Viêm họng là một căn bệnh phổ biến ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, gây ra tình trạng viêm và sưng tấy ở cổ họng. Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra, và thường đi kèm với các triệu chứng khó chịu như đau rát, ngứa ngáy và khó nuốt.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các triệu chứng và biểu hiện của bệnh viêm họng, giúp bạn dễ dàng nhận biết và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc vùng hầu họng. Triệu chứng đặc trưng là cảm giác đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt. Bệnh có thể tồn tại ở dạng cấp tính hay mãn tính.
Viêm họng phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành, song người có cổ họng nhạy cảm, người ở vùng khí hậu khô lạnh, vùng có không khí ô nhiễm và trẻ nhỏ thường có nguy cơ dễ bị mắc bệnh hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng
Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng, thường gặp:
- Do virus: khoảng 80% các loại virus có khả năng cao gây viêm họng. Bệnh do virus gây viêm họng bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, tăng bạch cầu đơn thân, sởi, thủy đậu, Croup- một căn bệnh phổ biến ở trẻ em với đặc điểm là ho khan.
- Do vi khuẩn: một số loại vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn β tan huyết trong nhóm A gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các nguyên nhân khác:
- Chất kích thích hoặc chất gây dị ứng như: khói bụi, thuốc lá, rượu bia, thuốc xịt chứa hóa chất, đồ ăn cay nóng,… làm cháy lớp lót ở niêm mạc họng dẫn đến viêm.
- Thời tiết nóng bức sử dụng máy điều hòa nhiệt độ nhiều, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp hoặc không khí quá khô khiến cổ họng cảm thấy khô ráp, ngứa ngáy nên dễ gây viêm họng.
- Trường hợp thở bằng miệng do nghẹt mũi; hoặc la hét, nói to, nói chuyện trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi làm căng cơ trong cổ họng cũng có thể gây khô và đau họng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): do axit dạ dày trào ngược lên thực quản nên khi bị bệnh này, cổ họng bạn sẽ luôn cảm thấy nóng rát.
- Nhiễm HIV: Những người bị nhiễm HIV thường có hệ thống miễn dịch suy yếu. Do đó, họ dễ bị vi khuẩn tấn công và gây viêm họng mãn tính hoặc tái phát do nhiễm trùng.
- Các khối u: Các khối u ung thư của cổ họng, lưỡi hoặc hộp thoại (thanh quản) có thể gây đau họng. Các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác có thể bao gồm khàn giọng, khó nuốt, thở ồn ào, nổi cục ở cổ và có máu trong nước bọt hoặc đờm.
Triệu chứng của bệnh viêm họng
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng:
- Khi soi họng, bạn có thể nhìn thấy niêm mạc vùng họng sưng đỏ, xung huyết. Ở vách họng có nhiều mụn nhỏ, mạch máu nổi rõ và có chất nhầy hoặc mủ phủ trên bề mặt.
- Vi khuẩn tấn công vào vùng họng làm sưng hạch bạch huyết ở cổ, đồng thời gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở họng.
- Các tuyến ở họng sưng đau khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn, đôi khi nuốt nước bọt cũng khiến người bệnh cảm thấy đau đớn.
- Dịch tiết trong vùng họng có sự thay đổi: ban đầu, chất dịch trong và ít, nhưng càng để bệnh kéo dài thì dịch tiết càng nhiều, đặc và sẫm màu. Do dịch tiết làm vướng víu ở cổ họng nên người bệnh có thể bị khan tiếng, thậm chí là mất tiếng. Để loại bỏ dịch tiết ra khỏi cổ họng, nhiều người thường hắng giọng hoặc ho khạc.
- Họng bị vi khuẩn tấn công nên rất mẫn cảm và gây ra cảm giác buồn nôn.
- Vùng họng bị viêm nhiễm có thể gây sốt nhẹ và đau đầu. Trong trường hợp kéo dài, người bệnh có thể bị ù tai, nhức tai và có triệu chứng giống như bị cảm cúm nên dễ gây nhầm lẫn.
Hãy tới khám bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
- Đối với trẻ nhỏ: khó thở, khó nuốt, chảy nước dãi bất thường, có thể cho thấy không có khả năng nuốt, cơn đau họng lâu hơn 1 ngày.
- Đối với người lớn, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau họng và có triệu chứng như: đau họng dữ dội hoặc kéo dài hơn một tuần, khó nuốt, khó thở, khó mở miệng, đau khớp, đau tai, phát ban, sốt cao hơn 38,5 độ C, máu trong nước bọt hoặc đờm của bạn, đau họng thường xuyên tái phát, một cục u trong cổ của bạn, khàn giọng kéo dài hơn hai tuần, sưng ở cổ hoặc mặt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.