Viêm niệu đạo có thể xảy ra ở cả nam và nữ, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở nam giới trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân chủ yếu có thể liên quan đến các tác nhân gây bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
Tổng quan chung
Niệu đạo là một cơ quan dạng ống nhỏ xuất phát từ bàng quang. Niệu đạo có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Cấu trúc giải phẫu của niệu nam và nữ là khác nhau. Viêm niệu đạo là một tình trạng mà niệu đạo bị viêm nhiễm và kích ứng gây ra đau buốt khi đi tiểu và tiết dịch bất thường. Niệu đạo cũng là đường dẫn tinh dịch từ túi tinh ở nam giới tại ngã đổ tại tiền liệt tuyến và thông qua đoạn trong dương vật để ra ngoài.
Viêm niệu đạo thường gây ra hai triệu chứng khó chịu chính mà bệnh nhân cảm nhận được là đau buốt khi đi tiểu và tăng cảm giác buồn đi tiểu kể cả khi có rất ít nước tiểu trong bàng quang (tiểu dắt). Nguyên nhân chính dẫn đến viêm niệu đạo thường là các viêm nhiễm do các tác nhân đặc hiệu thường chỉ gặp ở niệu đạo.
Triệu Viêm niệu đạo nam giới
Nam giới bị viêm niệu đạo có thể có các các triệu chứng sau:
- Tiểu buốt
- Ngứa, rát quy đầu gần lỗ niệu đạo ngoài.
- Xuất tinh máu hoặc đái máu.
- Chảy dịch bất thường từ lỗ niệu đạo ngoài.
- Tiểu rắt (Kích thích buồn tiểu ngay cả khi bàng quang ít nước tiểu).
Một số triệu chứng của viêm niệu đạo ở phụ nữ bao gồm:
- Kích thích buồn tiểu, tiểu dắt.
- Dòng nước tiểu đầu gây nóng rát hoặc kích ứng.
- Đau tức vùng hạ vị sinh dục khi đi tiểu.
- Chảy dịch bất thường âm đạo, niệu đạo.
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo cũng có thể xuất hiện cùng với các triệu chứng tiết niệu.
Có thể viêm niệu đạo diễn biến âm thầm và không có bất kỳ triệu chứng nào quá khó chịu. Đặc biệt là ở phụ nữ. Ở nam giới bị viêm niệu đạo do chlamydia hoặc trichomonas, các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc rất nhẹ, khó phát hiện nếu không thật sự chú ý.
Nguyên nhân
Phần lớn nguyên nhân gây viêm niệu đạo là do vi khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo từ bên ngoài, vùng da xung quanh lỗ tiểu ở phía đầu âm đạo hoặc dương vật. Các tác nhân gây viêm niệu đạo bao gồm:
- Vi khuẩn lây qua đường tình dục: Vi khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae), Chlamydia trachomatis, Trichomonas vaginalis…
- Virus herpes simplex (HSV-1, HSV-2) cũng có khả năng gây viêm loét niệu đạo.
- Các vi khuẩn gram âm đường ruột như: E Coli, Klebsiella, Proteus…
Nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục như lậu và chlamydia thường giới hạn ở niệu đạo. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn có thể lan đến cơ quan sinh sản. Ở nữ giới, gây ra viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease). Đối với nam giới, có thể gây ra viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, có khả năng dẫn tới vô sinh.
Viêm niệu đạo thường xuất hiện sau khi tiếp xúc tình dục không an toàn do nhiễm các vi khuẩn lây qua đường sinh dục (STIs) như lậu, chlamydia hoặc vi rút herpes simplex. Những trường hợp này được phát hiện nhiều ở nam giới trẻ tuổi, có hoạt động tình dục.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng niệu đạo. STI có thể dẫn đến viêm niệu đạo bao gồm lậu, chlamydia và mycoplasma bộ phận sinh dục.
Thực phẩm
Các chất trong một số loại thực phẩm có thể xâm nhập vào nước tiểu và gây kích thích niệu đạo. Thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm niệu đạo ở một số người bao gồm:
- Thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine
- Thức ăn nóng hoặc cay
- Rượu
Các sản phẩm xà phòng có mùi thơm có thể gây kích ứng cho niệu đạo. Hóa chất trong xà phòng, các sản phẩm vệ sinh cá nhân và các biện pháp tránh thai có thể chứa các hóa chất gây kích thích niệu đạo ở một số người. Chúng có thể bao gồm:
- Xà phòng thơm, sữa tắm và sữa tắm bong bóng
- Thuốc xịt vệ sinh phụ nữ hoặc thụt rửa
- Sản phẩm vệ sinh
- Gel ngừa thai
- Bao cao su
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Đôi khi có thể tái mắc viêm niệu đạo sau khi trước đó người bệnh đã bị nhiễm trùng tiểu. Điều này là do niệu đạo rất nhạy cảm trong quá trình hồi phục sau khi bị nhiễm trùng.
