Ung thư cổ tử cung đang là bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ trên toàn thế giới. Có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus. Bệnh này hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên để giảm tỷ lệ mắc bệnh chỉ có một cách duy nhất đó là tiêm ngừa vacxin.
Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?
Ung thư cổ tử cung được đánh giá là căn bệnh ung thư nguy hiểm thứ 2 ở phụ nữ chỉ sau ung thư vú, số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong cao.
Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ tiến triển, lan rộng của tế bào ung thư cũng như phương pháp điều trị.
Bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm như thế nào?
Dưới đây là các biến chứng thường gặp nhất của căn bệnh này:
- Mãn kinh sớm
Phụ nữ sẽ đến giai đoạn mãn kinh ở độ tuổi khoảng 50, song với bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung, cắt bỏ buồng trứng và xạ trị do đó giai đoạn mãn kinh thường sớm hơn.
Mãn kinh sớm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều phụ nữ, gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như suy giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện không kiểm soát, khô âm đạo, loãng xương, đổ mồ hôi ban đêm, tâm trạng thất thường,…
- Thu hẹp âm đạo
Xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần âm đạo trong điều trị ung thư cổ tử cung khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong quan hệ tình dục, ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng. - Vô sinh
Các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện muộn thường đều phải điều trị cắt bỏ tử cung, các cơ quan vùng chậu và hóa xạ trị ảnh hưởng nên bệnh nhân thường mất khả năng sinh con. Với phụ nữ trẻ thì vấn đề này ảnh hưởng vô cùng lớn đến hạnh phúc và cuộc sống sau này. - Phù bạch huyết
Biến chứng này thường xảy ra ở những bệnh nhân ung thư cổ tử cung di căn đến hạch bạch huyết cần phẫu thuật cắt bỏ. Điều này có thể phá vỡ hoạt động của hạch bạch huyết, chất lỏng trong mô bị tích tụ và kết quả là tình trạng phù bạch huyết. Chân là cơ quan dễ chịu ảnh hưởng nhất, dễ bị sưng to, ảnh hưởng đến hoạt động và gây nhiều đau đớn. - Đau đớn dữ dội
Khi ung thư mới đang phát triển ở khu vực cổ tử cung, tử cung, bệnh nhân thường chỉ bị đau bụng, đau vùng chậu. Song nếu ung thư di căn đến đầu các dây thần kinh, cơ bắp hoặc xương thì cơn đau dữ dội chính là điều mà bệnh nhân phải đối mặt. - Suy thận
Khi khối u ung thư lớn chèn ép niệu quản, ngăn chặn đường tiểu khiến nước tiểu tích tụ trong thận. Thận sẽ bị sưng, căng và nếu tình trạng kéo dài, thận có thể mất hoàn toàn chức năng. Suy thận gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe, triệu chứng thường gặp là: phù chân, mệt mỏi, tiểu ra máu, phù toàn thân,… - Hình thành cục máu đông
Ung thư cổ tử cung cũng như nhiều bệnh ung thư khác làm tăng độ nhớt của máu, gây hình thành cục máu đông, kết hợp với giảm vận động sau điều trị, nguy cơ này càng tăng hơn. Cục máu đông nếu hình thành ở chân sẽ gây ra những triệu chứng như: đau, sưng chân, đỏ da, nặng hơn nếu chặn hoàn toàn máu nuôi có thể gây hoại tử. - Chảy máu nội tạng
Khi ung thư di căn đến bàng quang, ruột, âm đạo, trực tràng, chảy máu trong có thể xảy ra. Tình trạng này lâu dài không được khắc phục sẽ khiến sức khỏe bệnh nhân suy yếu, mệt mỏi, sụt cân. - Lỗ rò âm đạo – bàng quang
Biến chứng này đã được ghi nhận ở 1 số bệnh nhân ung thư cổ tử cung, lỗ rò phát hiện giữa âm đạo và bàng quang, khiến bệnh nhân bị chảy dịch âm đạo dai dẳng
Suy thận là biến chứng nguy hiểm khi ung thư cổ tử cung chèn ép niệu quản
Những biến chứng mà ung thư cổ tử cung gây ra đều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, gây đau đớn cho bệnh nhân. Nguy hiểm hơn nếu không can thiệp khắc phục kịp thời, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa, nhất là biến chứng thận và biến chứng mạch máu đông.
