Viêm họng cấp là hiện tượng viêm của tổ chức niêm mạc nằm ở phần sau của cổ họng. Triệu chứng thường gặp là đau họng. Ngoài ra viêm họng còn gây ra các triệu chứng như ngứa họng hoặc nuốt vướng, nuốt đau.
Tổng quan chung
Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng.
Viêm họng cấp tức là viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amidan khẩu cái, một số ít trường hợp kết hợp với viêm amidan đáy lưỡi. Do đó, hiện nay người ta có xu hướng nhập lại thành viêm họng – viêm amidan cấp.
Đây là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang.. hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi…
Triệu chứng viêm họng cấp
Triệu chứng thường gặp nhất của viêm họng cấp là đau rát họng, khô họng và ngứa họng. Ngoài các triệu chứng tại chỗ này, bệnh nhân có thể có biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn, … Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng của viêm họng cấp có thể thay đổi.
Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus bao gồm:
- Adenovirus: sốt, hầu họng bị sung huyết, amidan phì đại, có đờm, sưng to hạch cổ.
- Enterovirus: đau họng, sốt cao, xung huyết họng, viêm hạch cổ, amidan xuất tiết.
- Herpangina: sau hầu họng có tổn thương dạng mụn nước rời rạc màu trắng xám, gây đau. Mụn nước ban đầu bao quanh bởi hồng ban sau đó chúng loét ra, người bệnh sốt cao, đau đầu dữ dội, bị mất nước.
- Coxsackie A16: hầu họng có các mụn nước lở loét, gây đau, một số người mọc mụn nước ở lòng bàn tay bàn chân, sốt nhẹ.
- Virus HSV: sốt cao, viêm nướu răng cấp tính, nổi mụn nước khắp phần trước môi và miệng sau đó mụn nước vỡ ra thành các vết loét.
Các triệu chứng viêm họng cấp do vi khuẩn bao gồm:
- Liên cầu khuẩn A: sốt và đau họng đột ngột, đau bụng, nhức đầu, buồn nôn và nôn, ho, tiêu chảy, viêm kết mạc, loét niêm mạc họng, khàn tiếng, amidan to và đỏ kèm theo hốc mủ trên bề mặt.
- Fusobacterium Necrophorum: sốt, đau họng, áp xe hoặc xuất tiết sau thành họng, cổ sưng đau dữ dội, có biểu hiện nhiễm độc,…
- Arcanobacterium: sung huyết hầu họng, amidan tiết dịch màu trắng hoặc xám, sốt nhẹ, viêm hạch cổ, có chấm xuất huyết ở lưỡi và lòng bàn tay,…
- Bạch hầu: đau họng, sốt nhẹ, chán ăn, thành họng và amidan có màng màu xám,…
- Lậu cầu: amidan có mủ, lở loét nhưng đôi khi không có triệu chứng, thường tự khỏi.
- Haemophilus influenzae type b: sốt, đau họng dữ dội, chảy nước miếng, nói khó, nói lắp.
Nguyên nhân viêm họng cấp
Viêm họng cấp thường kéo dài 1 – 2 tuần, do các nguyên nhân chính là virus và vi khuẩn gây ra.
- Các loại virus thường gây nên viêm họng cấp là: Adenovirus, Enterovirus, Herpangina, Coxsackie A16, Herpes simplex (HSV),…
- Các loại vi khuẩn thường gây viêm họng cấp là: bạch hầu, liên cầu khuẩn nhóm A, Fusobacterium Necrophorum, lậu cầu khuẩn, Arcanobacterium,…
Đối tượng nguy cơ mắc viêm họng cấp
Đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh, nhưng trẻ em do sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh và triệu chứng bệnh cũng nặng hơn.
Chẩn đoán viêm họng cấp
Khám lâm sàng có thể xác định được viêm họng cấp và nguồn gây bệnh. Trường hợp sau khi khám chưa đủ cơ sở xác định bệnh thì cần làm thêm các xét nghiệm.
Khám lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của viêm họng cấp thường kéo dài 1-2 tuần bao gồm:
- Khàn tiếng
- Loét miệng
- Viêm kết mạc
- Ho
- Viêm thanh quản
- Nổi hạch
Một số loại virus như virus á cúm và virus cúm, Rhinovirus, Coronavirus và virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra các hội chứng lâm sàng riêng biệt bao gồm sổ mũi, ho, viêm họng có thể chẩn đoán dễ dàng mà không cần làm xét nghiệm, cụ thể.
- Virus cúm: Có thể gây sốt cao, ho, nhức đầu, khó chịu, đau cơ và nổi hạch cổ. Ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản.
- Virus RSV: Nhiễm RSV ở trẻ lớn thường không thể phân biệt được với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ở trẻ nhỏ có thể xảy ra viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Trong khi đó, viêm họng không phải là dấu hiệu nổi bật của nhiễm RSV ở mọi lứa tuổi.
- Virus á cúm: Nhiễm virus á cúm có thể gây viêm tiểu phế quản; đau họng nhẹ nhưng nhanh chóng khỏi.
Nhiễm virus á cúm, virus cúm và RSV thường gặp trong các dịch theo mùa, nhất là vào mùa đông.
Bệnh nhân có các triệu chứng virus rõ ràng không cần xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm A. Tuy nhiên, bác sĩ không thể sử dụng phương pháp khám lâm sàng để phân biệt viêm họng do virus và viêm họng do liên cầu nhóm A khi không có các triệu chứng do virus.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh (Rapid Antigen Detection Test – RADT): Để xác định viêm họng do liên cầu nhóm A. Tuy nhiên, xét nghiệm viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A không được chỉ định thường quy cho trẻ em dưới 3 tuổi và người bị sốt thấp khớp cấp tính.
- Nuôi cấy dịch họng: Đây là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán viêm họng cấp.
- Xét nghiệm máu: Được chỉ định khi có nghi ngờ viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thường được chỉ định để xác định biến chứng áp xe thành sau họng do viêm họng cấp.
Phòng ngừa bệnh viêm họng cấp
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm…
- Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.
- Phòng hộ lao động tốt.
- Bỏ thuốc lá và rượu.
- Vệ sinh răng miệng tốt.
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
Điều trị viêm họng cấp như thế nào?
Việc điều trị đối với các trường hợp viêm họng cấp phụ thuộc vào nguyên nhân:
- Đối với trường hợp do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh đường uống, như là amoxicillin hoặc penicillin. Mục đích của việc dùng kháng sinh là để ngăn ngừa những biến chứng như là viêm khớp do thấp hoặc các biến chứng tại thận. Điều quan trọng khi sử dụng kháng sinh là phải dùng đủ liều để ngăn ngừa tái phát của bệnh và để tránh sự đề kháng kháng sinh.
- Viêm họng do virus thì không đáp ứng với kháng sinh nhưng bệnh có thể tự phục hồi do hệ miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên các loại thuốc điều trị triệu chứng như paracetamol hoặc ibuprofen, có thể giúp giảm đau và sốt.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp quá trình hồi phục nhanh hơn:
- Uống đủ nước
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Ngậm các loại thuốc giảm đau họng
- Súc họng nước muối ấm
- Ăn nhiều cam, chanh hoặc các loại hoa quả giàu vitamin.
Viêm họng cấp thường không nguy hiểm, sẽ khỏi sau 3 – 5 ngày nếu được chăm sóc, theo dõi và điều trị tốt. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ em nên việc phòng ngừa chủ động là rất quan trọng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.