Viêm da dị ứng là tình trạng viêm da do tiếp xúc trực tiếp với chất kích ứng (viêm da tiếp xúc kích ứng) hoặc dị nguyên (viêm da tiếp xúc dị ứng). Các triệu chứng bao gồm ngứa và đôi khi đau rát. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về viêm da dị ứng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm da dị ứng là những biểu hiện tổn thương da trên một bệnh nhân có cơ địa dị ứng đặc trưng bởi những dấu hiệu lâm sàng của hiện tượng quá mẫn tức thì với sự có mặt của IgE (Immunoglobulin E) hoặc hiện tượng quá mẫn muộn với sự tham gia của tế bào T đặc hiệu.
Dựa theo đặc điểm bệnh, có thể phân loại viêm da dị ứng theo các nhóm như:
- Viêm da dị ứng tiếp xúc: Xảy ra do phản ứng của hệ thống miễn dịch khi da tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng trong môi trường như kim loại, hóa chất, mỹ phẩm, nọc cắn của côn trùng,… Bệnh thường thuyên giảm và khỏi hẳn sau 1-4 tuần.
- Viêm da dị ứng thời tiết: Liên quan tới sự thay đổi thời tiết. Do đó bệnh cũng thường phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa hoặc vào mùa đông lúc không khí trở lạnh, hanh khô.
- Viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm: Là tình trạng ở thể nặng của viêm da dị ứng khi các mụn nước vỡ làm cửa cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể, khiến da sưng , ngứa, đỏ, đau rát nhiều. Nếu không điều trị đúng cách bệnh có thể tái phát nhiều lần và gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, hoại tử da,…
- Viêm da dị ứng cơ địa: Loại viêm da này thường gặp ở người có gen dị ứng hoặc cơ địa dị ứng. Viêm da dị ứng cơ địa khó kiểm soát hoàn toàn được bệnh (do tương tác giữa gen cơ địa dị ứng và môi trường xung quanh) và cũng dễ tái phát.
Triệu chứng
Triệu chứng của viêm da dị ứng rất khác nhau ở mỗi người, phổ biến nhất là da khô, ngứa và đỏ da. Cụ thể:
- Da khô
- Ngứa là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm. Ngứa cực độ ở da khiến người bệnh gãi, từ đó làm cho tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn.
- Các mảng màu đỏ đến nâu xám, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực trên, mí mắt, khuỷu tay và đầu gối, mặt và da đầu ở trẻ sơ sinh.
- Mụn nước có thể rò rỉ dịch vàng khi bị trầy xước
- Da dày, nứt nẻ, bong vảy.
- Da nhạy cảm, có thể sưng nề.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da dị ứng, bệnh xảy ra do sự tương tác phức tạp của các yếu tố môi trường, hệ thống miễn dịch và di truyền. Sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch, đặc biệt là khi da tiếp xúc với các chất kích thích bên ngoài, là nguyên nhân phổ biến gây viêm da dị ứng.
Một số yếu tố gây viêm da phổ biến nhất thường thấy là:
Do ảnh hưởng môi trường
- Những yếu tố môi trường bao gồm da tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm (ô nhiễm không khí); tiếp xúc với khói thuốc lá; hương liệu và các hợp chất khác trong xà phòng và đồ vệ sinh cá nhân; da quá khô… là những yếu tố nguy cơ khiến người bệnh mắc viêm da dị ứng.
- Giải thích về vấn đề này, các nhà chuyên môn cho rằng các yếu tố môi trường có thể khiến hệ thống miễn dịch thay đổi hàng rào bảo vệ da, khiến nước dễ thoát ra ngoài hơn, dẫn đến viêm da dị ứng.
- Lần tiếp xúc đầu tiên thường không gây phát ban dị ứng nhưng theo thời gian da trở nên nhạy cảm hơn. Tiếp xúc sau đó có thể gây phát ban da.
Yếu tố gia đình
- Các nghiên cứu cho thấy bệnh viêm da dị ứng có tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh chàm dị ứng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. điều này cho thấy di truyền có thể đóng một vai trò nào đó.
- Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những thay đổi di truyền kiểm soát một số protein nhất định và giúp cơ thể chúng ta duy trì các lớp da khỏe mạnh. Khi hàm lượng protein này không đạt mức bình thường, hàng rào bảo vệ da bị thay đổi khiến hơi ẩm thoát ra ngoài, khiến hệ thống miễn dịch của da tiếp xúc với môi trường và gây chàm dị ứng. Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu gen để hiểu rõ hơn về các đột biến khác nhau dẫn đến chàm dị ứng như thế nào.
- Ngoài ra, hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ chống lại các mầm bệnh, vi khuẩn và virus xâm nhập. Các nhà khoa học cho rằng hệ thống miễn dịch hoạt động kém và hoạt động quá mức có thể gây viêm da, dẫn đến viêm da dị ứng.
Đối tượng nguy cơ
Đây là căn bệnh mà đa số ai cũng có thể bị mắc phải. Tỷ lệ mắc bệnh của người châu Á chiếm khoảng 13%, khoảng 11% là người da trắng, 10% là người da đen và 13% là người Mỹ bản địa.
- Viêm da dị ứng rất phổ biến và trẻ em rất dễ mắc bệnh này. Bệnh có thể bắt đầu trước khi trẻ được 5 tuổi và có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành. Ở một số trẻ, dị ứng da có thể cải thiện và biến mất theo thời gian. Bệnh thường gặp ở những người có người thân mắc bệnh chàm, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.
- Đối với người lớn, những người có ba mẹ, người thân trong gia đình hoặc bản thân đã từng mắc bệnh viêm da dị ứng, hoặc có da khô và nhạy cảm, có nguy cơ cao bị viêm da dị ứng. Vùng da bị viêm da dị ứng ở người lớn thường tập trung ở bàn tay hoặc bàn chân.
Chẩn đoán
Để xác định liệu bạn có mắc phải viêm da dị ứng hay không bác sĩ sẽ dựa trên kết quả kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng trên da và tiền sử bệnh của bạn. Ngoài ra bạn cũng có thể cần thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh ngoài da khác.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng với một loại thực phẩm hoặc chất kích thích nào đó gây kích ứng đến da, hãy cho bác sĩ biết thêm.
Phòng ngừa bệnh
- Người bệnh nên chú ý tránh xa các tác nhân gây dị ứng.
- Cần bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể và chọn các sản phẩm dưỡng da phù hợp, hỗ trợ cấp ẩm cho da.
- Không nên tắm nước quá nóng.
- Nên chọn trang phục thoáng mát, chất cotton, hạn chế mặc đồ len, dạ…
- Vệ sinh nơi ở thoáng mát, sạch sẽ
- Hạn chế căng thẳng trong cuộc sống.
Điều trị viêm da dị ứng như thế nào?
Điều trị viêm da dị ứng cũng phụ thuộc vào từng lứa tuổi. Quan trọng nhất là phải tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng nếu đã tìm được nguyên nhân gây dị ứng, hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa như xà phòng, dầu rửa, sử dụng các loại sữa tắm có pH trung tính.
Trong trường hợp chưa tìm được nguyên nhân dị ứng, có thể sử dụng thuốc một số thuốc như corticoid đường bôi tại chỗ, thuốc uống kháng histamin, kèm theo thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm để tránh tình trạng khô da.