Viêm khớp mủ là viêm khớp do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây nên. Viêm khớp mủ không phải do lao, phong, nấm, ký sinh trùng hay virus gây nên. Bệnh có nguyên nhân chính là do tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, lậu cầu, não mô cầu…
Tổng quan chung
Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ là một bệnh nhiễm trùng gây đau do các vi trùng gây ra sau khi đi qua máu từ một phần khác của cơ thể đến khớp. Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ cũng có thể xảy ra sau khi bạn bị chấn thương đâm xuyên mang vi trùng trực tiếp vào khớp. Đầu gối thường bị ảnh hưởng nhất nhưng viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ cũng có thể xuất hiện ở hông, vai và các khớp khác. Nhiễm trùng có thể tiến triển nhanh chóng và phá hủy nghiêm trọng sụn và xương trong khớp, nên bạn cần điều trị kịp thời. Trong quy trình điều trị, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim hoặc phẫu thuật để thoát ưu khớp. Ngoài ra, thuốc kháng sinh cũng thường được dùng để điều trị các nhiễm trùng
Triệu chứng
- Hoàn cảnh xuất hiện: Rất có giá trị trong chẩn đoán viêm khớp, thường đi sau một nhiễm tụ cầu ở nơi khác như mụn nhọt, viêm cơ, nhiễm khuẩn huyết, sau tiêm thuốc trực tiếp vào khớp. Các triệu chứng viêm khớp xuất hiện sau đó khoảng 1 – 2 tuần.
- Dấu hiệu toàn thân: Giống như nhiễm trùng nơi khác, thường có sốt cao 39 – 40 độ C, sốt liên tục lúc đầu và dao động khi có hiện tượng nung mủ, người gầy sút, mệt mỏi, da khô, lưỡi bẩn…
- Các triệu chứng tại khớp: Trừ những trường hợp đặc biệt, thường gây viêm một khớp đơn độc, ít khi hai khớp và rất ít khi viêm hai khớp đối xứng. Vị trí viêm đứng đầu là khớp gối, rồi đến khớp háng, sau đó là các khớp khác.
Các triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ thường gặp:
- Đau và hạn chế vận động: Đau nhiều kiểu nhức mủ, đau liên tục, đau tăng lên khi vận động, nên không dám và không thể vận động. Người bệnh có xu hướng giữ khớp ở tư thế cố định nửa co, thường phải độn chân hoặc đệm ở bên dưới để giảm đau.
- Biểu hiện viêm: Những khớp ngoại biên (gối, khuỷu, cổ chân…) dễ quan sát khi thăm khám. Khớp sưng rõ rệt, da ngoài đỏ và căng, sờ vào nóng và rất đau, vận động mọi động tác đều hạn chế vì đau. Ở khớp gối, viêm gây tiết dịch nhiều, có dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè và sưng phù lan cả sang phần dưới mặt trước đùi. Các khớp ở sâu như háng, vai, biểu hiện viêm kín đáo hơn, phải thăm khám kỹ và nhất là phải so sánh với bên lành mới phát hiện được.
- Diễn biến: Nếu không được điều trị, các triệu chứng ở khớp diễn biến tăng dần và kéo dài, nhưng không bao giờ lan sang khớp khác, cũng rất hiếm khi tự giảm đi nhanh. Đây là một đặc điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh khớp khác như viêm khớp tự miễn hay viêm khớp phản ứng, các bệnh khớp này thường xuất hiện ở một khớp rồi lần lượt ở nhiều khớp khác, sau đó các triệu chứng lại có thể mất đi nhanh chóng.
Biểu hiện ngoài khớp:
- Thường nổi hạch ở gốc chi mà khớp bị viêm, hạch sưng, đau, vị trí hạch thường gặp là bẹn, nách.
- Có thể teo cơ ở khớp bị viêm do bất động kéo dài
- Có thể phát hiện các dấu hiệu viêm ở vị trí khác trên có thể như mụn nhọt, viêm phổi, viêm cơ, lậu cơ quan sinh dục…
Nguyên nhân
Một số yếu tố như nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ.
- Nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus là nguyên nhân phổ biến nhất. Staphylococcus aureus thường sống trên làn da khỏe mạnh. Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ có thể tiến triển khi có nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, lây lan qua máu để đến khớp.