Có mấy loại vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung?
Các loại vaccine HPV: có 2 loại vaccine HPV là Gardasil (Mỹ) và Gardasil 9 (Mỹ). Hai loại vắc xin HPV này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng tuýp virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Vắc xin phòng HPV – Gardasil
Vắc xin Gardasil 4 được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới MSD (Merck Sharp & Dohme, Mỹ) giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV tuýp 6, 11, 16, 18. Gardasil được chỉ định tiêm chủng cho bé gái và nữ giới từ 9-26 tuổi, bất kể đã có gia đình hay quan hệ tình dục hay chưa.
Vacxin ngừa HPV – Gardasil 9
Gardasil 9 là vắc xin duy nhất tại Việt Nam phòng ngừa 9 tuýp virus HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) gây các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục… hiệu quả lên đến trên 94%.
Đặc biệt, đây là loại vắc xin đầu tiên phòng HPV dành cho cả nam và nữ từ từ 9 đến 45 tuổi. Được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới MSD (Merck Sharp & Dohme, Mỹ), đang được tiêm ở 84 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ, chứng minh tính an toàn và hiệu quả cao.
Gardasil 9 có thể tiêm gộp chung cùng nhiều vắc xin khác trong cùng 1 buổi tiêm để đạt được hiệu quả phòng bệnh toàn diện.
Vắc xin Gardasil
Ai có thể tiêm vắc xin HPV?
Người từ 9 – 26 tuổi
Tại Việt Nam, vacxin HPV được chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ, bé trai và nam giới từ 9-26 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tiêm ngừa vắc xin cho hiệu quả tốt nhất khi được tiêm phòng sớm cho trẻ từ 9-14 tuổi. Đặc biệt vắc xin phát huy hiệu quả tối ưu trên những trẻ chưa bị phơi nhiễm hoặc chưa bị nhiễm virus HPV. Virus HPV lây chủ yếu qua đường tình dục hoặc các đường khác như lây nhiễm cơ hội qua vật bị nhiễm hay thực hành vệ sinh âm đạo sai (ít phổ biến hơn). Nên cần tiêm vắc xin sớm khi trẻ đủ từ 9 tuổi để trẻ chưa kịp phơi nhiễm với HPV. Đồng thời, thời điểm này cũng là lúc trẻ đang tiêm các loại vắc xin khác nên thuận tiện để bác sĩ tư vấn.
Người từ 27 – 45 tuổi
Mặc dù vắc xin HPV được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn sẽ được tiêm chủng cho trẻ từ 9 tuổi đến người lớn ở tuổi 45, nhưng vắc xin HPV không được khuyến nghị cho tất cả người trưởng thành từ 27 – 45 tuổi.
Thay vào đó, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) khuyến nghị các bác sĩ tiêm chủng nên cân nhắc thảo luận với người tiêm trong độ tuổi này xem xét liệu tiêm vắc xin HPV có phù hợp với họ hay không. Tiêm vắc xin HPV ở độ tuổi 27 – 45 tuổi mang lại ít lợi ích hơn vì nhiều người đã tiếp xúc với virus HPV.
Phụ nữ đang mang thai
Không có bằng chứng cho thấy tiêm chủng sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi, các chuyên gia khuyến cáo, nữ giới cần hoàn thành phác đồ các mũi tiêm vắc xin phòng HPV tốt nhất là 3 tháng hoặc ít nhất phải 1 tháng rồi mang thai.
Trong trường hợp phụ nữ có thai trong giai đoạn chưa hoàn thành 3 liều tiêm, thì cần hoãn tiêm chủng để tiếp tục thai kỳ cho đến khi sinh xong. Song song đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ để tiến hành thực hiện các xét nghiệm siêu âm, khám thai đầy đủ theo chỉ định. Đồng thời, không nên quá lo lắng, hãy giữ tinh thần và sức khỏe tốt nhất để chào đón em bé khỏe mạnh chào đời.
Kết luận:
Tóm lại, việc tiêm vắc xin HPV không chỉ là một biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả mà còn giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản. Sự chủ động trong việc tiêm phòng vắc xin và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ mang lại sự bảo vệ tốt nhất cho bản thân và những người thân yêu. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay hôm nay để đảm bảo một tương lai khỏe mạnh và an toàn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.