Viêm đa xoang là một bệnh lâm sàng gây ra triệu chứng đau nhức ở nhiều vị trí trên khu vực mặt, tạo ra sự khó chịu đáng kể cho bệnh nhân. Nếu không tiến hành điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm đa xoang qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Xoang là các hốc rỗng tập trung trong xương của hộp sọ, gồm có các xoang: Sàng, hàm, trán, bướm. Bên trong bề mặt của xoang là các lớp niêm mạc. Tình trạng viêm đa xoang là do các lớp niêm mạc bị sưng viêm và nhiễm trùng từ ít nhất hai xoang trở lên. Dấu hiệu của bệnh cũng tương tự như viêm xoang thông thường, nhưng triệu chứng rõ ràng hơn, diễn biến nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm đa xoang được hiểu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở nhiều vị trí xoang cùng một lúc. Do viêm đa xoang gây ra phản ứng viêm tại nhiều hốc xoang nên người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu hơn rất nhiều so với bệnh viêm xoang thông thường. Viêm đa xoang là bệnh lý tiến triển qua hai giai đoạn chính sau đây:
- Viêm đa xoang cấp tính: Các triệu chứng viêm nhiễm xảy ra ồ ạt và khỏi hẳn chỉ sau thời gian ngắn, thường là dưới 8 tuần.
- Viêm đa xoang mạn tính: Tình trạng viêm diễn ra âm thầm và các triệu chứng của bệnh kéo dài hơn 12 tuần. Viêm đa xoang mạn tính xảy ra khi tình trạng viêm không được điều trị khỏi hoàn toàn ngay từ giai đoạn cấp tính.
Thông thường, bệnh viêm đa xoang sẽ xảy ra khi một xoang bị viêm nhiễm nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các xoang mũi có cấu tạo thông với nhau, chính điều này đã tạo điều kiện cho tác nhân gây hại phát triển lan rộng và tấn công đến các xoang xung quanh.
Triệu chứng
Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu sau khi bị viêm đa xoang:
- Sốt
- Khả năng ngửi và nếm mùi vị suy giảm
- Cơ thể đau nhức
- Áp lực vùng mũi, má và quanh mắt
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Dịch viêm gây hôi miệng
- Ho
- Đau răng, đau họng, đau hàm.
Nguyên nhân
Viêm đa xoang là bệnh lý khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, đa số các trường hợp bệnh đều là biến chứng từ các bệnh lý tai mũi họng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Nhiễm virus, vi khuẩn, nấm: Đây là tác nhân chính gây ra bệnh viêm đa xoang. Sau khi chúng xâm nhập vào cơ thể, nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi phát triển, tấn công vào lớp niêm mạc xoang và gây ra bệnh.
- Bệnh lý đường hô hấp: Viêm đa xoang có thể khởi phát do ảnh hưởng từ các bệnh lý nhiễm trùng tại đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng,… Lúc này, vi khuẩn sẽ tăng sinh tại đường hấp và phát triển lan rộng đến hốc xoang và gây ra bệnh.
- Dị ứng: Dị ứng cũng là một trong những yếu tố kích thích khởi phát bệnh viêm đa xoang. Khi bị dị ứng, lớp niêm mạc mũi và họng sẽ bị phù nề, gây tắc nghẽn ống xoang và hình thành viêm nhiễm. Thường gặp là dị ứng thời tiết, dị ứng chất kích thích, dị ứng phấn hoa,…
- Tác động từ môi trường: Nếu bạn sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh viêm đa xoang là rất cao. Lúc này, hệ hô hấp của bạn sẽ phải thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây hại và dễ kích thích phản ứng viêm xảy ra.
- Cấu trúc xương mũi: Những người có cấu trúc xương mũi bất thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm đa xoang cao hơn những người khác. Cụ thể là vách ngăn mũi bị dày hoặc lệch, xuất hiện khối u vùng mũi, chấn thương mũi,…
- Hệ miễn dịch suy yếu: Hệ miễn dịch suy yếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Thống kê y khoa cho thấy, những người có thể trạng yếu kém sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm đa xoang cao hơn so với những người khác.
