Triệu chứng viêm cơ thường không rõ ràng, người bệnh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm cơ là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hệ cơ là một thành phần quan trọng của cơ thể, là nhóm mô sợi được phân bổ khắp nơi, gắn liền với xương, nội tạng và cả mạch máu. Thực hiện chức năng chính gồm: chuyển động, sinh nhiệt, tuần hoàn máu.
Cơ thể có 3 nhóm mô cơ chính bao gồm:
- Cơ vân (cơ xương): Là nhóm cơ tự nguyện, hoạt động dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh.
- Cơ tim
- Cơ trơn.
Viêm cơ là tình trạng viêm tại các tổ chức cơ bắp gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, chấn thương, tình trạng tự miễn và tác dụng phụ của thuốc. Triệu chứng đặc trưng của viêm cơ là yếu, sưng và đau cơ. Các phương pháp điều trị viêm cơ là khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Triệu chứng
Triệu chứng chính của viêm cơ là yếu cơ có thể nhận thấy qua thăm khám lâm sàng hoặc các xét nghiệm.
- Đau cơ có thể có hoặc không.
- Viêm đa cơ và một số tình trạng viêm khác có xu hướng gây yếu cơ dần dần và tiến triển nặng sau vài tuần hoặc vài tháng.
- Các vị trị yếu cơ thường gặp là cổ, vai, hông và lưng. Yếu cơ có thể gây té ngã và khó khăn khi đứng dậy khỏi ghế hoặc sau khi ngã.
- Các triệu chứng khác có thể gặp trong viêm cơ bao gồm: Phát ban, mệt mỏi, da vùng tay dày lên, khó nuốt, khó thở.
Những người bị viêm cơ do virus thường có các triệu chứng nhiễm virus như sổ mũi, sốt, ho và đau họng, hoặc buồn nôn và tiêu chảy. Đa số các triệu chứng nhiễm virus có thể biến mất vài ngày hoặc vài tuần trước khi các triệu chứng viêm cơ bắt đầu.
Một số ít người có triệu chứng đau trong bệnh viêm cơ. Hầu hết các cơn đau cơ không phải do tình trạng viêm mà do chấn thương, căng thẳng, hoặc các bệnh thông thường như cảm lạnh và cúm. Những cơn đau cơ thông thường này được gọi là chứng đau cơ.
Nguyên nhân
Viêm cơ là hiện tượng viêm xảy ra ở cơ, bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ và được các chuyên gia phân thành ba nhóm chính sau:
- Viêm cơ nhiễm khuẩn: Bệnh lý viêm cơ do các vi khuẩn như Staphylococcus, Gonococcus, Pneumocoque gây ra. Những cơ dễ bị nhiễm các vi khuẩn này là cơ tứ đầu đùi, cơ ngực lớn, cơ delta…Tác nhân khiến vi khuẩn lây lan đến cơ có thể đó là các vết thương ngoài da như nhọt, vết xước hoặc vết cắn, viêm mủ da, …
- Viêm cơ nhiễm ký sinh trùng: Khi ký sinh trùng đi vào cơ thể như đường ăn uống thì chúng sẽ đến cư trú ở các bộ phận khác nhau trong đó có cơ, gây hiện tượng viêm. Với nguyên nhân này các cơ bị nhiễm trùng thường là: cơ hoành, các cơ liên sườn, cơ thanh quản, lưỡi và các cơ vận nhãn. Bệnh ấu trùng sán lợn cũng có thể kèm theo cư trú ở các cơ khác nhau, thường gặp ở các cơ tứ chi, thân mình và đặc biệt là ở lưỡi.
- Các bệnh viêm đa cơ và viêm bì cơ: Thuật ngữ viêm cơ nguyên phát hay viêm đa cơ được xếp trong mục các bệnh viêm nhưng không phải nguyên nhân là do nhiễm khuẩn, hay ký sinh trùng. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được vì sao lại có hiện tượng này. Phần lớn đều nghiêng về giả thiết là cơ thể con người bỗng nhiên tự miễn dịch chống lại chính các tế bào khỏe mạnh ở cơ gây viêm.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh hay gặp nhất ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm như trong bệnh HIV, các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường, viêm đa cơ hệ thống, xơ cứng bì, các trường hợp sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài trong điều trị bệnh.
