U mềm lây là một bệnh viêm da do virus mà biểu hiện bằng các thương tổn da riêng rẽ, rời rạc và lõm ở trung tâm. Bệnh lây lan rộng do tự lây nhiễm bởi các vết cào xước hoặc sờ mó vào thương tổn. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về U mềm lây qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
U mềm lây gây ra bởi một loại virus thuộc nhóm poxvirus. Bệnh có thể lây lan nếu tiếp xúc trực tiếp với các nốt trên da người bệnh hoặc gián tiếp khi sử dụng chung một số đồ dùng cá nhân như khăn tắm.
Các nốt thường xuất hiện sau vài tuần tiếp xúc virus. Chúng thường gặp và lan rộng hơn ở những bệnh nhân viêm da cơ địa. Ở những người có tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, có thể xuất hiện nhiều nốt u mềm lây, nhưng phần lớn người bị u mềm lây thường là người khỏe mạnh.
Triệu chứng
Từ khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần – 6 tháng mới gây nên các triệu chứng ở trên da. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện các hiện tượng sau:
- Bề mặt da nổi các sẩn nhỏ có kích thước 1 – 2mm với nhiều hình khác nhau như tròn, bán cầu, oval,… ở giữa nốt sần có rốn.
- Nốt sần có màu hồng nhạt hoặc màu trắng đục như màu da và rất chắc; đứng đơn lẻ, chụm thành cụm hoặc xếp thành dải theo vệt.
- Vùng da xung quanh nốt sần có thể ngứa và đỏ.
- Vị trí khu trú của nốt sần ở trẻ em thường là cổ, mặt; ở người lớn thường là xương mu, phía bên trong đùi, bụng dưới và bộ phận sinh dục.
Nguyên nhân
U mềm lây gây ra do một loại virus thuộc trong nhóm Poxvirus.
- Virus này lây lan dễ dàng qua việc tiếp xúc trực tiếp như chạm vào da – vùng bị mọc mụn hoặc đồ vật bị nhiễm virus như quần áo, khăn, tắm chung bể tắm, khăn chung, dụng cụ tập thể dục,… của người bệnh.
- Virus này cũng có thể lây truyền qua đường tình dục nếu không có các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
- Ngoài ra các những trường hợp mắc bệnh còn lại là những người có hệ miễn dịch yếu, chứng viêm da dị ứng do di truyền hoặc đang mắc bệnh truyền nhiễm khác.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng mắc bệnh thường là:
- U mềm lây thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.
- Nó phổ biến ở nơi có khí hậu ấm áp.
- Thanh niên và người lớn ít bị.
- U mềm lây có xu hướng xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn ở trẻ em cũng bị viêm da dị ứng, do thiếu hụt hàng rào bảo vệ da. Nó có thể lan rộng và rắc rối ở những bệnh nhân bị nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) hoặc có những lý do khác dẫn đến chức năng miễn dịch kém.
Chẩn đoán
Chẩn đoán u mềm lây đa phần dựa vào hình ảnh lâm sàng là đủ để kết luận bệnh nhân bị u mềm lây. Các tổn thương không rõ cần thêm soi da bằng dermoscopy hoặc xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học.
Phòng ngừa bệnh
Các biện pháp hạn chế mắc bệnh có thể áp dụng là:
- Giữ gìn tay sạch sẽ
- Tránh cào gãi
- Che các tổn thương bằng quần áo hoặc băng gạc
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo
- Tình dục an toàn
Để tránh lây nhiễm u mềm lây cho những người xung quanh, người bệnh nên:
- Điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt và trong thời gian điều trị cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tuyệt đối không đâm chích hay cào gãi vào nốt sẩn làm cho nó vỡ ra vì như vậy sẽ khiến virus có điều kiện lây lan.
- Không tiếp xúc da – da giữa người bệnh với người bình thường.
- Dùng riêng vật dụng cá nhân.
- Dùng băng gạc y tế để băng vùng thương tổn lại nhằm tránh cho virus lây lan ra môi trường.
- Không đến các nơi đông người hoặc sinh hoạt công cộng như phòng tắm hơi, hồ bơi,…
Điều trị như thế nào?
Bệnh lý này thường tự giới hạn và lành hoàn toàn trong vòng 6 đến 18 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian này các nốt mới có thể xuất hiện trong khi các nốt cũ mất đi. Đôi khi cần một vài năm khỏi hoàn toàn.
Sự điều trị tích cực u mềm lây được chỉ định trong trường hợp bệnh lan rộng, gây biến chứng hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa không cần điều trị để theo dõi và chọn phương pháp điều trị nào, quyết định tùy theo độ tuổi, sang thương da và nhu cầu của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Các phương pháp xâm lấn, được thực hiện tại bệnh viện như nạo, áp lạnh bằng ni tơ lỏng hay đốt bằng laser CO2. Các phương pháp này chỉ dễ dàng thực hiện ở người lớn và bệnh nhi hợp tác.
- Thuốc bôi thường dùng cho trẻ không hợp tác: KOH 10%, Salicylic acid 2-5%, Trichloracetic acid 25-50%, Imiquimod 5%, Tretinoin 0,05%, Adapalene 0,1% hiện có tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Ngoài ra còn một số thuốc khác: Cantharidin 0,7%, VP-102, Bạc nitrat 40%, Hydrogen peroxide cream 1%, Cidofovir 1-3% cũng có hiệu quả tốt trong điều trị u mềm lây trẻ em
Trên đây là những chia sẻ về U mềm lây. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.