Vàng da không đơn thuần là da có màu vàng mà niêm mạc hoặc kết mạc mắt cũng có thể bị vàng. Vàng da có thể là sinh lý (gặp ở một số trẻ sơ sinh) hoặc vàng da bệnh lý với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cần biết được nguyên nhân gây vàng da để đề phòng và chữa trị đúng, tránh biến chứng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về vàng da qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Vàng da là tình trạng da và kết mạc mắt có màu vàng, do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao bởi các nguyên nhân bệnh lý gây ra. Màu vàng thường xuất hiện ở kết mạc mắt đầu tiên và mức độ vàng da phụ thuộc vào nồng độ bilirubin trong máu.
Như vậy, có thể thấy việc tăng nồng độ bilirubin chính là nguyên nhân của vàng da xảy ra do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Nguồn gốc bilirubin được tạo ra từ các hồng cầu bị vỡ để được thay thế bởi những hồng cầu mới, khi lưu chuyển trong máu, qua gan và các tế bào gan, men gan đã làm biến đổi cấu trúc của bilirubin để tạo nên dạng hòa tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp. Các tế bào gan phân phối bilirubin liên hợp vào các ống mật nhỏ khiến bilirubin trở thành một phần của dịch mật, mạng lưới ống dẫn mật lại hợp lại thành ống mật chủ để tới tá tràng. Cuối cùng, bilirubin sẽ có trong phân và làm cho phân có màu vàng nâu. Vì vậy bất cứ rối loạn nào làm bilirubin tích tụ trong máu thì đều có thể gây ra vàng da.
Triệu chứng
Ngoài các dấu hiệu lâm sàng vàng da (vàng niêm mạc mắt, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân ngả vàng, nước tiểu vàng, thậm chí sẫm màu hoặc phân bạc màu trong bệnh tắc đường mật) cả người bệnh (người lớn) và bác sĩ đều nhận thấy, cần xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Khi xét nghiệm máu ở bệnh nhân vàng da sẽ thấy lượng bilirubin trong máu tăng cao ở cả 3 loại (bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp). Bên cạnh đó lượng men gan AST (Aspartate aminotransferase) và ALT (Alanine aminotransferase) cũng tăng cao trên gấp đôi so với thông thường, cho thấy chức năng gan, mật, tuyến tụy của cơ thể đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Ở trẻ sơ sinh sinh đủ tháng, bình thường nếu bị vàng da được coi là vàng da sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn). Khi làm xét nghiệm máu, nếu vàng da sinh lý sẽ không có các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…). Nồng độ bilirubin trong máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng. Tốc độ tăng bilirubin máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân vàng da được chia ra làm 4 nhóm nguyên nhân gồm có:
- Do bệnh liên quan đến hồng cầu: Một số bệnh về hồng cầu chính là nguyên nhân khiến cho sắc tố da thay đổi. Cụ thể là những căn bệnh này có thể khiến cho hồng cầu bị phá hủy nhanh chóng và đồng thời lượng bilirubin trong máu cũng tăng lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, những tế bào gan không thể kịp thời chuyển hóa lượng bilirubin lớn bất thường này. Chính vì thế, dẫn đến tồn đọng bilirubin trong máu khiến da có màu vàng hơn bình thường.
- Do bệnh liên quan đến tế bào gan: Đây được đánh giá là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng vàng da. Một số bệnh về gan như viêm gan, xơ gan hay ung thư gan có thể làm tổn thương tế bào gan, tăng nguy cơ tồn đọng bilirubin trong máu, từ đó khiến da người bệnh bị vàng. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như khó tiêu, mệt mỏi, đau bụng phải,…
- Do bệnh về ống mật chủ: Tình trạng sỏi mật, tắc ống mật chủ,… có thể khiến cho dịch tràn ra và thẩm thấu vào máu dẫn tới vàng da. Bên cạnh đó, những trường hợp viêm tụy cấp, viêm túi mật, ung thư đầu tụy, ung thư túi mật,… cũng là nguyên nhân khiến da người bệnh vàng bất thường.
- Do thuốc: Một số loại thuốc có thể gây viêm đường dẫn mật hoặc gây tổn thương đến tế bào gan sẽ khiến ứ đọng bilirubin trong máu và gây vàng da.
Đối tượng nguy cơ
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị vàng da như một hiện tượng sinh lý. Thông thường do hồng cầu ở trẻ sơ sinh chứa HbF nên đời sống ngắn, khi vỡ gây tăng bilirubin tự do, chức năng gan của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện để có thể chuyển hoá cũng như đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể. Khi bilirubin tích tụ quá nhiều sẽ dẫn đến vàng da sinh lý ở trẻ em.
