Viêm khớp gối ở trẻ không phải là bệnh hiếm gặp nhưng ít cha mẹ hiểu rõ về căn bệnh này, không biết cách phát hiện sớm để điều trị kịp thời bệnh. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương chính, gồm: xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Giữa các đầu xương có một lớp sụn bao phủ. Sụn là một dạng mô trơn có bề mặt mịn, dễ trượt, giúp các khớp cử động trơn tru, đồng thời giữ vai trò như chất đệm ở khớp xương. Tại đây còn tồn tại mô hoạt dịch trải dài trên khớp, sản sinh dung dịch bôi trơn khớp (còn gọi là chất nhờn) và cung cấp dưỡng chất cho sụn.
Viêm khớp gối là tình trạng phần xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Khi đó, các khớp xương sẽ cọ xát vào nhau chặt hơn, ma sát nhiều, việc hấp thụ các chấn động ở sụn khớp giảm đi, gây đau và vận động khó khăn.
Các chuyên gia cảnh báo, viêm khớp gối nếu không được phát hiện và điều trị sớm, hoặc điều trị sai cách sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trong đến khả năng đi lại, gây biến dạng khớp và trở thành bệnh mạn tính suốt đời. Nặng hơn nữa là bệnh thậm chí có thể gây tàn phế.
Triệu chứng
Bệnh viêm khớp gối ở trẻ em đặc trưng bởi những triệu chứng sau:
- Trẻ cảm thấy đau nhức đầu gối, lan rộng sang bắp chân, đùi.
- Cơn đau âm ỉ trong vài phút, thậm chí kéo dài 1 ngày.
- Vùng xung quanh khớp đầu gối sưng đỏ lên.
- Khi trẻ vận động, cơn đau nhức dữ dội hơn.
- Trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán ăn và không muốn chơi đùa.
- Trẻ đứng khập khiễng, đi không vững.
- Nhiều trẻ bị sốt cao kéo dài.
Nguyên nhân
Viêm khớp gối ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
- Hệ thống xương của trẻ phát triển không đồng đều: Nếu xương của trẻ phát triển chậm hơn so với hệ cơ bắp dẫn đến sự phát triển không đồng đều. Điều này khiến các khớp của trẻ thường xuyên bị đau nhức. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gây viêm khớp, đặc biệt là vùng khớp gối.
- Do nhiễm khuẩn hoặc virus: Trẻ bị viêm khớp gối có thể do cơ thể đang bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc trường hợp cơ thể trẻ đang bị rối loạn hệ miễn dịch, giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp.
- Do chấn thương: Trẻ em thường hay hiếu động và dễ bị té ngã trong lúc vui chơi, vận động mạnh hoặc tai nạn giao thông, dẫn đến tình trạng chấn thương, bong gân, đứt dây chằng (chéo trước hoặc chéo sau), rách sụn chêm đầu gối. Nếu những chấn thương này không được chữa trị kịp thời, triệt để, đúng cách sẽ khiến trẻ bị bị viêm khớp gối
Đối tượng nguy cơ
Theo thống kê, có khoảng 40% trẻ em mắc các chứng đau xương khớp. Trong đó, viêm khớp gối ở trẻ em khá phổ biến, đặc biệt ở lứa tuổi 3 – 5 tuổi và 8 – 12 tuổi.
Chẩn đoán
Khi gặp bất cứ dấu hiệu nào khác thường nghi ngờ tình trạng đau khớp gối, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay. Việc chủ quan sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác thông tin cá nhân, dấu hiệu viêm khớp gối bên ngoài và hỏi bố mẹ về tiền sử bệnh lý. Tiếp theo, trẻ sẽ cần thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu như:
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ xác định tình trạng viêm khớp gối ở trẻ và kiểm tra các nội tạng khác như gan, thận, tim,…
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X – quang hoặc MRI để xác định tổn thương khớp gối, tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Quy trình thăm khám thường diễn ra khá nhanh để không làm trẻ đau đớn hoặc sợ hãi. Bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm đưa trẻ đi khám khớp gối.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh khớp ở trẻ em có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là điều hết sức cần thiết.
- Phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước vì thành phần hoạt dịch bôi trơn sụn khớp có tới 70% là nước. Nếu thiếu nước có thể đẩy nhanh tốc độ lão hóa gây bệnh viêm khớp.
- Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống điều độ, khoa học, không nên để cho trẻ ăn quá nhiều vì thừa cân, béo phì không có lợi cho sức khỏe xương khớp. Đồng thời khuyến khích trẻ vận động một cách tự nhiên.
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là khi thời tiết lạnh để tránh tình trạng đau, cứng khớp do lạnh.
- Chú ý tuyệt đối tuân thủ về việc dùng thuốc điều trị cả về thời gian và liều lượng cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào.
Điều trị như thế nào?
- Khi trẻ bị đau gối, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, tránh các động tác ảnh hưởng tới khớp gối như: quỳ, ngồi xổm, chạy nhảy. Trường hợp cơn đau nặng, cần cho trẻ ngừng hoàn toàn các hoạt động liên quan vùng gối.
Lúc này, cha mẹ có thể chườm đá tại vùng gối của con để giảm sưng và đau, tuyệt đối không chườm trực tiếp vì có thể gây bỏng lạnh, nên cho đá vào khăn hoặc túi nilon để đảm bảo an toàn. - Nếu cơn đau khớp gối của trẻ kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám. Tùy vào độ tuổi, mức độ bệnh cụ thể của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trẻ thường được chỉ định sử dụng thuốc điều trị viêm khớp như thuốc giảm đau, chống viêm không steroid…. Lưu ý cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có thuốc điều trị phù hợp.
- Với bệnh viêm khớp gối ở trẻ em, nếu phát hiện và điều trị sớm, khả năng bảo tồn các khớp cao, hạn chế sự biến dạng khớp gây tàn phế, mất khả năng vận động.
Hi vọng với những chia sẻ bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp gối ở trẻ em.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.