Viêm mũi vận mạch là dạng phổ biến nhất của viêm mũi không dị ứng và là một chẩn đoán loại trừ. Viêm mũi vận mạch thường không có nguyên nhân rõ rệt, các triệu chứng có thể kéo dài nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bệnh này gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.
Tổng quan chung
Viêm mũi vận mạch là bệnh đường hô hấp do các tác nhân bên ngoài (vi khuẩn, nấm mốc, thời tiết…) tạo ra phản ứng giữa hệ thần kinh và giao cảm trong niêm mạc mũi, gây các biểu hiện kiện kích ứng mũi như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi… Viêm mũi vận mạch còn được gọi là viêm mũi vô căn vì đây là căn bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng, không thể tìm thấy các tế bào viêm đặc hiệu qua những xét nghiệm như tiêm dị nguyên dưới da, xét nghiệm máu tìm IgE, thậm chí ngay cả xét nghiệm tế bào học.
Các triệu chứng viêm mũi vận mạch giống với viêm mũi dị ứng, tuy nhiên có thể phân biệt qua các dấu hiệu điển hình như triệu chứng ngứa mũi và hắt xì ít hơn, tình trạng nghẹt mũi và chảy nước mũi nhiều hơn, trong một số trường hợp, không có hoặc rất ít nghẹt mũi, chảy mũi là chính.
Triệu chứng viêm mũi vận mạch
Những dấu hiệu viêm mũi vận mạch có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu của viêm mũi vận mạch có thể nặng hơn vào buổi sáng, hoặc liên quan đến cảm xúc như khóc lóc, buồn phiền…
Dấu hiệu viêm mũi vận mạch bao gồm: Nghẹt mũi; Có dịch chảy vào hệ thống xoang mũi; Sổ mũi; Hắt hơi; Chảy nước mũi…
Trong một số trường hợp, bệnh viêm mũi vận mạch không được can thiệp chăm sóc kịp thời có thể dẫn đến viêm mũi vận mạch bội nhiễm, thông qua các biểu hiện: Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và không đáp ứng thuốc điều trị; Cơ thể có những phản ứng phụ từ thuốc điều trị…
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám và tư vấn điều trị, bởi cơ địa mỗi người là khác nhau.
Nguyên nhân viêm mũi vận mạch
Mặc dù nguyên nhân của bệnh viêm mũi vận mạch chưa rõ ràng, nhưng một số nghiên cứu cho rằng, bệnh này có liên quan đến sự rối loạn điều hòa của các dây thần kinh giao cảm, đối giao cảm và thụ cảm ở niêm mạc mũi.
Sự mất cân bằng giữa các chất trung gian dẫn đến tăng tính thấm thành mạch và tiết chất nhầy từ các tuyến dưới niêm mạc mũi. Sự bài tiết chất nhầy được điều hòa chủ yếu bởi hệ thần kinh phó giao cảm, trong khi hệ thần kinh giao cảm kiểm soát trương lực mạch máu. Acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh phó giao cảm chính điều chỉnh sự bài tiết chất nhầy và chảy nước mũi.
Norepinephrine và neuropeptide Y là các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm kiểm soát trương lực mạch máu của các mạch trong niêm mạc mũi và điều chỉnh các chất tiết do hệ phó giao cảm.
Các peptit thần kinh cảm giác và các sợi cảm thụ ánh sáng loại C của dây thần kinh sinh ba góp phần vào quá trình thoái hóa tế bào mast cũng như phản xạ ngứa/hắt hơi.
Đối tượng nguy cơ viêm mũi vận mạch
Viêm mũi vận mạch nói riêng và viêm mũi dị ứng nói chung là bệnh rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi vận mạch cao gấp đôi đàn ông. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi vận mạch bao gồm:
- Độ tuổi: Viêm mũi vận mạch thường xuất hiện ở những người trên 20 tuổi.
- Người thường xuyên tiếp xúc chất kích thích, khói bụi, khí khải và khói thuốc lá.
- Mang thai: sự thay đổi hormone, viêm mũi bội nhiễm có thể làm tắc nghẽn mũi thường xuyên hơn khi bạn đang mang thai hoặc có kinh nguyệt.
- Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc, trong đó có cả thuốc xịt mũi trong thời gian dài có thể gây tắc nghẽn mũi nặng hơn, tình trạng này còn được gọi là tắc nghẽn hồi phục.
- Căng thẳng: Người thường xuyên bị căng thẳng, stress cảm xúc có nguy cơ cao bị viêm mũi.
