Viêm loét dạ dày là bệnh đường tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể dễ điều trị nếu phát hiện sớm. Ngược lại có thể gây nhiều biến chứng và tái đi tái lại nhiều lần. Vậy triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh viêm loét dạ dày là gì? Mời bạn tìm hiểu bài viết đây nhé.
Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày sưng viêm. Lúc này nếu không được phát hiện ra thì tình trạng viêm sưng hình thành ra vết loét. Giai đoạn đầu, vết loét nhỏ có thể tự lành lại mà không cần điều trị. Dần theo thời gian, vết loét lớn hơn gây nhiều triệu chứng.
Viêm loét dạ dày là gì?
Những triệu chứng viêm loét dạ dày thường gặp
Dấu hiệu viêm loét dạ dày ở mỗi người khá đa dạng, phổ biến nhất là cảm giác nóng rát, cồn cào và đau vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn). Cơn đau dữ dội hơn khi dạ dày không còn chứa thức ăn. Tùy vào mức độ bệnh của từng trường hợp mà cơn đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Các dấu hiệu phổ biến khác của viêm loét dạ dày: đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua hoặc trào ngược axit dạ dày, buồn nôn hoặc nôn, đi cầu với phân đen hoặc máu, sụt cân, thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn do đau, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Các triệu chứng vết loét dạ dày ban đầu có thể nhẹ nhưng không được điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh nặng hơn, tốn kém tiền bạc để điều trị, thậm chí gây ung thư dạ dày.
Cảm giác nóng rát dạ dày là dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày
Nguyên nhân viêm loét dạ dày
Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP): nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày do lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Sau khi xâm nhập vào bao tử, vi khuẩn chui vào lớp nhầy của niêm mạc bao tử, tiết ra độc tố làm tổn thương niêm mạc bao tử, ức chế sản xuất yếu tố bảo vệ niêm mạc hình thành vết loét.
- Sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid (NSAID): người bệnh sử dụng nhóm thuốc NSAID như ibuprofen, naproxen, diclofenac… thời gian dài khiến tổn thương dạ dày. Các loại thuốc này ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, tình trạng viêm loét dạ dày có thể do các nguyên nhân ít gặp hơn gây ra:
- Tăng tiết axit trong dạ dày: nhiều lý do gây ra như yếu tố di truyền, hút thuốc lá, căng thẳng công việc và cuộc sống hoặc tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: tình trạng hiếm gặp gây ra tình trạng dư thừa axit trong dạ dày.
Cách phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày
Điều chỉnh thói quen ăn uống
- Không bỏ bữa hay ăn trễ giờ. Nên ăn đúng giờ và không nên ăn quá no để dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
- Chế biến thức ăn nên thái nhỏ, nấu chín mềm giúp người đau dạ dày dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Hạn chế chiên xào, rán, nướng
- Tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nên dùng đồ ăn ấm 40-50 độ C, sẽ tốt cho tiêu hóa, hạn chế kích ứng, tổn thương thực quản – dạ dày
- Ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, bỏ thói quen vừa ăn vừa làm việc để việc hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
- Ăn nhiều bữa nhỏ. Việc ăn một lúc quá nhiều thức ăn sẽ khiến dạ dày căng giãn quá mức, gây khó tiêu. Đồng thời, khi ăn quá no dạ dày sẽ tiết ra nhiều acid, gây kích thích niêm mạc. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để dạ dày luôn có thức ăn trung hòa dịch axit dạ dày.
- Các loại thực phẩm có thể giúp chống lại H. pylori hoặc cải thiện tình trạng dạ dày, tăng cường lợi khuẩn như: Rau xanh (cải xanh, súp lơ, bắp cải, củ cải, đậu bắp…), hoa quả tươi (nho đen, dứa, dưa chuột…) và các loại ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, khoai lang, sữa chua (chứa nhiều probiotic, enzym hỗ trợ tiêu hóa), nghệ, mật ong,…
- Uống đủ nước để giữ ẩm dạ dày, cải thiện chức năng tiêu hóa.
Thực phẩm nên kiêng để phòng ngừa viêm loét dạ dày
- Thực phẩm cay nóng: Ớt, mù tạt, tiêu… là những loại gia vị có thể gây kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị dễ gây tổn thương dạ dày.
- Thực phẩm – trái cây chua: Sẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày, nếu bạn ăn cóc, xoài, chanh, dưa muối,… lúc đói có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày
- Đồ uống có ga: Khi uống nước có ga lượng khí được sinh nhiều trong dạ dày sẽ làm nó phình to, kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn.
- Cà phê: Có thể kích thích dạ dày, gây tăng tiết acid .
- Rượu bia: Đồ uống có cồn có thể gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến dạ dày dễ bị viêm, loét và xuất huyết.
- Muối: Vi khuẩn H.pylori là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Nếu ăn nhiều muối có thể làm HP phát triển nhanh hơn, hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, muối còn làm kích ứng hoặc tổn thương dạ dày.
Ngoài chế độ ăn uống, việc hình thành các thói quen sau cũng giúp ích cho việc ngăn ngừa viêm loét dạ dày:
- Bỏ hút thuốc lá, tránh rượu và cafein
- Hạn chế sử dụng Ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID) hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác có tác dụng tương tự
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng
- Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn hàng quán
- Tránh stress, căng thẳng, thức khuya
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực ổ bụng, trực tiếp chèn ép vào dạ dày làm cản trở hoạt động dạ dày, gây khó chịu. Ngoài ra, khi chèn ép vào dạ dày có thể đẩy dịch vị lên thực quản dẫn đến ợ chua, ợ hơi… Do vậy, cần kiểm soát cân nặng để giúp dạ dày hoạt động bình thường.
Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể dễ dàng nhận biết những dấu hiệu viêm loét dạ dày, khám và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.