Clarithromycin 500mg là thuốc kháng sinh có khả năng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Bài viết dưới đây là thông tin cơ bản về công dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng thuốc
Tìm hiểu chung về thuốc Clarithromycin
Thuốc Clarithromycin thuộc nhóm nào?
Thuốc Clarithromycin 500mg là kháng sinh nhóm macrolid. Clarithromycin là kháng sinh macrolid bán tổng hợp, có tác dụng kìm khuẩn đối với nhiều vi khuẩn Gram dương và một số vi khuẩn Gram âm. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn ở liều cao hoặc đối với những chủng rất nhạy cảm. Clarithromycin ức chế sự tổng hợp protein ở vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn với tiểu đơn vị 50S ribosom, giúp ngăn chặn sự di chuyển của aminocyl transfer-RNA và ức chế sự tổng hợp polypeptid.
Clarithromycin là thuốc gì?
Hàm lượng và bào chế: Thuốc Clarithromycin được bào chế dạng viên nén bao phim, hàm lượng 500mg
Chỉ định
Clarithromycin được chỉ định để điều trị bệnh cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Thuốc dùng điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các loại vi khuẩn nhạy cảm.
Cụ thể:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm xoang, viêm họng;
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn tính;
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc từ cộng đồng;
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm (từ nhẹ tới trung bình);
- Thuốc Clarithromycin có thể dùng phối hợp với 1 thuốc ức chế bơm proton như Lansoprazol hoặc Omeprazol để điều trị nhiễm Helicobacter Pylori ở bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng.
Chống chỉ định
Thuốc Clarithromycin chống chỉ định với các trường hợp:
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với Clarithromycin, các thành phần của thuốc hoặc các thuốc nhóm kháng sinh macrolid khác
- Bệnh nhân bị hạ kali máu
- Bệnh nhân suy thận kết hợp suy gan
- Người bệnh có độ thanh thải creatinin < 30ml/phút. Không thể điều chỉnh liều cho viên Clarithromycin 500mg ở những bệnh nhân suy thận nặng
- Không được phối hợp dùng Clarithromycin với ergotamin hay dihydroergotamine vì có thể gây ngộ độc nấm cựa gà
- Không sử dụng đồng thời Clarithromycin với cisaprid, astemizol, pimozid và terfenadin vì có thể gây rối loạn nhịp tim, kéo dài khoảng thời gian QT. Không sử dụng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử khoảng thời gian QT kéo dài hoặc rối loạn nhịp thất
- Không sử dụng đồng thời Clarithromycin với các loại thuốc ức chế men HMG-CoA (statin) chuyển hóa bởi CYP3A4 (gồm simvastatin hoặc lovastatin) vì có thể làm tăng nguy cơ bệnh cơ, tiêu cơ vân. Nếu đang dùng các thuốc này, nên ngừng điều trị trong khi dùng Clarithromycin
- Không sử dụng thuốc Clarithromycin cho người bệnh đang dùng colchicin do ức chế mạnh CYP3A4
Liều dùng và cách sử dụng thuốc Clarithromycin
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:
- Trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, da và mô mềm: Liều dùng 500mg, 2 lần/ngày trong 6 – 14 ngày;
- Trị HP ở bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng: Điều trị trong 6 – 14 ngày với các lựa chọn sau:
- Clarithromycin 500mg (2 lần/ngày) + lansoprazol 30mg (2 lần/ngày) + amoxicillin 1000mg (2 lần/ngày);
- Clarithromycin 500mg (2 lần/ngày) + lansoprazol 30mg (2 lần/ngày) + metronidazol 400mg (2 lần/ngày);
- Clarithromycin 500mg (2 lần/ngày) + omeprazol 40mg (2 lần/ngày) + amoxicillin 1000mg (2 lần/ngày) hoặc metronidazol 400mg (2 lần/ngày);
- Clarithromycin 500mg (2 lần/ngày) + amoxicillin 1000mg (2 lần/ngày) + omeprazol 20mg/ngày;
- Clarithromycin 500mg (3 lần/ngày) trong 14 ngày, dùng với omeprazol 40mg (1 lần/ngày) trong 28 ngày.
Đối tượng khác:
- Không dùng thuốc Clarithromycin 500mg cho trẻ dưới 12 tuổi;
- Người cao tuổi có thể dùng các liều như người trưởng thành;
- Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều, ngoại trừ người bệnh bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút);
- Bệnh nhân suy gan: Cần điều chỉnh liều Clarithromycin.