- Các vấn đề sức khỏe: Một số bệnh mạn tính hoặc bệnh do virus như hội chứng suy giáp, mệt mỏi mãn tính, cảm lạnh, cảm cúm….có thể tác động, làm xấu tình trạng viêm mũi vận mạch.
Chẩn đoán viêm mũi vận mạch
Chẩn đoán viêm mũi vận mạch thuộc dạng loại trừ, điều này có nghĩa là sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác gây nên triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải thì bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về bệnh. Ngoài ra, một số loại xét nghiệm cũng có thể được thực hiện như: xét nghiệm IgE huyết thanh và xét nghiệm dị ứng da (khi bị viêm mũi vận mạch kết quả của hai xét nghiệm này thường âm tính) hoặc các xét nghiệm khác:
- Tế bào học mũi: cung cấp thông tin về loại tế bào cấu tạo niêm mạc mũi, nhờ đó mà xác định được sự hiện diện dấu hiệu viêm.
- Thử nghiệm kích thích mũi: bệnh nhân được tiếp xúc với các chất gây dị ứng, thông qua phương pháp sóng âm mũi hoặc đo khí áp mũi để đánh giá phản ứng.
- Nội soi mũi xoang: gợi ý nguyên nhân khác gây viêm mũi.
- Chụp CT Scan hốc xoang cạnh mũi: loại trừ bệnh viêm mũi xoang.
- Chụp MRI: với trường hợp nghi ngờ khối u ở vùng đầu mặt cổ gây chảy mũi và ngạt mũi.
Phòng ngừa bệnh viêm mũi vận mạch
Các biện pháp để phòng tránh viêm mũi vận mạch phổ biến mà bạn có thể áp dụng như:
- Giữ cơ thể ấm áp nhất là khi trời chuyển lạnh.
- Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bổ sung vitamin, khoáng chất.
- Rửa mũi hàng ngày, đặc biệt với người mắc bệnh viêm mũi.
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài đường.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
- Tránh xa các chất kích thích không tốt cho sức khỏe: rượu bia, thuốc lá…
- Với những người có cơ địa mẫn cảm nên phòng tránh dị nguyên bằng cách tránh tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật, nước hoa, khói thuốc,…
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
- Tập luyện thể thao hàng ngày nhất: đi bộ, thiền, yoga,…
Điều trị viêm mũi vận mạch như thế nào?
Đối với việc điều trị bệnh viêm mũi vận mạch, quan trọng nhất là tránh tiếp xúc với chất kích thích có trong môi trường để làm giảm triệu chứng bệnh. Trường hợp điều này không thể thực hiện được thì sẽ điều trị bằng:
- Thuốc
-
- Corticoid tại chỗ: giảm viêm và phù nề.
- Thuốc kháng cholinergic tại chỗ: điều trị triệu chứng chảy nước mũi
- Thuốc kháng histamin đường uống: đạt hiệu quả với những người bị ngứa, hắt hơi vì bệnh viêm mũi vận mạch.
- Plasma
Đây là phương pháp dùng nhiệt độ thấp tự động để tìm kiếm vị trí đang bị viêm trong khoang mũi và đánh tan ổ viêm.
- Laser
Điều trị Laser có ưu điểm cầm máu tốt và giảm thiểu được tối đa biến chứng chảy máu mũi. Tuy nhiên, sau điều trị một thời gian dài sẽ tồn tại vảy mũi nên trong 4 – 8 tuần đầu, cần vệ sinh mũi thường xuyên.
- Phẫu thuật
Phương pháp điều trị này áp dụng với người đã từng trị bệnh bằng thuốc nhưng không đáp ứng. Việc phẫu thuật sẽ làm giảm kích thước cuốn dưới nên cải thiện được triệu chứng bệnh đồng thời vẫn bảo tồn được niêm mạc và tăng hiệu quả của thuốc, khiến thuốc dễ tác dụng sâu vào bên trong hốc mũi. Phẫu thuật thường được lựa chọn để làm vỡ nhánh thần kinh tự chủ chi phối hốc mũi và đạt kết quả giảm dịch tiết ở mũi.
Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống khoa học, cân bằng có vai trò rất lớn đối với hỗ trợ điều trị và đề phòng bệnh tái phát. Bên cạnh đó, việc vệ sinh sạch sẽ không gian sống cũng sẽ giảm bớt sự tồn tại của tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài, nhờ đó mà giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý này.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.