Quan hệ tình dục
Hoạt động tình dục thô bạo có thể làm hỏng niệu đạo, đặc biệt là ở phụ nữ, dẫn tới nguy cơ mắc viêm niệu đạo.
Các yếu tố nguy cơ khác của hội chứng niệu đạo có thể bao gồm:
- Quan hệ tình dục mà không có bao cao su
- Có tiền sử mắc STI
- Nhiễm khuẩn ở bàng quang hoặc thận
- Dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch
- Vấn đề về cấu trúc giải phẫu, chẳng hạn như niệu đạo hẹp
- Phụ nữ đã sinh nhiều con cũng có thể có nguy cơ mắc viêm niệu đạo cao hơn.
Chẩn đoán
Người bệnh có thể được chẩn đoán viêm niệu đạo khi bác sĩ lấy tiền sử bệnh và hỏi về các triệu chứng hiện tại. Nếu người bệnh cảm thấy đau khi đi tiểu, bác sĩ có thể cho rằng người bệnh đã có nhiễm trùng đường tiết niệu và có thể được điều trị bằng kháng sinh ngay trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
Các xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán viêm niệu đạo và nguyên nhân dẫn đến bệnh, bao gồm:
- Khám thực thể, bao gồm bộ phận sinh dục, bụng và trực tràng.
- Xét nghiệm nước tiểu tìm vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra bệnh lậu, chlamydia hoặc vi khuẩn khác.
- Kiểm tra các chất dịch bất thường từ niệu đạo dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm máu thường không cần thiết cho chẩn đoán viêm niệu đạo. Nhưng xét nghiệm máu có thể được thực hiện trong một số người bệnh nghi ngờ mắc các bệnh lây qua đường tình dục như HIV/AIDS.
Phòng ngừa bệnh
Nhiều vi khuẩn gây viêm niệu đạo có khả năng truyền từ người bệnh sang người khác thông qua quan hệ tình dục. Vì thế, thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn cũng là bí quyết phòng bệnh hiệu quả, cụ thể:
- Tránh quan hệ với nhiều người.
- Thường xuyên sử dụng bao cao su mỗi khi giao hợp.
- Bảo vệ người khác: Nếu phát hiện ra mình bị mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục, bạn nên thông báo ngay cho đối phương.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh viêm niệu đạo, bạn cũng cần xây dựng một lối sống lành mạnh, khoa học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình và cộng đồng như:
- Ăn uống đủ dưỡng chất để bổ sung năng lượng, tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Bổ sung nước đầy đủ: Mỗi ngày, bạn nên bổ sung khoảng 2 – 2,5 lít nước, giúp cơ thể đào thải độc tố tốt hơn.
- Tránh nhịn tiểu quá nhiều và quá lâu: Thói quen xấu này sẽ khiến cho vi khuẩn tích tụ bên trong. Đây chính là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm niệu đạo.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thoáng mát và có độ thấm hút mồ hôi tốt. Bạn cần tránh tình trạng bí bách, ẩm ướt tại vùng kín, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây viêm nhiễm.
- Cần có kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh viêm niệu đạo và những bệnh lý nguy hiểm khác, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Điều trị như nào
Viêm niệu đạo gây nên bởi vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Để việc điều trị được hiệu quả, người bệnh nên tuân thủ các chỉ dẫn điều trị một cách cẩn thận, và nếu được cho uống thuốc, hãy uống hết tất cả số thuốc được cho. Nếu nhiễm trùng lây qua đường sinh dục thì những người bạn tình nên được kiểm tra và điều trị. Trong quá trình điều trị người bệnh không nên quan hệ tình dục bằng miệng, qua âm đạo hoặc hậu môn trong thời gian 7 ngày sau khi người bệnh và (những) bạn tình của người bệnh bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Viêm niệu đạo ở nam giới nếu như không phát hiện sớm và chữa trị đúng cách có thể lây lan đến tinh hoàn, tuyến tiền liệt, hệ thống bàng quang và xa hơn nữa là thận. Nó tác động tiêu cực tới khả năng sinh sản, chất lượng tình dục và làm tổn thương các cơ quan khác. Vì vậy khi thấy niệu đạo có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên, nam giới nên đến ngay cơ sở y tế chuyên về Nam khoa để được trợ giúp kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.