U xơ vòm mũi họng mặc dù là lành tính nhưng lại có khả năng phát triển và lây lan nhanh chóng ra vùng mặt, thậm chí là nội sọ. Bệnh hiện nay chưa có biện pháp dự phòng. Bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết đến bạn nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán cũng như cách điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Tổng quan chung
U xơ vòm mũi họng còn được gọi là Juvenile Nasopharyngeal Angiofibroma (JNA). Đây là một loại bệnh có khối u lành tính xuất hiện và và phát triển tại bộ phận vòm mũi họng và sau cửa mũi. Mặc dù nói là khối u lành tính nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể khiến tình trạng bệnh lây lan rộng hơn và làm tổn thương đến xương.
Trên thực tế, u xơ vòm mũi họng được hình thành từ sự tăng sinh các mạch máu và sự phát triển của các cấu trúc xơ quanh nó. Điều này tạo thành các vị trí chứa máu nhiều và dễ gây chảy máu.
Khi khối u bám chắc vào nền sọ phía sau sau mũi họng và xâm nhập vào các cấu trúc lân cận, tạo ra nhiều chân cố định, thùy và cuống. Từ đó gây cản trở khó khăn cho quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u và tăng nguy cơ máu chảy nhiều trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
Triệu chứng
U xơ vòm mũi họng là khối u lành tính thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 15 – 20. U xơ vòm họng tuy lành tính nhưng gây chảy máu nhiều như ung thư vòm họng nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm.
- Giai đoạn đầu, bệnh nhân thường bị chảy máu cam, nghẹt mũi một bên. Chính vì thế nhiều người chủ quan. Tuy nhiên, theo thời gian, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, nghẹt mũi tăng lên, chảy máu cam xảy ra thường xuyên hơn, đôi khi chảy máu nhiều. Nếu khối u đã phát triển ở giai đoạn muộn và bít hẳn một bên mũi thì chảy máu cam thường xuyên và khó cầm.
- Người bệnh có các triệu chứng khác như: da xanh, mệt mỏi, sút cân nhưng không sốt. Khi khối u tiến triển, nó sẽ xâm lấn các cơ quan lân cận, có thể gây sưng húp mắt, biến dạng khuôn mặt, đau đầu do áp lực và liệt sọ.
Các nghiên cứu cho thấy vị trí khối u phổ biến nhất là ở thành sau của hầu, ngay tại điểm nối của mỏm xương bướm với xương khẩu cái, mái của mỏm xương bướm và mỏm ngang của xương cụt.
Nguyên nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây u xơ vòm mũi họng mới đang dừng lại ở mặt giả thiết. Nghiên cứu cho rằng có thể do các nguyên nhân:
- Rối loạn hormon sinh dục ở trẻ nam trong giai đoạn dậy thì.
- Viêm nhiễm mạn tính vùng mũi họng như viêm VA…
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị u xơ vòm họng như:
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng.
- Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu nhiều.
- Khách hàng có các triệu chứng bất thường thường xuyên như chảy máu cam, đau đầu, ù tai, nghẹt mũi, nổi u hạch vùng cổ.
Chẩn đoán
Lâm sàng:
- U xơ phát triển chậm, lúc đầu chỉ gây ngạt mũi một bên, tăng dần, sau khối u phát triển to ra lấp kín lỗ mũi sau gây ngạt cả hai bên, nói giọng mũi kín, luôn có ứ đọng mũi nhầy trong hốc mũi.
- Chảy máu mũi: lúc đầu thỉnh thoảng mới chảy máu mũi, chảy ít, tự cầm dễ. Sau ngày càng tăng, một vài ngày chảy một lần, lượng chảy cũng nhiều hơn, kéo dài hơn gây thiếu máu mạn tính, thể trạng xanh xao, yếu đi. Ngoài ra thường có ù tai, nghe kém thể truyền âm do khối u che lấp loa vòi Eustache.
- Soi mũi: khối u có thể tràn lấp cả hốc mũi hay chỉ chiếm một phần phía sau hoặc sàn mũi, u nhẵn như polyp nhưng căng, trắng đục và mật độ chắc hơn polyp.
- Soi mũi sau: u lấn vào che lấp lỗ mũi sau hay đã lan vào vòm mũi họng, che lấp một phần hay cả hai lỗ mũi sau. Khi quá to có thể che lấp cả vòi Eustachi và đẩy màn hầu phồng lên.
- Sờ vòm bằng ngón tay thấy mật độ khối u chắc, hay có dính máu đầu ngón tay.
Cận lâm sàng:
CT scan xác định vị trí và sự xâm lấn của khối u ra các cơ quan lân cận.
Tiến triển:
- U xơ tuy là u lành nhưng nếu để phát triển tự nhiên sẽ gây ảnh hưởng lớn:
- Làm sập hàm ếch, tiêu xương hàm trên.
- Phát triển vào hố chân bướm hàm gây ảnh hưởng đến hoạt động nhai.
- Qua xoang sàng vào ổ mắt, đẩy lồi nhãn cầu hoặc qua xoang sàng, bướm phát triển vào nội sọ, những tiến triển trên thường gặp trong u xơ vòm thành bên thể Selileau.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa cụ thể để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh u xơ vòm mũi họng. Tuy nhiên có một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Cụ thể:
- Thay đổi lối sống lành mạnh: Hãy tập trung bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với chất gây kích thích: Khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất hoặc các chất gây dị ứng khác có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và sưng tấy vòm mũi họng.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Cần chắc chắn rằng cơ thể luôn được vệ sinh sạch sẽ và rửa tay thường xuyên trước và sau khi ăn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh nhiễm trùng: Không được sử dụng chung đồ dùng cá nhân hoặc ăn uống chung với người bệnh.
- Kiểm tra định kỳ: Bạn cần phải đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế phòng khám để thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Điều trị như thế nào?
Phẫu thuật là phương pháp chữa trị u xơ vòm mũi họng chủ yếu:
- Nếu được phát hiện sớm khối u thì có thể mổ qua đường nội soi để loại bỏ khối u. Phẫu thuật theo đường này có ưu điểm là không để lại vết sẹo cạnh mũi như phẫu thuật với khối u to. Có thể phối hợp với can thiệp mạch để gây tắc các mạch máu nuôi khối u trước mổ, tạo thuận lợi cho việc phẫu thuật và hạn chế biến chứng chảy máu.
- Trường hợp khối u quá to không còn chỉ định phẫu thuật có thể chỉ định tia xạ kết hợp với nội tiết tố giúp teo nhỏ khối u.
Biến chứng của việc điều trị gồm có:
- Mất nhiều máu trong quá trình làm phẫu thuật
- Khối u tái phát do không lấy được hết cuống
- Biến chứng do quá trình gây mê như: ngộ độc thuốc tê, thuốc mê…
- Biến chứng của việc can thiệp mạch như: mù mắt do nút sai động mạch…
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh u xơ vòm mũi họng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.