Đối tượng nguy cơ
Theo những nguyên nhân kể trên, bệnh có thể thường gặp ở một số đối tượng như:
- Người hút nhiều thuốc lá khiến các hóa chất độc hại có cơ hội làm kích ứng niêm mạc đường hô hấp. Từ đó, khiến lượng chất nhầy tiết ra nhiều hơn và làm tăng nguy cơ viêm xoang cho người bệnh.
- Người bị một số bệnh lý đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng,… tạo điều kiện để tăng sinh và tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây hại hoạt động. Điều này khiến tình trạng viêm nhiễm tại các xoang lan rộng và hình thành viêm xoang đa xoang dễ dàng hơn.
- Người có cơ địa dị ứng với các chất kích thích, dễ gây phản ứng dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn, thời tiết,… Khi bị dị ứng, lớp niêm mạc ở xoang sưng tấy, phù nề,… khiến viêm xoang hình thành nhanh chóng hơn.
- Người có cấu trúc bất thường của xương mũi hoặc tại các xoang như polyp mũi, mũi có vách ngăn bị vẹo, vách dày,… Điều này khiến các dịch nhầy khó thoát ra ngoài, gây bít tắc, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý.
- Người sống trong môi trường không khí có chứa nhiều khói bụi, chất độc hại, hóa chất,…
- Người bị các bệnh về răng như áp xe răng, viêm nha chu, sâu răng,… khi không được điều trị kịp thời khiến vi khuẩn dễ dàng di chuyển tới các xoang và gây ra viêm nhiễm.
- Người bệnh có hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh “hoạt động” mạnh mẽ và dễ dàng hơn. Người càng có sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc viêm xoang là càng cao.
- Người vệ sinh tai – mũi – họng sai cách hoặc không hợp vệ sinh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh lý.
Chẩn đoán
Bệnh viêm đa xoang có thể xác định thông qua các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.
- Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác thông tin triệu chứng, tiền sử bệnh nhằm đưa ra những phán đoán về bệnh kết hợp với chẩn đoán cận lâm sàng để kết luận.
- Chẩn đoán cận lâm sàng:
- Nội soi mũi: Thiết bị có gắn camera giúp quan sát được bất thường trong cấu trúc xoang mũi, mức độ tổn thương.
- Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính: Phát hiện được xoang bị ảnh hưởng.
- Nuôi cấy sinh thiết: Dịch mũi mẫu mô được mang đi nuôi cấy để xác định thủ phạm gây xoang.
- Xét nghiệm yếu tố dị nguyên và máu: Trường hợp nghi ngờ viêm đa xoang do dị ứng, bác sĩ sẽ kiểm tra dị ứng để xác định.
Phòng ngừa bệnh
Để ngăn ngừa viêm đa xoang, có thể áp dụng một phương pháp sau:
- Tránh để bị cảm lạnh và hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật… hoặc chất kích thích như khói thuốc lá…
- Có chế độ ăn uống lành mạnh với rau củ tươi và trái cây giàu chất chống oxy hóa
- Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm
- Rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tai, mũi, họng
- Khi bị cảm cúm viêm mũi cấp tính, bệnh nhân cần đi khám để được điều trị phù hợp, tránh dẫn đến tình trạng viêm đa xoang sau đó
- Bệnh nhân viêm mũi dị ứng hoặc bệnh nhân mắc các bệnh lý đi kèm với viêm đa xoang nên đi khám sớm và kiểm tra thường xuyên về mũi xoang.
Điều trị
Các phương pháp điều trị viêm đa xoang sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo tình trạng bệnh.
- Các loại thuốc kháng sinh, kháng dị ứng, kháng viêm và thuốc giảm triệu chứng có thể được tư vấn cho người bệnh.
- Bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh bổ sung nước và xịt mũi để làm loãng dịch nhầy và nhắc người bệnh hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như thuốc lá, không khí lạnh, không khí ô nhiễm…
- Việc thông rửa xoang sẽ được bác sĩ tư vấn để loại bỏ mủ trong xoang.
- Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch có thể giúp cho người bệnh cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng.
- Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi tại nhà, chườm khăn ấm, thư giãn, rửa mũi nước muối…
- Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị được chỉ định. Cấu trúc mũi bất thường gây ra tình trạng tắc nghẽn như phì đại cuống mũi và vẹo vách ngăn sẽ được loại bỏ.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về viêm đa xoang. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.