Tổng quan chung
Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí thở làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
Ở trẻ em, hen suyễn được gọi là viêm phế quản co thắt hay hen phế quản. Người trưởng thành thường gọi bệnh này là hen suyễn. Bệnh có thể mắc từ khi còn rất nhỏ và được gọi là “hen sữa”. Có nhiều trường hợp bệnh thuyên giảm và hết hẳn khi lớn lên, nhưng cũng có trường hợp không dứt điểm và xuất hiện ở tuổi già.
Triệu chứng
Triệu chứng hen suyễn có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Cơn hen có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau vài ngày hay vài giờ. Những triệu chứng chính của cơn hen bao gồm:
- Khó thở hoặc cảm giác nặng ngực: Người bệnh thường bị ngộp không thở được, đặc biệt là khi hoặc sau khi vận động. Có cảm giác như có vật nặng đè lên ngực gây nặng và áp lực ở ngực.
- Khò khè: Là tiếng rít đi kèm với nhịp thở, thường nghe thấy khi bệnh nhân hen suyễn thở ra. Đây là biểu hiện thường gặp nhất của cơn hen suyễn cấp tính.
- Ho liên tục: Thường đi kèm với triệu chứng khó thở. Ho khan hoặc ho đờm đặc biệt vào ban đêm hoặc lúc sáng sớm. Ho có thể kéo dài trên 3 tuần không giảm đi sau khi điều trị hoặc uống thuốc.
- Viêm tiểu phế quản cấp: kèm theo sốt, ho khạc đờm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân hen suyễn bao gồm nhiều nguyên nhân gây nên. Một số nguyên nhân thường gặp là:
- Yếu tố di truyền: Một người có bố/hoặc mẹ bị hen sẽ có nguy cơ từ 3-6 lần mắc hen so với một người có bố/hoặc mẹ không bị hen.
- Tiếp xúc với các yếu tố kích ứng: Bệnh nhân tiếp xúc với các chất kích ứng như bụi, khói thuốc lá, khói xe cộ, ô nhiễm không khí, các chất tẩy rửa…
- Do dị ứng: Các cơn hen cấp thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông chó mèo, một số thực phẩm gây dị ứng như hải sản, thịt bò… hoặc một số thuốc Non – Steroid.
- Một số nguyên nhân khác: Có tiền sử các bệnh liên quan đến đường hô hấp như COPD, các bệnh tim mạch… hoặc do vận động gắng sức.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh hen thường xuất hiện ở những người trẻ, đặc biệt là ở trẻ em, nhưng có thể lần đầu xuất hiện khi đã lớn tuổi. Hoặc người có người nhà bị hen, người có cơ địa dị ứng, và người làm việc trong môi trường có chất gây dị ứng.
Chẩn đoán
Chẩn đoán hen suyễn thường dựa trên tiền sử gia đình, các triệu chứng và một số phương pháp kiểm tra:
- Kiểm tra lâm sàng: Nghe phổi và tim, đo huyết áp.
- Xét nghiệm máu và chức năng phổi: Đo lượng kháng thể chống lại kháng nguyên, hô hấp ký.
- Chẩn đoán hình ảnh: X-ray phổi hoặc CT scan phổi.
- Test kích thích phế quản: Đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở.
Phòng ngừa bệnh hen suyễn
Phòng ngừa bệnh hen suyễn là một phần quan trọng của chăm sóc sức khỏe phổi. Để bệnh không tiến triển và gây biến chứng nguy hiểm người bệnh nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Hạn chế tiếp xúc với các chất gây kích ứng như khói thuốc lá, khói xe cộ, bụi và các chất kích ứng khác có thể gây tổn thương đường hô hấp và gây ra hen suyễn.
- Hạn chế những thức ăn có nguy cơ dị ứng cao: những thức ăn lên men như tương, chao, đậu hũ, dưa cải, dưa chua… (trừ sữa chua).
- Luyện tập thể lực: Bệnh nhân hen nên chủ động luyện tập các bài tập vừa vặn với sức khỏe, đặc biệt là các bài tập về hô hấp như thở mím môi, thở bụng, thở yoga… để cải thiện chức năng phổi và tăng cường hệ hô hấp.
- Tránh các loại thuốc khiến tình trạng hen nặng hơn: Nếu có ra nhà thuốc mua thuốc điều trị bệnh thông thường thì người bệnh hãy nhớ thông báo cho Dược sĩ bán thuốc biết bản thân có tiền sử hen suyễn, để họ sẽ tránh cho những loại thuốc có chống chỉ định với hen suyễn như NON – steroid, nhóm thuốc tiêu nhầy như Acetylcystein…
Điều trị hen suyễn như thế nào?
Điều trị hen suyễn thường tập trung vào việc kiểm soát và giảm triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: có rất nhiều thuốc kiểm soát bệnh rất tốt thường là dạng xịt, hít hoặc phun khí dung mà thành phần trong thuốc thường chứa Glucocorticoid để giảm viêm trong đường hô hấp và kiểm soát triệu chứng viêm. Hoặc nhóm thuốc chủ vận beta-2-adrenergic có chọn lọc Salbutamol làm giãn phế quản, giảm sự thu hẹp đường hô hấp…
- Tuân thủ phác đồ điều trị và kiểm tra sức khỏe định kỳ: Tuân thủ thực hiện đúng phương pháp điều trị của bác sĩ về liều lượng dùng thuốc, thời gian dùng thuốc, không tự ý ngưng điều trị khi thấy triệu chứng thuyên giảm. Tái khám theo định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bệnh nhằm tránh trường hợp bệnh tiến triển xấu hơn.
- Thay đổi lối sống: Ngừng hút hoặc tránh xa thuốc lá để làm giảm nguy cơ mắc hen suyễn đồng thời giảm nguy cơ tái phát. Kiểm soát căng thẳng và lo lắng, vì căng thẳng có thể làm tăng triệu chứng hen suyễn.
- Một số biện pháp khác: Trang bị kiến thức về hen, Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc, Ăn uống lành mạnh giàu chất xơ, protein và dinh dưỡng có thể hỗ trợ sức khỏe phổi…
Tóm lại, hen suyễn là một bệnh mạn tính và không có cách để điều trị hen suyễn triệt để hoàn toàn. Điều trị hen suyễn là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Việc tuân thủ đúng phương pháp điều trị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giúp kiểm soát, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tái phát của bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.