- Các nguyên nhân ít phổ biến gồm vết thương bị hở, tiêm chích ma túy hoặc phẫu thuật trong hoặc gần khớp cũng có thể đưa các vi khuẩn vào trong khoang khớp.
Lớp niêm mạc của các khớp hầu như không có khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng. Phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng, bao gồm viêm có thể làm tăng áp lực và làm giảm lưu lượng máu trong khớp, gây ra những tổn thương.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ là:
- Đang mắc các bệnh khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp, thấp khớp, thoái hóa khớp
- Mắc các bệnh nhiễm trùng ở các bộ phận khác như viêm phúc mạc, viêm phổi, lậu sinh dục
- Người nhiễm HIV/AIDS
- Mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, suy gan, ung thư, lupus ban đỏ
- Người bị chấn thương khớp, phẫu thuật khớp, gãy xương
- Thực hiện thủ thuật tiêm trực tiếp vào khớp
- Người sử dụng ma tuý, nghiện rượu
Chẩn đoán
Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn gặp bệnh này, họ sẽ kiểm tra sức khỏe và yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ bao gồm:
- Phân tích dịch khớp: Nhiễm trùng có thể thay đổi màu sắc, độ quánh, khối lượng và cấu trúc của chất dịch trong khớp. Bác sĩ sẽ sử dụng cây kim để rút một mẫu của chất dịch này từ khớp bị viêm, từ đó xác định sinh vật gây ra nhiễm trùng và kê thuốc phù hợp.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này có thể xác định xem trong máu có dấu hiệu nhiễm trùng không. Bác sĩ sẽ dùng cây kim để lấy mẫu máu từ tĩnh mạch.
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang khớp bị viêm và phương pháp xét nghiệm hình ảnh khác có thể đánh giá tổn thương của khớp.
Phòng ngừa bệnh
- Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý nhiễm trùng như nhọt ngoài da, viêm cơ, viêm phổi, viêm hậu môn sinh dục…
- Phòng tránh chấn thương, đặc biệt là chấn thương khớp
- Điều trị tích cực các bệnh khớp, tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm, thấp khớp và các rối loạn miễn dịch.
- Uống ít rượu, bia, bỏ hút thuốc (nếu có)
- Tránh dùng thuốc corticoid kéo dài ngày gây suy giảm miễn dịch, trường hợp bệnh lý buộc phải dùng corticoid thì phải dùng theo chỉ định của bác sĩ và dùng liều thấp nhất có tác dụng điều trị.
- Chăm sóc tốt sau phẫu thuật để tránh nhiễm khuẩn hậu phẫu, là nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn sau này.
- Xử lý tốt các vết thương phần mềm ở vùng da thịt gần các khớp, tránh bị nhiễm khuẩn làm tiền đề gây viêm khớp nhiễm khuẩn.
Điều trị như thế nào?
Dựa trên dẫn lưu khớp và các loại thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ điều trị viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ.
Loại bỏ dịch khớp bị nhiễm bệnh là điều cần thiết. Phương pháp dẫn lưu bao gồm:
- Kim: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đâm kim vào khoang khớp và rút dịch bị nhiễm bệnh.
- Nội soi: Trong nội soi khớp, bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm có gắn máy quay phim tại đỉnh vào trong khớp thông qua một vết rạch nhỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống hút và dẫn lưu vào thông qua đường rạch nhỏ xung quanh khớp.
- Phẫu thuật mở: Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ gặp khó khăn trong việc dẫn lưu bằng kim hoặc nội soi ở một số khớp, chẳng hạn như hông. Do đó, họ sẽ tiến hành phẫu thuật mở.
- Thuốc kháng sinh: Để chọn ra thuốc có hiệu quả nhất, bác sĩ phải xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trong thời đầu, bác sĩ thường sẽ đưa kháng sinh vào một tĩnh mạch ở tay. Một thời gian sau, bạn có thể chuyển sang kháng sinh đường uống, nếu được.
Bệnh viêm khớp mủ là một bệnh nặng, điều trị khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc phòng tránh có ý nghĩa rất quan trọng. Để phòng bệnh, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau: vô khuẩn tuyệt đối khi làm các thủ thuật, phẫu thuật tại khớp. Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn tại các cơ quan khác, nhất là mụn nhọt trên da.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.