Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra, là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao.
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại vi rút được đặt tên là vi rút Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản ở người
Tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản
Cả nước ta đang bước vào mùa hè, thời tiết nóng, cũng là khoảng thời gian cao điểm của bệnh viêm não trong đó có viêm não Nhật Bản (đối tượng mắc bệnh thường là trẻ dưới 15 tuổi). Tỷ lệ tử vong vì viêm não Nhật Bản và để lại di chứng là khá cao (rơi vào khoảng 25-35%). Điều này làm nên tính chất nguy hiểm của bệnh, là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè này.
Nếu phát hiện chậm, tỷ lệ trẻ bị viêm não hồi phục bình thường chỉ đạt khoảng 60%, còn lại 30% nguy cơ bị di chứng nặng nề, 10% có khả năng tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24 – 48 giờ khởi phát bệnh, tỷ lệ tử vong vì viêm não Nhật Bản giảm xuống chỉ còn hơn 10%
Triệu chứng của bệnh
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C kém đáp ứng hạ sốt. Đau đầu, buồn nôn, dần dần rối loạn tri giác (ngủ gà, li bì, đau đầu hoặc hôn mê).
- Co giật, thường co giật toàn thân. Gồng duỗi hoặc ưỡn, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ.
Viêm não Nhật Bản gây sốt cao ở trẻ nhỏ
- Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng đến hôn mê và tử vong. Nếu qua giai đoạn đó có thể diễn tiến di chứng tùy mức độ tổn thương não.Tỉ lệ tử vong khoảng 10 -20%.
- Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm máu và dịch não tủy. MRI não giai đoạn hồi phục giúp đánh giá mức độ tổn thương và di chứng của bệnh.
Viêm não Nhật Bản có chữa được không?
Tuy là bệnh rất nguy hiểm nhưng viêm não Nhật Bản là bệnh có thể được chữa được, ngăn ngừa các di chứng nguy hiểm nếu được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, tuân thủ phác đồ điều trị.
Các triệu chứng khởi phát ban đầu của viêm não Nhật Bản thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm não – viêm màng não khác, do đó khi có các triệu chứng của bệnh, phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm, theo dõi sát sao các dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn khan, nôn không liên quan đến ăn uống, trẻ chậm chạp, quấy khóc, rối loạn ý thức cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám vì nếu để lâu trẻ có thể gặp tiên lượng xấu như: hôn mê, co giật, liệt tay, liệt chân,…
Cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản
Theo thông tin Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, chúng ta cần:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
Mắc màn (mùng) khi ngủ để phòng ngừa nguy cơ trẻ nhỏ bị viêm não Nhật Bản
- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
- Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Tiêm vacxin phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Kết luận
Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ. Hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ nắm rõ hơn về các triệu chứng và cách phòng tránh bệnh, từ đó bảo vệ sức khỏe cho con em mình một cách tốt nhất. Hãy luôn chú ý đến những thay đổi nhỏ nhất ở trẻ và không ngần ngại đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ. Việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cũng là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, giúp trẻ em có một mùa hè khỏe mạnh và an toàn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.