Hội chứng viêm gân ngón tay cái không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe người bệnh, nhưng lại gây đau đớn và khó khăn trong vận động. Tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, việc trang bị cho bản thân các kiến thức về phương pháp phòng ngừa và cách điều trị viêm bao gân ngón tay cái là cần thiết.
Tổng quan chung
Viêm gân gấp ngón cái là gì?
Bệnh viêm gân gấp ngón cái xảy ra do tình trạng viêm bao gân ở ngón tay, gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp còn xuất hiện hạt xơ trong bao gân, khiến di động gân qua vị trí hạt xơ bị cản trở. Mỗi lần người bệnh gấp, duỗi ngón tay cái rất khó khăn, hạn chế, phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra.
Triệu chứng
Triệu chứng ban đầu thường gặp là tình trạng ngón cái bật nhẹ không đau hay cảm giác khó chịu mỗi khi cử động. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ xuất hiện hiện tượng bật, âm thanh bật, ấn đau ở khớp bàn ngón hay liên đốt gần ở trong lòng bàn tay. Bệnh còn có những triệu chứng sau:
- Ngón tay cái thường bị cố định, kẹt hay khóa trong tư thế gập khi người bệnh vận động.
- Cần có người khác kéo thẳng hay bẻ ngón tay về vị trí cũ.
- Cảm giác đau trên vùng gân, đau nhiều khi vận động.
- Có thể bị sưng.
Bệnh được phân loại thành 4 cấp độ, cụ thể:
- Cấp 1: Cảm giác đau mặt lòng, khó chịu tại ròng rọc, gân gấp ngón cái.
- Cấp 2: Bị vướng ngón tay.
- Cấp 3: Bị khóa ngón tay cái, chỉ có thể cử động thụ động.
- Cấp 4: Bị khóa cố định ngón tay cái, không thể cử động.
Khi có triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Trì hoãn việc chữa trị sẽ dẫn đến tình trạng đau mạn tính, hạn chế tầm vận động ngón cái, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm gân ngón cái:
- Một số nghề nghiệp có nhiều nguy cơ mắc bệnh như giáo viên, nông dân, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công… Họ phải sử dụng ngón tay cái nhiều, thường xuyên thực hiện những động tác véo, nắm,… dẫn đến bị viêm gân;
- Do chấn thương trong sinh hoạt hằng ngày hoặc khi chơi thể thao;
- Biến chứng từ một số bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gout…
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm gân gấp ngón cái bao gồm:
- Người lao động tay chân: Những người làm công việc đòi hỏi sử dụng tay nhiều như thợ mộc, thợ điện.
- Người chơi thể thao: Những người chơi các môn thể thao sử dụng tay nhiều như tennis, cầu lông.
- Người làm việc văn phòng: Người thường xuyên sử dụng máy tính và chuột.
Chẩn đoán
Qua thăm khám lâm sàng, khi nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành thực hiện một số xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng bệnh như:
- Siêu âm với đầu dò tần số > 7.5 – 20MHz: Giúp bác sĩ thấy gân, bao gân dày lên, dịch bao quanh và hình ảnh hạt xơ trong bao gân.
- Chụp X-quang: Thường không có dấu hiệu gì đặc biệt.
- Chụp MRI: Giúp bác sĩ phát hiện chất tiết, tràn dịch hay sưng tấy của bao gân, cấu trúc và chất lượng của gân có thể thay đổi.
- Xét nghiệm máu cho kết quả bạch cầu, tốc độ máu lắng tăng cao.
Phòng ngừa bệnh
- Tránh việc lặp lại các hoạt động dùng đến ngón tay, bàn tay trong thời gian dài, nhất những động tác gồng ngón tay cái.
- Dành thời gian cho tay nghỉ ngơi và thực hiện những bài tập cải thiện sự linh hoạt cho gân khớp vùng ngón cái, bàn tay.
- Không tự ý xoa bóp rượu thuốc và dầu nóng vì dễ làm tăng nặng tình trạng viêm.
- Những người bệnh tiểu đường, viêm khớp… cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, từ đó ngăn ngừa biến chứng viêm gân gấp.
- Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm giàu canxi và vitamin C.
