Tức ngực là một triệu chứng thường gặp ở khá nhiều người, nhất là những người ở độ tuổi lao động, người cao tuổi. Đây là một trong những dấu hiệu báo động của các bệnh lý tim mạch hoặc các bệnh hệ hô hấp, tiêu hóa. Khi thấy biểu hiện bất thường của cơ thể, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa những rủi ro đáng tiếc, không được chủ quan. Cùng tìm hiểu về bệnh lý đau tức ngực qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Tức ngực (Tiếng Anh là Chest tightness) là tình trạng người bệnh có cảm giác lồng ngực bị đè nén lại, nặng nề ở ngực, gây khó chịu ở ngực hoặc cổ họng. Đi kèm với đó thường là biểu hiện khó thở, tim đập nhanh.
Do đó, nhiều người bị tức ngực lo lắng đây là biểu hiện của bệnh tim. Tuy nhiên, hay bị tức ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau như bệnh về đường tiêu hóa, phổi hoặc vấn đề tâm lý cũng có thể gây tức ngực.
Tức ngực có thể liên quan nhiều bệnh lý và được chia thành nhiều dạng sau:
- Tức ngực buồn nôn
- Tức ngực khó thở
- Tức ngực khó tiêu
- Tức ngực kèm theo ho
- Tức ngực khi nuốt thức ăn
Triệu chứng tức ngực
Những triệu chứng khi bị tức ngực có thể khác nhau ở trong một số trường hợp, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tức ngực. Các triệu chứng phổ biến khi bị tức ngực thường là:
- Đau, khó chịu ở ngực
- Cơn đau tức ngực có thể lan lên cổ, hàm, cánh tay hoặc ra sau lưng
- Chóng mặt
- Khó thở, thở khò khè
- Tim đập nhanh bất thường
- Buồn nôn
- Người mệt mỏi
- Cơn đau trở nên nặng hơn khi gắng sức.
Trường hợp tự nhiên tức ngực không liên quan đến bệnh tim mạch, triệu chứng có thể xuất hiện sau khi ăn, đau tức nhiều hơn khi ho hoặc hít thở sâu, sốt, người nhức mỏi, có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Nguyên nhân tức ngực
Lồng ngực là nơi chứa đựng nhiều nội tạng. Do vậy, bất kỳ những tổn thương nào bên trong cơ thể cũng khiến cho người bệnh có cảm giác đau tức ngực. Thậm chí, ngay cả những cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, gan, lách, tụy… khi gặp bệnh lý vẫn có thể biểu hiện bằng đau ngực do cơ chế đau quy chiếu, lan theo dẫn truyền thần kinh nguyên thủy. Vì vậy, việc khai thác chi tiết các đặc điểm đau vô cùng quan trọng để xác định đúng nguyên nhân.
Nguyên nhân luôn được các bác sĩ nghĩ đến đầu tiên là do các bệnh lý tim mạch Những bất thường trong mạch vành, động mạch bị xơ vữa, giảm tưới máu và thiểu dưỡng cơ tim hầu hết sẽ biểu hiện triệu chứng đầu tiên là đau ngực. Người bệnh mô tả cơn đau có vị trí trước xương ức, lệch sang vùng trước tim, thường xảy ra khi gắng sức, đi bộ nhanh, leo cầu thang, bị kích động tâm lý.
Đau sẽ giảm hoặc ngừng khi nghỉ ngơi. Một số ít có thể đau ngay cả khi nghỉ, đột ngột nặng ngực với cường độ dữ dội, kèm vã mồ hôi, khó thở, nghỉ không bớt đau, khiến người bệnh ôm ngực vì đau đớn thì cần nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim, mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn. Ngoài ra, các bệnh lý tim mạch khác như co thắt mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm cơ tim,… cũng thường biểu hiện bằng đau tức giữa ngực.
Bên cạnh tim, những bệnh thuộc về cơ quan hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn, viêm dày dính màng phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi… Ngoài các triệu chứng sốt, ho, khó thở, khò khè, người bệnh có thể khai đau tức ngực kèm theo.
Một số trường hợp bệnh nhân cảm giác vị trí đau nằm nông trên thành ngực, khu trú hay lan theo xương sườn thì nghĩ đến là do đau của thần kinh liên sườn hay đau do cơ, xương thành ngực sau chấn thương, tư thế đè ép.