Ở người lớn, triệu chứng vàng da có thể xảy ra ở bất cứ ai và lứa tuổi nào. Những đối tượng đã từng bị bệnh lý gan mật, đặc biệt là có hiện tượng vàng da, sẽ có khả năng cao xuất hiện da vàng hơn những người chưa có tiền sử. Vàng da do bệnh gan do rượu, cũng như bệnh gan không do rượu, phổ biến hơn ở nam giới, trong khi viêm đường mật nguyên phát là nguyên nhân cơ bản gây da vàng chủ yếu ở phụ nữ.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi liên quan đến bệnh sử để tìm kiếm nguyên nhân vàng da. Ngoài ra, thông qua khám lâm sàng bác sĩ cũng kiểm tra dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn gây ra vàng da.
- Kết quả xét nghiệm chức năng gan giúp chẩn đoán nguyên nhân vàng da
- Kiểm tra cận lâm sàng: người bệnh được yêu cầu thực hiện các kiểm tra sau:
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Xét nghiệm chức năng gan.
- Xét nghiệm máu.
- Chẩn đoán bằng hình ảnh
- Trường hợp có nghi ngờ vàng da sau gan hoặc tại gan, bác sĩ thường chỉ định chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra bất thường ở ống mật và gan. Các loại chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định gồm siêu âm, chụp CT-Scanner, chụp MRI, nội soi mật tụy ngược dòng.
- Sinh thiết gan.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh vàng da cũng như giúp quá trình điều trị được hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ phác đồ điều trị các bệnh nguyên nhân gây vàng da.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối: Người bệnh nên bổ sung rau xanh, các loại quả, uống nhiều nước và thực phẩm ít chất béo, ít tinh bột. Hạn chế uống rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ và nội tạng động vật.
- Rèn luyện thể lực, duy trì thói quen sinh hoạt khoa học. Tránh để căng thẳng và lo âu quá mức.
- Tiêm vắc-xin phòng viêm gan A, B, C. Người lớn và trẻ em đều cần tiêm vắc-xin này.
- Phòng ngừa lây nhiễm viêm gan: Bệnh viêm gan không lây qua đường tiếp xúc thông thường. Tốt nhất để người bệnh không bị lây nhiễm viêm gan thì không dùng chung đồ dùng cá nhân (bàn chải, dao cạo râu, kim tiêm,…). Ngoài ra, viêm gan A thường bị lây nhiễm do người bệnh vô tình ăn phải lượng nhỏ chất bài tiết trong thực phẩm bẩn. Vì thế, khi đi ăn ngoài hàng, người bệnh nên thận trọng vì có thể những thực phẩm đó được chế biến chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Không lạm dụng thuốc tây.
- Khám sức khỏe định kỳ và tái khám đúng lịch hẹn.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị vàng da như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây vàng da. Trong trường hợp da bị vàng do rối loạn chức năng gan thì khi điều trị bệnh gan sẽ làm thay đổi nồng độ bilirubin.
Trong trường hợp viêm gan do rượu hay do thuốc, việc điều trị trước tiên sẽ là ngừng sử dụng rượu và thuốc bị nghi ngờ. Nếu bệnh nhân bị vàng da do viêm gan virus thì, tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn và chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc trong đó bao gồm thuốc kháng virus, thuốc điều trị triệu chứng. Bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần áp dụng lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tránh xa những thực phẩm có hại cho gan như đồ ăn chứa nhiều mỡ, chứa nhiều chất béo, các loại bia rượu,… và chế độ nghỉ ngơi hợp lý, vận động, tập luyện khoa học để tăng cường sức khỏe, hồi phục gan nhanh chóng hơn và cải thiện triệu chứng vàng da.
Trong viêm đường mật nguyên phát, lựa chọn điều trị đầu tay vẫn là acid ursodeoxycholic (UDCA). Ở những bệnh nhân bị vàng da do tắc nghẽn, các thủ thuật như nội soi cũng như phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính để loại bỏ hoặc giảm bớt sự tắc nghẽn, trong đó nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP) là một trong những phương pháp được ưa thích. Trong trường hợp tắc nghẽn nguyên nhân ác tính, phẫu thuật vẫn là phương pháp ưu tiên được lựa chọn.
Điều trị vàng da cần điều trị nguyên nhân song song điều trị những triệu chứng lâm sàng của bệnh (như ngứa da, sốt, đau bụng,…). Thông thường, ngứa dần biến mất khi tình trạng bệnh được cải thiện. Nếu ngứa khó chịu, có thể uống cholestyramine. Khi được điều trị đúng, kịp thời thì bệnh và dấu hiệu vàng da cũng giảm theo. Đồng thời, người bệnh cần phải kết hợp với lối sống tích cực và chế độ dinh dưỡng khoa học để dần hồi phục và cải thiện sức khỏe chung hiệu quả. Một số vấn đề cần về sức khỏe mà người bệnh cần lưu ý khi điều trị vàng da:
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
- Tái khám theo lịch hẹn và chủ động quan sát trạng thái sức khỏe, triệu chứng lâm sàng của cơ thể
- Ưu tiên nghỉ ngơi để giữ sức khỏe được ổn định
- Không hút thuốc và uống rượu bia
- Ăn uống hợp lý, lành mạnh
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh vàng da. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.