U nang dây thanh quản là một dạng tổn thương lành tính nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến giọng nói. Bản chất của u nang dây thanh là một túi chứa chất lỏng bài tiết từ biểu mô chứa nhiều tuyến nhỏ trên bề mặt dây thanh. Vậy u nang dây thanh là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bề mặt của dây thanh quản được phủ bởi biểu mô có tuyến nhầy và được sắp xếp tạo ra các nếp gấp. Chính các nếp gấp này khiến cho dây thanh dễ rung hơn và tạo thành giọng nói. Âm sắc của tiếng nói, tiếng hát khác nhau giữa từng người là phụ thuộc vào sự đa dạng của các cấu trúc này. Vì có kết cấu là các nếp gấp, đôi khi, một trong những tuyến tiết nhầy trên lớp biểu mô này sẽ không thoát được dịch tiết ra ngoài. Hệ quả là sự tích tụ chất nhầy có vỏ bọc sẽ tạo thành u nang dây thanh.
Nhìn chung, các u nang dây thanh quản thường chỉ xuất hiện ở một nếp gấp nhất định, cùng một bên dây thanh âm nên giúp phân biệt với các tổn thương khác tại đây như polyp dây thanh, u nhú dây thanh quản,…
Triệu chứng
U nang dây thanh âm thường gây ra một loạt các triệu chứng đa dạng tùy mỗi cá nhân. Theo đó, một số người bị u nang dây thanh âm có thể gặp các triệu chứng sau:
- Khàn tiếng.
- Mất giọng đột ngột.
- Khó hát ở cao độ nhất định.
- Đau họng.
- Mệt mỏi.
Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân lại đi khám do khó thở, khó nói. Đây là biểu hiện bệnh đã vào giai đoạn tiến triển và u nang dây thanh đã có kích thước lớn, gây chèn ép các mô lân cận.
Nguyên nhân
Nang dây thanh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 30 đến 40. Hiện nay, có xu hướng bệnh lý này xuất hiện cả ở những người trẻ, bắt đầu từ 20 tuổi. Nguyên nhân hình thành nang dây thanh hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số yếu tố có thể gia tăng khả năng xuất hiện nang dây thanh, bao gồm:
- Bệnh lý tai mũi họng và đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản,…
- Hút thuốc, sử dụng rượu bia, hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ mắc u nang thanh quản, bao gồm:
- Mắc các bệnh viêm đường hô hấp như: Viêm thanh quản, viêm amidan, viêm họng, ho…
- Sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá…
Chẩn đoán
Để chẩn đoán u nang dây thanh âm, nội soi thanh quản thường được thực hiện, cho phép bác sĩ tai mũi họng kiểm tra trực tiếp hai dây thanh âm và đánh giá tác động của u nang lên sự rung động của chúng. Trước khi quyết định áp dụng điều trị trực tiếp, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên nghỉ ngơi giọng nói và sau đó lặp lại nội soi thanh quản để đánh giá sự cải thiện.
Phòng ngừa bệnh
Sau điều trị, u nang thanh quản vẫn có thể tái phát nếu người bệnh không có các biện pháp chăm sóc hợp lý. Để phòng tránh tình trạng này, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tránh nói to, la hét trong thời gian dài nhằm giảm áp lực cho dây thanh âm.
- Súc miệng với nước muối thường xuyên giúp loại bỏ vi khuẩn, giảm viêm nhiễm.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, sử dụng rượu bia, chất kích thích vì đây chính là nguyên nhân dẫn đến viêm dây thanh quản và u nang sau này.
- Ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Bảo vệ họng bằng cách giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không uống nước lạnh.
- Điều trị triệt để các bệnh viêm đường hô hấp và thanh quản (nếu có).
Ở những người hay phải nói nhiều thì dây thanh quản luôn bị kích thích nên rất khó để phục hồi. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng giọng nói hợp lý, bạn có thể kết hợp với các thảo dược tự nhiên giúp tăng cường sức đề kháng dây thanh, từ đó góp phần cải thiện khàn tiếng. Các thảo dược như rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng đều là những dược liệu có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm mạnh mẽ. Nhờ vậy, chúng giúp giảm kích thước khối u, phục hồi niêm mạc thanh quản đang bị tổn thương, từ đó cải thiện khàn tiếng, ho hiệu quả.
Điều trị như thế nào?
Muốn điều trị u nang thanh quản hiệu quả, việc chẩn đoán phải thật chính xác. Bởi lẽ, có nhiều tổn thương tại dây thanh gây khàn tiếng nhưng điều trị lại khác nhau, từ việc thay đổi lối sống đến can thiệp bằng thuốc hay phẫu thuật.
Sau khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, tập trung vào 2 hướng:
Điều trị nội khoa
Khi u nang thanh quản đã được xác định, mục tiêu điều trị đầu tiên là giảm sưng phù và viêm. Trong thời gian này, người bệnh cần hạn chế phát âm nhằm tránh gây áp lực cho dây thanh để cải thiện chất lượng giọng nói, giảm khàn tiếng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như kháng sinh, chống viêm… để tăng tác dụng. Điều trị bằng thuốc chống viêm steroid nếu giúp cải thiện các triệu chứng nhưng tổn thương thực thể không biến chuyển tốt cũng là cơ sở để chẩn đoán u nang thanh quản.
Điều trị ngoại khoa
Trường hợp u nang dây thanh có kích thước quá lớn mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, can thiệp phẫu thuật chính là một giải pháp thay thế. Mặc dù phẫu thuật giúp mang lại hiệu quả nhanh nhưng tính hiệu quả còn phụ thuộc vào kích thước u nang, mức độ tổn thương xâm lấn và chèn ép trước đó.
Đồng thời, kỹ thuật của người phẫu thuật cũng rất quan trọng vì trong quá trình bóc tách, làm sao càng ít biểu mô bị tổn thương càng tốt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của dây thanh âm, cũng như quyết định việc giọng nói trở về như ban đầu. Ngoài ra, vì một lý nào đó mà trong quá trình phẫu thuật các chấn thương vẫn xảy ra khiến tổn thương tiến triển, hình thành sẹo, dây dính vĩnh viễn thì bệnh nhân sẽ đứng trước nguy cơ bị mất giọng hoàn toàn.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần hạn chế nói để tránh ảnh hưởng đến vết thương và giúp thanh quản phục hồi tốt hơn. Bên cạnh đó, luyện âm cũng giúp hỗ trợ cải thiện chất lượng giọng nói.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về u nang dây thanh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.