Người già, trẻ em, những đối tượng suy dinh dưỡng, cơ thể suy kiệt, mắc các bệnh các tính, những người làm việc trong môi trường độc hại là một trong những người dễ mắc bệnh nhất.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh viêm cơ dựa trên các triệu chứng của một người bị yếu cơ hoặc các bằng chứng khác của viêm cơ. Các xét nghiệm về viêm cơ bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Nồng độ các enzyme trong cơ cao, như creatine kinase, là dấu hiệu viêm cơ. Các xét nghiệm máu khác giúp phát hiện các kháng thể bất thường có thể chỉ ra tình trạng tự miễn.
- Quét MRI: Máy quét sẽ sử dụng một nam châm năng lượng cao và một máy tính để tạo ra hình ảnh của các cơ. Chụp MRI có thể giúp xác định các vị trí viêm cơ và những thay đổi trong cơ theo thời gian.
- Bằng cách chèn các điện cực kim vào cơ: Bác sĩ có thể kiểm tra phản ứng của cơ với các tín hiệu điện thần kinh. EMG có thể xác định cơ bị yếu hoặc tổn thương do viêm cơ.
- Sinh thiết cơ: Đây là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán viêm cơ. Bác sĩ xác định yếu cơ, rạch một vết nhỏ và lấy đi một mẫu nhỏ của mô cơ để xét nghiệm. Sinh thiết cơ có thể chẩn đoán chính xác được bệnh viêm cơ ở những người mắc bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây yếu và đau cơ thường gặp hơn viêm cơ, xét nghiệm chẩn đoán viêm cơ không phải là một quy trình đơn giản. Vì vậy, quá trình chẩn đoán viêm cơ thường rất lâu.
Phòng ngừa bệnh
Hệ cơ cần được chăm sóc bằng một lối sống khoa học, và các hoạt động thể thao đều đặn. Những bài tập thể dục sử dụng sức mạnh như tập tạ giúp cho cơ bắp được kích thích và phát triển. Các sợi cơ dày hơn sẽ chắc chắn, thực hiện các chuyển động mượt mà hơn.
Đối với cơ tim, để có thể chăm sóc và duy trì sức khỏe cơ tim bạn cần thực hiện những bài tập liên quan đến sức bền như các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, chạy bộ…
Việc kết hợp giữa luyện tập sức mạnh và luyện tập sức bền sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất để hệ cơ được cải thiện và phát triển một cách toàn diện gồm cả thể lực, sức khỏe tim, phổi và tuần hoàn máu.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần kết hợp với những thói quen tốt. Loại bỏ những thói quen xấu, gây hại đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh. Những thói quen bạn cần xây dựng và duy trì để có sức khỏe hệ cơ tốt là:
- Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng; đầy đủ các nhóm chất và vitamin
- Ngủ đủ giấc, từ 7-8 tiếng/ngày
- Vận động thể dục thường xuyên
- Không lạm dụng rượu bia
- Hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá
Chạy bộ là môn thể thao giúp hệ cơ chắc khỏe
Điều trị như thế nào?
Tình trạng viêm cơ có thể điều trị bằng thuốc ức chế hệ miễn dịch như: Prednisone, Azathioprine (Imuran), Methotrexate.
Viêm cơ do nhiễm trùng thường không có phương pháp chữa trị cụ thể. Viêm cơ do vi khuẩn không phổ biến và cần dùng kháng sinh để ngăn sự lây lan của vi khuẩn, hạn chế nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Mặc dù tiêu cơ vân hiếm xảy ra do viêm cơ, nhưng nếu xảy ra có thể gây tổn thương ở thận vĩnh viễn. Những người bị tiêu cơ vân cần nhập viện để được truyền dịch tĩnh mạch với số lượng lớn.
Viêm cơ liên quan đến thuốc điều trị cần ngừng thuốc ngay. Trong trường hợp viêm do thuốc statin, bệnh sẽ giảm trong vòng vài tuần sau khi người bệnh ngừng thuốc. Điều trị viêm cơ phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, do đó người bệnh cần chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.