẩn và mồ hôi, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và hỗ trợ quá trình điều trị. Vì thế, việc tắm rửa không chỉ giúp trẻ sạch sẽ mà còn là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe của trẻ.
Viêm phế quản ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Nếu được điều trị đúng cách, bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể trị dứt điểm. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý những vấn đề dưới đây để có thể chăm sóc và bảo vệ con mình một cách tốt nhất:
- Trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Phương pháp tốt nhất để trị bệnh là làm long đờm và cho trẻ ăn uống đầy đủ. Chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tự khỏi sau vài ba ngày.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh để viêm phế quản tiến triển sang viêm phổi, cho trẻ uống nước ấm.
- Vệ sinh mũi cho trẻ: dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để nhỏ mũi làm sạch cho trẻ nhiều lần mỗi ngày.
- Với những trường hợp trẻ bị sốt, bạn không nên ủ ấm trẻ quá kỹ. Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Mẹ có thể chườm ấm vùng nách, cổ, bẹn và lau ấm toàn thân cho bé để nhanh chóng giảm nhiệt. Nếu trẻ sốt cao, mẹ cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ và nếu trẻ có biểu hiện bất thường hoặc cơn sốt không giảm, tốt nhất nên đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.
- Đối với viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, bé còn bú nên mẹ nên tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn. Trường hợp trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, mẹ cần cho bé uống nhiều nước và bữa ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Mẹo trị viêm phế quản cho trẻ từ mật ong các mẹ có thể tham khảo:
Mật ong pha nước ấm: Đây là cách giảm ho cho trẻ rất đơn giản và hiệu quả, có thể cho trẻ uống mật ong trực tiếp hoặc pha với nước ấm. Mật ong giúp làm dịu cổ họng rất tốt, hơn nữa còn có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh.
Tắc và gừng chưng với mật ong: Với đặc tính chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch, gừng sẽ có tác dụng tốt đối với phế quản đang bị viêm nhiễm. Bạn có thể cho những lát gừng vào nước sôi để giải phóng dược tính của nó. Sau đó thêm tắc và mật ong vào hỗn hợp, chưng hấp khoảng 15 phút, pha với ít nước cho bé dùng ngay lúc ấm giúp làm dịu cơn ho và giảm đau họng hiệu quả.
Mẹo hay từ mật ong giúp dịu cơn ho cho bé
Cha mẹ chú ý không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới tuổi do có thể gây ngộ độc gây nguy hiểm cho bé.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ em?
Một số cách dưới đây giúp phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ mà phụ huynh có thể thực hiện và hướng dẫn con thực hiện:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sát khuẩn tay nhanh. Hướng dẫn trẻ kỹ thuật rửa tay đúng cách và những thời điểm nhất định cần rửa tay, chẳng hạn như ngay trước bữa ăn hoặc sau khi xì mũi. Điều này có thể làm giảm nguy cơ lây lan bệnh tật.
- Khử trùng các bề mặt, đồ chơi và đồ vật mà bạn và con bạn thường chạm vào.
- Đảm bảo trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ: Điều này sẽ giúp trẻ ít có khả năng nhiễm virus có thể dẫn đến viêm phế quản.
- Tránh xa khói thuốc lá: Khói thuốc lá là tác nhân gây kích ứng và khiến trẻ có nguy cơ cao bị các bệnh viêm đường hô hấp.
- Tránh cho trẻ đến những nơi đông người, đặc biệt là vào mùa của các nhóm bệnh cúm.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và khi đến những môi trường có nguy cơ tồn tại các yếu tố gây kích ứng.
Viêm phế quản hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm. Khi con mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, phụ huynh nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt để tránh việc bệnh trở nặng và ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới. Các triệu chứng bệnh ở trẻ có thể diễn tiến rất nhanh, nên cần được theo dõi sát sao và điều trị dứt điểm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.