Đau tức ngực còn là triệu chứng của các bệnh lý thuộc hệ thống đường tiêu hóa trên. Nguyên nhân thường gặp là do viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản, viêm đại tràng… Ngoài ra, đau tức ngực cũng có thể do áp-xe cơ hoành, áp-xe gan.
Đối tượng nguy cơ dễ bị tức ngực
Tức ngực hoặc đau tức ngực thường xảy ra ở các đối tượng có nguy cơ cao xơ vữa động mạch.
Đó là những người lớn tuổi, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh thận mạn, tổng trạng béo phì, hút thuốc lá và có lối sống tĩnh tại, ít vận động. Nữ giới sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành khi bước đến tuổi mãn kinh. Nếu tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị, ông bà bị các biến cố tim mạch khi tuổi còn tương đối trẻ như nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu não,… khi trước 55 tuổi đối với nam, trước 65 tuổi đối với nữ thì sẽ có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn.
Chẩn đoán tức ngực
Bên cạnh việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán tình trạng tức ngực, bao gồm:
- Điện tâm đồ: Sự thay đổi của xung điện được phát hiện qua điện tâm đồ là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán dấu hiệu tức ngực có liên quan đến tim hay không. Từ đó, bác sĩ kịp thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh lý tim mạch gây ra.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp xét nghiệm máu không chỉ giúp phát hiện các bệnh về máu, mà các bệnh về gan, thận, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch,… cũng có thể được nhận biết thông qua phương pháp này.
- X-quang ngực: Cảm giác tức ngực có thể là do tổn thương bên trong lồng ngực như tổn thương phổi,… Khi đó, thực hiện chụp X-quang ngực là phương pháp thường được áp dụng. Các hình ảnh về phổi, đường thở, mạch máu, tim, xương sườn đều được thể hiện rõ. Thông qua đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được nguyên nhân tức ngực có liên quan đến phổi hay không.
- Nghiệm pháp gắng sức: Thường được chỉ định để chẩn đoán bệnh tim, nhận biết khả năng cung cấp máu của các động mạch chủ nuôi tim có đủ hay không. Nghiệm pháp này nhằm giúp phát hiện ra triệu chứng tức ngực có liên quan đến tim mạch không, có bị rối loạn nhịp tim không cũng như việc điều trị bệnh tim mạch đem lại hiệu quả như thế nào.
- Siêu âm tim: Hiện tượng tức ngực là một trong những triệu chứng của bệnh lý về tim mạch. Chính vì vậy, sử dụng phương pháp siêu âm tim để thăm dò, chẩn đoán tình trạng của tim, cấu trúc, chức năng tim. Thông qua đó, bác sĩ có được kết luận tình trạng này có phải là dấu hiệu của bệnh tim hay không và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Phòng ngừa bệnh tức ngực
Những thói quen trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày có thể giúp bạn phòng ngừa và cải thiện chứng tức ngực hiệu quả như:
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế căng thẳng, áp lực quá mức;
- Dành thời gian để thực hiện những điều bản thân yêu thích, thư giãn tâm trí;
- Vận động đều đặn và luyện tập thể dục đều đặn các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,…
- Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,..; hạn chế tối đa những thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm có chất kích thích như rượu bia,…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ tại trung tâm y tế để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Điều trị tức ngực như thế nào?
Khi xảy ra cơn đau tức ngực khi gắng sức, việc cần làm tức thời là ngưng ngay các hoạt động, tìm chỗ nghỉ ngơi và hít thở sâu. Nếu có sẵn thuốc thì dùng ngay các loại thuốc giãn mạch bằng cách ngậm hay xịt dưới lưỡi. Thuốc giúp tăng lượng máu tới cơ tim và cơn đau sẽ dịu đi từ từ.
Trường hợp sau khi nghỉ ngơi nhưng cơn đau vẫn không giảm, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh, đưa bạn đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây tức ngực và đưa ra phương pháp điều trị cho bạn.
Tóm lại, đau tức giữa ngực là dấu hiệu báo động của các bệnh lý tim mạch cũng như các bệnh trên hệ hô hấp, tiêu hóa. Không nên chủ quan, cần thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp các thông tin bổ ích về bệnh lý tức ngực để bạn đọc có thêm kiến thức để vận dụng vào chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.