Tổng quan chung
Viêm họng (tên tiếng Anh là Pharyngitis) là một tình trạng mà niêm mạc trong họng trở nên sưng và đỏ do tác động của vi khuẩn, virus hoặc các yếu tố khác. Các tác nhân phổ biến là virus, vi khuẩn, hóa chất độc hại và môi trường ô nhiễm.
Viêm họng thường đi kèm với triệu chứng như đau họng, khó chịu khi nuốt, và có thể đi kèm với việc ho hoặc sổ mũi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Triệu chứng của viêm họng
Khi bị viêm họng người bệnh sẽ cảm thấy ngứa rát vùng cổ họng, đau khi nuốt, khó khăn khi nói chuyện, ngoài ra còn có nghẹt mũi, khàn giọng…Một số triệu chứng khác thường gặp là:
- Đau họng và khô rát họng.
- Có thể có thêm biểu hiện hắt hơi sổ mũi, ho, đau đầu, đau cơ toàn thân, chán ăn.
- Nổi hạch phát ban, buồn nôn, nuốt khó.
- Đau họng kéo dài kèm theo các biểu hiện như ngứa cổ, khô cổ, nóng rát, nuốt vướng, dễ gặp nhất là vào sáng sớm.
- Nhiều người có xuất hiện ho theo từng cơn, ho có đờm hoặc ho khan…
Nguyên nhân gây viêm họng
Theo y học hiện đại, bệnh xuất hiện do các nguyên nhân như:
- Virus: Theo điều tra y tế, 80% các ca họng bị tổn thương, viêm nhiễm là do virus. Những virus thường gây bệnh là: Cảm cúm, Adenovirus, Rhinovirus, sởi, ho gà…
- Vi khuẩn: Liên cầu, tụ cầu, phế cầu… đặc biệt là liên cầu tan huyết nhóm A. Liên cầu khuẩn gây viêm họng ở trẻ em chiếm 40% các ca bệnh.
- Bệnh khác: Một số bệnh lý như viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày, cảm lạnh, cảm cúm… cũng là tác nhân gây bệnh.
- Dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, hóa chất… có thể ảnh hưởng, kích thích và gây viêm đối với lớp niêm mạc họng .
- Khói bụi và chất kích thích: Khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc trong không khí xâm nhập vào họng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tích tụ và gây viêm.
- Không khí quá khô: Môi trường thiếu ẩm sẽ làm khô họng. Tình trạng khô họng kéo dài sẽ khiến họng bị ngứa, rát và tổn thương.
- Chấn thương ở họng do căng cơ họng quá nhiều có thể khiến dây thanh quản bị tổn thương. Do vậy những người phải nói nhiều, nói với âm lượng lớn dễ bị viêm họng hơn người bình thường.
Đối tượng nguy cơ
Viêm họng nhiễm khuẩn là bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi đối tượng, nhưng trẻ nhỏ từ 5 – 15 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu là đối tượng nguy cơ nhất.
Chẩn đoán viêm họng
Triệu chứng bệnh của viêm họng cấp đặc trưng, dễ quan sát nên thường không cần đến xét nghiệm cũng có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Bệnh nhân viêm họng cấp có biểu hiện sốt, nhiệt độ từ 38 – 39 độ C, có lúc cao 40 độ C thường gặp ở trẻ nhỏ, ớn lạnh nhức đầu, mệt mỏi, kém ăn, đau mỏi toàn thân, khó làm việc. Hạch góc hàm nổi lên, có di động và sờ thấy đau.
Họng có đau nhiều, nhất là khi nuốt, kể cả chỉ nuốt chất lỏng. Khi bệnh nhân nuốt, ho hoặc nói chuyện đôi lúc có cảm giác đau nhói lên tai. Người bệnh có ho từng cơn, lúc đầu ho khan sau đó ho có đờm, thường có ngạt mũi, chảy mũi nước, lúc đầu trong nhầy, sau đục. Tiếng nói bị mất dần hoặc có khan nhẹ gây khó khăn khi giao tiếp.
Quan sát vòm họng thấy niêm mạc họng đỏ, có xuất tiết. Tổ chức bạch huyết ở thành sau của họng đỏ lên, có mao mạch nổi rõ. Hai amidan khẩu cái sưng to lên, có khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng phủ trên bề mặt amiđan. Niêm mạc mũi xung huyết, xuất tiết chất nhầy. Hạch góc hàm sưng nhẹ, đau khi ấn vào.
Cách phòng ngừa bệnh viêm họng
Để phòng ngừa bệnh, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm trùng
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, dung dịch sát khuẩn, dung dịch có cồn
- Nên hạn chế chạm tay vào mặt, mũi, miệng
- Tránh dùng chung bát đĩa, những vật dụng cá nhân như khăn lau mặt, khăn tắm.
- Uống nhiều nước
- Thường xuyên vệ sinh điện thoại, điều khiển tivi, bàn phím. Khi đi du lịch nên vệ sinh điện thoại, điều khiển tivi và điều hòa bằng nước sát trùng.
Đặc biệt, nếu có điều kiện, tốt nhất người dân nên đi thăm khám tai mũi họng định kỳ để phát hiện sớm các tình trạng bất thường có thể xảy ra, đặc biệt là tầm soát ung thư vòm mũi họng.
Điều trị viêm họng như thế nào?
Điều trị viêm họng do virus
Việc sử dụng kháng sinh để điều trị viêm họng do virus là không hiệu quả, thông thường điều trị triệu chứng và bệnh sẽ tự khỏi nhờ vào hệ miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, một số loại thuốc như Paracetamol hay ibuprofen giúp giảm triệu chứng sốt và đau họng.
Điều trị viêm họng do vi khuẩn
Khác với viêm họng do virus, người bệnh có thể dùng kháng sinh để điều trị viêm họng do vi khuẩn. Người bệnh cần uống thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ, kể cả khi đã khỏi bệnh. Việc không uống thuốc đúng liều, đúng cách có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn hoặc lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. cũng như làm tăng nguy cơ sốt thấp khớp hoặc viêm thận.
Điều trị viêm họng tại nhà
Người bệnh có thể kết hợp chăm sóc tại nhà để giảm bớt các triệu chứng của bệnh bằng cách:
- Súc họng bằng dung dịch sát khuẩn vào buổi sáng và tối mỗi ngày
- Uống nước ấm, có thể pha chanh và mật ong
- Tăng cường trái cây, bổ sung vitamin C
- Chườm ấm cổ họng
- Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt
Kết luận
Viêm họng là một bệnh lý phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm họng sẽ giúp chúng ta có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe. Điều trị viêm họng đúng cách, kết hợp chăm sóc tại nhà sẽ giúp bệnh nhanh chóng hồi phục và tránh những biến chứng không mong muốn. Hãy luôn giữ vệ sinh cá nhân, bảo vệ đường hô hấp và thường xuyên khám sức khỏe để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến viêm họng và các bệnh lý khác. Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích và giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về bệnh viêm họng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.