Tác dụng phụ thường có của thuốc Clarithromycin
Clarithromycin dung nạp tốt, trên lâm sàng các ADR hầu như chỉ ở mức nhẹ hoặc thoáng qua; chỉ khoảng 1% tác dụng nghiêm trọng được báo cáo. Các ADR theo đường uống của Clarithromycin tương tự hoặc nhẹ hơn Erythromycin. ADR theo đường uống chủ yếu trên đường tiêu hóa.
- Thường gặp, ADR >1/100 (1% – 10%)
- Tiêu hóa: Vị giác bất thường, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, chứng khó tiêu. Rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở người bệnh trẻ với tần xuất 5%. Cũng có thể bị viêm đại tràng màng giả từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
- Toàn thân: Phản ứng quá mẫn như ngứa, mày đay, ban da, kích ứng.
- TKTW: Đau đầu.
- Da: Phát ban.
- Gan: Tăng thời gian prothrombin.
Thận trọng và những lưu ý để dùng thuốc an toàn
Khi sử dụng thuốc Clarithromycin 500mg, cần thận trọng như sau:
- Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân suy gan hoặc suy thận;
- Sử dụng thuốc Clarithromycin dài ngày có thể khiến các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc, dẫn tới tiêu chảy và viêm đại tràng màng giả. Vì vậy, cần theo dõi, làm kháng sinh đồ thường xuyên để có phương hướng điều trị thích hợp;
- Có trường hợp điều trị bằng Clarithromycin liên quan tới bệnh nhược cơ trầm trọng;
- Độc tính colchicin xảy ra khi sử dụng đồng thời với Clarithromycin, đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi. Vì vậy, khi dùng đồng thời 2 loại thuốc, cần theo dõi kỹ các triệu chứng nhiễm độc colchicin;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Clarithromycin 500mg cho bệnh nhân cao tuổi, bệnh mạch vành, suy tim, nhịp tim chậm,… hoặc khi dùng với thuốc khác gây kéo dài khoảng thời gian QT. Không dùng thuốc cho bệnh nhân có khoảng thời gian QT kéo dài, bị loạn nhịp thất hoặc bệnh tim;
- Thận trọng khi phối hợp Clarithromycin với các thuốc chuyển hóa qua CYP3A4 và các thuốc ức chế HMG-CoA reductase;
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời Clarithromycin với aminoglycosid và benzodiazepin;
- Ngừng điều trị Clarithromycin nếu có phản ứng quá mẫn cấp tính nghiêm trọng bao gồm: Sốc phản vệ, hoại tử độc biểu bì, hội chứng Steven-Johnson, ban xuất huyết,…
- Thận trọng khi kê toa phối hợp Clarithromycin với statin. Chống chỉ định phối hợp thuốc Clarithromycin với Simvastatin hoặc Lovastatin;
- Dùng đồng thời thuốc Clarithromycin và các thuốc hạ đường huyết dạng uống (như Sulphonylurea) hoặc Insulin có thể gây hạ đường huyết. Clarithromycin có thể gây hạ đường huyết khi sử dụng đồng thời với Pioglitazone, Nateglinide, Repaglinide và Rosiglitazone. Vì vậy, khi bệnh nhân dùng thuốc, cần theo dõi nồng độ glucose máu;
- Sử dụng đồng thời Clarithromycin với thuốc chống đông máu Warfarin làm tăng nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng, tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin. Vì vậy, cần theo dõi chỉ số INR và thời gian prothrombin ở bệnh nhân dùng đồng thời Clarithromycin với thuốc chống đông máu đường uống;
- Clarithromycin có thể truyền qua nhau thai. Hiện chưa có bằng chứng về việc thuốc gây ảnh hưởng tới thai nhi nhưng vẫn cần cân nhắc tới những lợi ích, rủi ro khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai và cần theo dõi cẩn thận. Ngoài ra, Clarithromycin có thể truyền qua sữa mẹ nên người đang cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc;
- Thuốc có thể gây chóng mặt, mất thăng bằng, mất định hướng nên cần thận trọng khi dùng thuốc nếu bạn phải lái xe, vận hành máy móc,…
Câu hỏi liên quan
Xử lý như thế nào nếu quá liều Clarithromycin?
Khi có các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy. Bệnh nhân nên gọi ngay cho trung tâm cấp cứu để được hỗ trợ loại bỏ thuốc ra khỏi dạ dày,…
Khi quên một liều thuốc?
Nếu quên uống 1 liều thuốc, bệnh nhân nên dùng càng sớm càng tốt. Trường hợp gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm như kế hoạch.
Cách bảo quản Clarithromycin?
Bảo quản thuốc Clarithromycin 500mg ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh nơi trực tiếp và ánh sáng chiếu trực tiếp. Nên để thuốc xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.