Virus rota là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tiêm phòng Vaccin Rota hiện là một biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng tránh bệnh tiêu chảy cấp do virus rota. Miễn dịch chủ động này sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời.
Tổng quan về bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Virus Rota là chủng virus có cấu tạo dạng vòng, được phân thành các nhóm A, B, C, D, E, F, G. Trong đó chủng A, B, C là 3 chủng có tỷ lệ gây bệnh cao ở người: virus Rota nhóm A thường gây bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ em còn nhóm B và C thường được phát hiện ở trẻ lớn và người trưởng thành.
Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguy cơ mắc tiêu chảy do virus Rota là rất cao. Một phần do sức đề kháng kém và hệ tiêu hóa non trẻ, phần khác là do việc ăn uống, sinh hoạt chưa được đảm bảo vệ sinh. Trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ bú bình, dễ có nguy cơ mắc do việc vệ sinh bình sữa, các dụng cụ ăn uống không tốt. Với trẻ trong giai đoạn tập bò, tập đi hay trẻ lớn, virus dễ thâm nhập qua thói quen cho tay vào miệng. Do đó việc đảm bảo vệ sinh là yếu tố vô cùng quan trọng.
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Trẻ khi bị nhiễm Rotavirus có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Các triệu chứng của tiêu chảy cấp do Rotavirus bao gồm:
- Nôn mửa: Đây là dấu hiệu đầu tiên, trẻ nôn mửa rất nhiều trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày, triệu chứng này sẽ giảm dần trước khi tiêu chảy xuất hiện.
- Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể đi tiêu phân lỏng hơn 20 lần trong ngày.
- Mất nước: Các biểu hiện của mất nước bao gồm khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc. Đây là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do Rotavirus, có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.
- Trẻ sút cân do mất nước, ăn uống kém.
- Một số trẻ còn có dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi…
Nguyên nhân gây bệnh
Virus Rota lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng. Trẻ em có thể bị nhiễm virus này khi tiếp xúc với đồ chơi, thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng trong môi trường nhà trẻ hoặc các khu vực đông người.
Đối tượng dễ mắc bệnh
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại virus này.
Một số yếu các yếu tố làm tăng nguy mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Tiếp xúc với nguồn bệnh bao gồm tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng, đồ ăn… có nhiễm virus Rota.
- Trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh: Đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo…
- Nguồn nước bị nhiễm virus Rota.
- Xử lý không đúng phân và chất thải có chứa virus Rota.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý phân và chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách cũng gây nguy cơ mắc bệnh.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến, trước khi cho trẻ ăn.
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị virus này, tuy nhiên để đảm bảo một cách chủ động thì cho trẻ uống vắc xin Rota là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất cần được thực hiện.
Các loại vắc xin virus Rota phổ biến nhất
Tương tự như hầu hết các loại vắc xin hiện nay, vắc xin phòng rotavirus được sản xuất từ virus rota đã được làm suy yếu hoặc đã chết. Khi vắc xin được đưa vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu hoạt động và tiêu diệt những con virus đó. Từ đó, hệ miễn dịch ghi nhớ cho lần tiếp theo bị virus xâm nhập, dễ dàng tiêu diệt chúng và khiến chúng không thể gây bệnh.
Từ tháng 1/2006, Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn cho sử dụng 2 loại vắc xin phòng Rotavirus là RotaTeq và Rotarix. Ngoài ra còn có Rotavin là vắc-xin sản xuất tại Việt Nam. Tất cả các loại vaccine này đều được sử dụng qua đường uống, không phải đường tiêm. Mỗi loại vắc-xin lại có lịch uống khác nhau.
Vaccin Rotavin M1: được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế Polyvac, Việt Nam.
- Thành phần: Một lọ Rotavin 2ml sẽ bao gồm virus rota sống, giảm độc lực chủng G1P8.
- Lịch uống:
- Liều 1: uống vào thời điểm trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên
- Liều 2: Sau liều 1 từ 1 – 2 tháng.
- 2 liều nên hoàn thành 2 liều này trước khi bé được 6 tháng tuổi.
Vaccin Rotarix: được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn về dược phẩm và chế phẩm sinh học – GlaxoSmithKline thuộc Bỉ.
- Thành phần: Một hộp gồm 1,5ml, 1 chủng G1P8.
- Lịch uống:
- Liều 1: uống vào thời điểm trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên
- Liều 2: Uống sau liều đầu tiên ít nhất 4 tuần.
- Cho trẻ uống 2 liều, 2 liều này nên được hoàn thành trước 24 tuần tuổi của trẻ.
Vaccin Rotateq: được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Meck Sharp and Dohme, tập đoàn về dược phẩm và chế phẩm sinh học Mỹ.
- Thành phần: Một lọ 2ml bao gồm vaccin dạng sống, giảm độc lực, ngũ giá G1, G2, G3, G4 và P1A.
- Lịch uống:
- Liều 1: Khi trẻ từ 7,5 – 12 tuần tuổi.
- Liều 2: Cách liều đầu tiên khoảng 4 tuần.
- Liều 3: Cách liều thứ 2 là 4 tuần.
Trẻ uống 3 liều và cần được hoàn thành trước 32 tuần tuổi.
Khi nào cần dùng vaccin Rota
Trẻ được khuyến cáo nên uống vaccin Rota từ 6 tuần tuổi và phải hoàn thành phác đồ trước 6 tháng tuổi. Nếu được chủng ngừa sớm vào thời điểm này, cơ thể trẻ sẽ tạo được miễn dịch hoàn chỉnh chống lại virus Rota trước khi bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh như khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bò, cầm nắm, đưa vật lạ vào miệng.
Hiện nay, các loại vaccin phòng virus Rota đang được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà đang thí điểm ở một số tỉnh và dự kiến triển khai trên cả nước đến hết năm 2024. Do đó các bậc phụ huynh khi muốn cho con uống vắc-xin phòng Rotavirus có thể đưa trẻ tới các trung tâm y tế dự phòng hay các phòng tiêm chủng để được tư vấn và sử dụng vaccin.
Tiêu chảy cấp do virus Rota là một bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin Rota. Việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh việc tiêm phòng, duy trì vệ sinh cá nhân và sử dụng nước sạch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về vắc xin Rota và cách bảo vệ sức khỏe cho con em mình. Hãy luôn đồng hành cùng y tế để đảm bảo tương lai khỏe mạnh cho trẻ em!