Tổng quan chung
Coxsackie virus thuộc họ Picornaviridae gồm 29 typ. Chúng khác biệt với các Enterovirus khác ở khả năng gây bệnh ở chuột ổ , các enterovirus khác thì hiếm hoặc không. Chúng chia thành 2 nhóm: nhóm A và nhóm B có khả năng gây bệnh ở chuột khác nhau. Chúng gây nhiều chứng bệnh khác nhau: Coxsackie A gây viêm họng, phát ban ngoài da, bệnh tay chân miệng, gây viêm kết mạc chảy máu, viêm màng não vô khuẩn…,Coxsackie B gây viêm cơ tim ở trẻ sơ sinh, viêm đường hô hấp trên, viêm màng ngoài tim, viêm màng trong tim…
Triệu chứng viêm họng do virus Coxsackie
Khoảng một nửa trẻ em bị nhiễm coxsackievirus không có triệu chứng. Coxsackie virus có thể gây một số triệu chứng lâm sàng như sốt cao đột ngột, đau họng, đau cơ, đau đầu khó chịu ở bụng, hoặc buồn nôn. Phần lớn trẻ sốt 3 ngày rồi giảm dần.
Coxsackie virus cũng có thể gây ra các bệnh lý khác như:
Bệnh tay, chân, miệng: gây ra loét màu đỏ đau đớn trong cổ họng và trên lưỡi, nướu răng, vòm miệng cứng, viêm trong má, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Herpangina: một nhiễm trùng họng, gồm các vết loét trên amidan và vòm miệng.
Xuất huyết kết mạc: Xuất huyết kết mạc thường bắt đầu như đau mắt, đỏ mắt, nhạy ánh sáng và mắt mờ.
Nguyên nhân gây viêm họng do virus Coxsackie
Virus Coxsackie có 2 nhóm chính là nhóm A (chuyên gây viêm họng, viêm miệng) và nhóm B (gây viêm tim). Bệnh có 2 cách lây:
Lây nhiễm trực tiếp
Cũng như các virus gây bệnh đường ruột khác, virus Coxsackie lây truyền qua đường phân – miệng. Ngoài ra còn lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh khi ho, nói chuyện, hắt hơi.
Lây nhiễm gián tiếp
Virus lây qua việc tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus từ phân, chất tiết mũi họng của người bệnh hoặc bàn tay của người chăm sóc bệnh và người bệnh (đồ chơi, khăn, quần áo, bề mặt sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa…).
Đối tượng nguy cơ bị viêm họng do virus Coxsackie
Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie đều có thể gặp ở tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên là đối tượng dễ mắc nhất. Đối với trường hợp viêm tim, tỉ lệ nam giới mắc bệnh chiếm 2/3 trên tổng số ca.
Chẩn đoán viêm họng do virus Coxsackie
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của người bệnh và dựa vào việc tìm thấy virus trong mẫu bệnh phẩm được lấy từ nước súc họng (trong vài ngày đầu), mẫu phân (trong vài tuần đầu) khi làm xét nghiệm. Trong viêm tim, virus Coxsackie nhóm B có thể tìm thấy trong dịch màng tim và mô cơ tim.
Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie còn phải được chẩn đoán phân biệt với bệnh tay chân miệng, viêm họng do virus Coxsackie không có viêm nướu.
Phòng ngừa bệnh viêm họng do virus Coxsackie
Biện pháp dự phòng
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Giáo dục cho cộng đồng nhất là nhân viên nhà trẻ, mẫu giáo về tầm quan trọng của rửa tay, dùng riêng các vật dụng cá nhân.
Vệ sinh phòng bệnh:
- Giảm tiếp xúc với người khác (tránh tụ họp đông người).
- Tăng thông khí
- Rửa tay
Biện pháp chống dịch
- Tổ chức: Báo cáo theo quy định
- Chuyên môn:
- Xử lý bệnh nhân: do khả năng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh, trẻ mới sinh ở nhà hộ sinh, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh cần được chăm sóc tích cực.
- Quản lý người mang trùng, người tiếp xúc: Việc điều tra người tiếp xúc không có giá trị thực tiễn, trừ khi muốn phát hiện thêm những ca khác trong nhóm trẻ em nhà trẻ. Trong trường hợp bệnh viêm cơ tim, những người nghi ngờ nhiễm vi rút Cốc-xác-ki (kể cả nhân viên y tế) không được đến thăm nhà hộ sinh, khoa sản bệnh viện và cũng tránh tiếp xúc trẻ sơ sinh hoặc thai phụ gần ngày sinh.
- Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: hiện nay chưa có vắc xin.
- Xử lý môi trường: xử lý dịch tiết đường hô hấp, phân, vật dụng bị nhiễm phân hoặc dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay sau khi xử lý các chất này.
Điều trị viêm họng do virus Coxsackie như thế nào?
Hầu hết tình trạng bệnh do virus Coxsackie gây ra đều lành tính và có thể tự khỏi. Người bệnh khi bị viêm họng, viêm miệng do virus Coxsackie thường được áp dụng điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bị viêm tim sẽ được chăm sóc tích cực để hỗ trợ chữa trị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.