Điều trị như thế nào?
Viêm gân gấp ngón tay cái là bệnh không quá nguy hiểm. Bệnh có thể được kiểm soát tốt khi được phát hiện sớm và chữa trị đúng hướng.
Điều trị nội khoa
Người bệnh sẽ được điều trị nội khoa với phác đồ tương ứng, cụ thể:
- Hạn chế vận động ngón tay bị tổn thương, có thể sử dụng nẹp ngón tay nhằm cố định, chườm lạnh hay chiếu tia hồng ngoại.
- Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau bằng đường uống, tiêm hay tiêm corticoid tại chỗ.
- Sử dụng kháng sinh khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm và khi toàn thân có biểu hiện nhiễm trùng.
- Bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C.
Khi điều trị nội khoa theo liệu trình, bệnh vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện:
- Tiêm corticoid tại chỗ: Chỉ thực hiện với điều kiện có bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp có kinh nghiệm, phòng tiêm phải vô trùng. Khi thực hiện tiêm corticoid cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
- Những chế phẩm:
- Methylprednisolone acetate (1ml = 40mg): Đây là loại có tác dụng kéo dài. Liều dùng cho mỗi lần tiêm trong bao gân từ 8 – 20mg/lần (0,2 – 0,5ml/lần) dựa theo vị trí. Mỗi đợt cách nhau khoảng 3 – 6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.
- Betamethasone (1ml = 5mg) Betamethasone dipropionate.
- 2mg Betamethasone sodium phosphate: Đây là loại có tác dụng kéo dài. Liều dùng cho mỗi lần tiêm cạnh khớp từ 0,8 – 2mg/lần (0,2 – 0,5ml/lần) dựa theo vị trí. Mỗi đợt cách nhau khoảng 3 – 6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.
- Tuyệt đối chống chỉ định tiêm corticoid tại chỗ: Những tổn thương do nhiễm khuẩn, nấm hay chưa loại trừ được nhiễm khuẩn; tổn thương nhiễm trùng trên hay gần khu vực tiêm.
- Tương đối chống chỉ định tiêm corticoid tại chỗ (gồm những chống chỉ định của corticoid): Cao huyết áp, tiểu đường, viêm loét dạ dày tá tràng (cần điều trị, theo dõi trước và sau khi tiêm), người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông hay có rối loạn đông máu.
- Một số tác dụng không mong muốn sau khi tiêm corticoid tại chỗ: Cảm giác đau sau tiêm vài giờ, có khả năng kéo dài vài ngày, thường gặp sau mũi tiêm đầu; teo da tại chỗ hay mảng sắc tố da vì tiêm quá nông (tình trạng này sẽ tự hết trong vài tháng tới 2 năm); nhiễm trùng.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp bệnh ở mức độ nặng, đã áp dụng những phương pháp điều trị khác thất bại hay kéo dài nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cắt bao gân duỗi, giải phóng gân tại vị trí khoang gân duỗi bị viêm.
Nguy cơ có khả năng xảy sau phẫu thuật là tác dụng của thuốc gây mê/tê lên hệ thống tim mạch và hô hấp như rối loạn nhịp tim, suy hô hấp…, có thể được xử trí cấp cứu tùy từng trường hợp cụ thể. Các nguy cơ tiềm ẩn khác của phẫu thuật cũng được ghi nhận gồm:
- Chảy máu.
- Nhiễm trùng.
- Tổn thương dây thần kinh cảm giác của ngón tay.
- Chấn thương cơ gân cơ, mạch máu, dây chằng hay những cấu trúc khác.
- Lành sẹo xấu và sẹo tăng dị cảm.
Chứng viêm gân gấp ngón cái hay không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh, nhưng lại gây cản trở và khó khăn trong sinh hoạt. Vì vậy, việc thực hiện các phương pháp giúp phòng ngừa và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng và tái phát sau này.
Viêm gân gấp ngón cái là một tình trạng phổ biến nhưng có thể được quản lý hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện các bài tập giãn cơ, và sử dụng kỹ thuật đúng trong hoạt động hàng ngày là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau hoặc sưng ở ngón cái, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và năng động!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.