Viêm khớp gối là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Vùng khớp gối chịu nhiều tác động từ hoạt động hàng ngày, dễ gặp tổn thương. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về các biến chứng có thể xảy ra khi viêm khớp gối không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng của viêm khớp gối
Viêm khớp gối là bệnh lý cơ xương khớp xảy ra khi các thành phần trong khớp gối bị sưng, viêm, tổn thương do nhiều nguyên nhân. Tình trạng viêm kéo dài có thể khiến các sụn khớp bị bào mòn. Điều này khiến khả năng giảm chấn động của sụn khớp giảm đi, các đầu xương chà xát vào nhau gây đau nhức và khiến người bệnh khó khăn khi vận động.
Triệu chứng viêm khớp gối thể hiện khá rõ ràng, song thường người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, tổn thương đã xuất hiện tương đối nhiều. Cụ thể, tại vị trí khớp đầu gối, bệnh nhân sẽ thấy:
Đau nhức
Đau nhức vùng đầu gối là triệu chứng điển hình của viêm khớp gối. Cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ, từ từ hoặc đột ngột. Ở giai đoạn nhẹ, cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy hoặc sau thời gian dài ít vận động. Khi bệnh nặng hơn, cơn đau có thể xuất hiện bất kỳ vào thời điểm nào trong ngày, kể cả khi đang ngủ.
Sưng đỏ quanh khớp
Sưng đỏ là tình trạng bình thường của viêm khớp, đó là do sự tích tụ chất lỏng quá mức do nhiễm trùng, khiến khớp sưng phồng lên. Dùng tay có thể cảm nhận tình trạng ấm nóng quanh khớp sưng. Một số trường hợp bị sưng cứng đầu gối do biến chứng thoái hóa hình thành các gai xương nhỏ.
Cứng khớp gối
Đây cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp gối, gây nhiều hạn chế vận động. Tình trạng này thể hiện rõ nét nhất sau khi nghỉ ngơi thời gian dài hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng. Cứng khớp khiến bệnh nhân phải xoa bóp một lúc mới có thể vận động bình thường.
Khó vận động khớp gối
Người bệnh thường cảm thấy rất đau khi vận động do lớp sụn bảo vệ đã bị ăn mòn. Ngay cả khi thực hiện các động tác đơn giản như đứng lên, ngồi xuống, duỗi thẳng hay gập đầu gối, người bệnh vẫn có thể cảm thấy khó khăn. Điều này gây trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày và có thể gây biến chứng tàn phế, bại liệt nếu không được kiểm soát và cải thiện sớm.
Có tiếng lạo xạo ở khớp gối
Lúc uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối, bạn có thể nghe thấy âm thanh lục cục, răng rắc. Tiếng động này phát ra từ sự cọ xát giữa các đầu xương do lớp sụn bị mài mòn hoặc do các gai xương va chạm vào nhau.
Lỏng khớp
Ở giữa các khớp, mô sụn chiếm một khoảng không gian. Chính vì vậy, khi bị mài mòn, sẽ để lại các khoảng trống xung quanh đầu xương. Do đó, cấu trúc khớp sẽ bị rời rạc, thiếu vững chắc. Vì thế nên giảm khả năng chịu được áp lực.
Biến dạng khớp
Tình trạng viêm khớp gối kéo dài và nghiêm trọng có thể dẫn đến biến dạng khớp.
Viêm khớp gối lâu ngày gây biến chứng gì?
Khớp gối sưng viêm ở giai đoạn đầu nhưng không được phát hiện sớm và điều trị không phù hợp, sẽ nhanh chuyển nặng và gây các biến chứng sau:
- Teo cơ
- Biến dạng hoặc dính khớp
- Giảm chức năng vận động
- Thấp khớp cấp, bệnh van tim và các bệnh tim mạch khác
- Nguy cơ tàn phế, bại liệt
Phương pháp điều trị viêm khớp gối hiệu quả
Mục tiêu của điều trị viêm khớp gối là giảm triệu chứng đau, giúp người bệnh hoạt động dễ dàng. Các phương pháp điều trị chủ yếu sẽ gồm:
- Giảm cân: Giảm cân phù hợp để giảm áp lực cho đầu gối, từ đó giảm đáng kể cơn đau đầu gối.
- Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh đầu gối, giúp khớp gối ổn định và giảm đau.
- Dùng thuốc: Sử dụng thuốc kháng viêm kết hợp thuốc giảm đau trong trường hợp các cơn đau xuất hiện dày đặc, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Trong một số trường hợp có phản ứng viêm cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm trực tiếp cortisone vào vùng khớp gối bị viêm, giúp ức chế tình trạng viêm, giảm nhanh các triệu chứng đau nhức. Các loại thuốc phải được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa xương khớp với sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
- Vật lý trị liệu giúp cải thiện triệu chứng, phục hồi chức năng xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện ở cơ sở y tế uy tín và đảm bảo tuân thủ nghiêm túc theo đúng phác đồ điều trị. Thông thường, phương pháp này được kết hợp với việc dùng thuốc nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.
- Phẫu thuật: Khi bệnh nặng hơn, các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng, bác sĩ chuyên khoa xương khớp có thể chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật để duy trì khả năng hoạt động của khớp gối. Các phương pháp phẫu thuật được chỉ định dựa trên tình hình thực tế của người bệnh.
Kết luận
Viêm khớp gối là tình trạng không thể coi nhẹ, đặc biệt khi bệnh tiến triển lâu ngày mà không được điều trị kịp thời. Điều quan trọng là nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự tư vấn y tế để có phương pháp điều trị phù hợp. Chăm sóc bản thân qua việc duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng viêm khớp gối hiệu quả. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe khớp gối của mình và đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhân viên y tế khi cần thiết.