Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm vì chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Khi trẻ có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao, chúng ta cùng nhau tìm hiểu các thông tin chia sẻ sau để hiểu thêm nhé.
Tổng quan bệnh viêm não Nhật Bản
- Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn, gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
- Bệnh viêm não Nhật Bản phổ biến ở đâu?
Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh lưu hành trên cả nước, loài muỗi Culex (muỗi ruộng) truyền bệnh xuất hiện nhiều nhất ở miền Bắc và tỷ lệ phổ biến thấp hơn ở miền Nam, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn. Muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè và hoạt động mạnh vào buổi tối.
Theo giám sát giám sát dịch tễ, bệnh phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa muỗi hoạt động nhiều cũng là mùa chim đến ăn quả chín. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn) và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (tập trung ở nông thôn).
- Nguyên nhân gây bệnh:
- Bệnh viêm não Nhật Bản gây ra bởi virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B, họ Togaviridae, chủng Flavivirus gây ra. Virus bị bất hoạt ở 56 độ C sau 30 phút và 100 độ C sau 2 phút.
- Nguồn chứa chủ yếu là lợn và chim, lây truyền qua người thông qua muỗi Culex – loài muỗi tăng sinh mạnh ở nước ta vào các tháng mưa, nóng.
Con đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Đặc điểm nhận dạng bệnh
- Triệu chứng viêm não Nhật Bản thường khá nguy hiểm do khả năng gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng đầu tiên nhận thấy là sốt cao đến 39 – 40 độ C, kèm theo các cơn đau đầu, cảm giác buồn nôn và nôn. Sau đó, viêm não Nhật Bản dẫn đến dấu hiệu co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
- Triệu chứng điển hình trong giai đoạn toàn phát là các dấu hiệu rối loạn ở não, màng não và hệ thần kinh thực vật. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động, thể hiện chủ yếu trên khuôn mặt, bao gồm co cứng cơ mặt, cơn quay mắt quay đầu, co giật bất thường, liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ.
- Các triệu chứng viêm não Nhật Bản ở hệ thần kinh thực vật thường biểu hiện rất đa dạng nhưng lại tương đối nặng nề, như thân nhiệt dao động, da xanh tái, tăng tiết đờm dãi, tim đập nhanh, chướng bụng, nôn ói, bí tiểu, đi cầu khó, rối loạn hô hấp hay thậm chí ngừng thở đột ngột. Các triệu chứng về tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau, từ u ám, ngủ gà, li bì cho đến hôn mê sâu.
- Đối với trẻ nhỏ, những triệu chứng viêm não Nhật Bản thường không điển hình và khó phát hiện hơn. Thăm khám xác định dấu hiệu lâm sàng thường dựa vào một số triệu chứng quan trọng như là nôn ói nhiều, rối loạn nhịp thở, gồng cứng người, quấy khóc không thể dỗ nín hoặc trẻ khóc nhiều hơn mỗi khi được bế hoặc thay đổi tư thế.
Triệu chứng mắc bệnh viêm não Nhật Bản
Thời gian ủ bệnh
Thể điển hình
Thời gian ủ bệnh viêm não Nhật Bản khoảng từ 5 – 14 ngày, trung bình là 1 tuần. Trong thời gian này, người bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng.
Thời kỳ khởi phát:
- Thời kỳ này của bệnh tương ứng với lúc virus vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não, gây ra các biểu hiện hội chứng màng não.
- Bệnh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39 – 40°C hoặc hơn. Bệnh nhân có thể đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.
- Trong 1 – 2 ngày đầu của bệnh có thể xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng.
- Ở một số trẻ nhỏ, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn – nhiễm độc ăn uống.
Thời kỳ toàn phát:
- Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày thứ 6 – 7 của bệnh: Virus xâm nhập vào nhu mô não gây phá hủy các tế bào thần kinh, triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các dấu hiệu tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.
- Ngày thứ 3 – 4 của bệnh, các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Bệnh nhân từ mê sảng kích thích, rối loạn ý thức, dần dần đi vào hôn mê sâu.
- Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: Vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, mạch thường nhanh, yếu, huyết áp tăng.
- Bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ làm cho bệnh nhân nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.
- Triệu chứng khu trú: Liệt chân, tay; các dây thần kinh sọ não bị tổn thương, đặc biệt là các dây vận nhãn và dây thần kinh mặt (VII).
- Bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu, những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
Xét nghiệm cận lâm sàng:
- Bạch cầu thường tăng 15.000-20.000/mm3, trong đó chủ yếu là bạch cầu trung tính tăng tới 75 – 85%, tốc độ máu lắng tăng.
- Chọc dò và xét nghiệm dịch não tủy: Áp lực dịch não tuỷ tăng, dịch trong, protein tăng nhẹ (60 – 70 mg%), tế bào tăng nhẹ (dưới 100 tế bào/mm3), lúc đầu bạch cầu trung tính chiếm ưu thế, về sau lympho chiếm ưu thế, Glucose trong dịch não tuỷ ít thay đổi hoặc tăng nhẹ.
- Soi đáy mắt trong giai đoạn cấp tính thường thấy xung huyết gai thị, đôi khi thấy cả phù nề và xuất huyết.
Thời kỳ lui bệnh:
- Biểu hiện chủ yếu là các biến chứng và di chứng.
- Thông thường, bước sang tuần thứ 2, bệnh đỡ dần, nhiệt độ giảm và hết sốt nào khoảng ngày thứ 10 nếu không có bội nhiễm. Cùng với nhiệt độ giảm, hội chứng não – màng não, rối loạn thần kinh thực vật cũng mất dần. Trong khi hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và hội chứng não – màng não giảm dần thì các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước. Có thể biểu hiện di chứng tâm thần, dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt tay chân, các dây thần kinh sọ.
Các thể không điển hình
- Thể ẩn: Người ta thấy sau các vụ dịch số người không mắc bệnh mà vẫn có đáp ứng miễn dịch chiếm tỷ lệ rất cao (gấp hàng trăm lần số người mắc bệnh).
- Thể cụt: Chỉ có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc (Sốt cao, xung huyết, nhức đầu), không có triệu chứng của hội chứng não-màng não.
- Thể viêm não: Gặp ở trẻ lớn tuổi và thanh niên,
Như vậy, trong thời gian ủ bệnh viêm não Nhật Bản không có biểu hiện triệu chứng bệnh. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản đặc hiệu, do đó tiêm vắc xin phòng bệnh và diệt muỗi xung quanh môi trường sống là biện pháp phòng ngừa viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước dây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.
Do đó, để phòng ngừa viêm não Nhật Bản có thể tham khảo:
- Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất.
- Tiêm chủng 3 liều: mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi, mũi 2 sau đó 1 – 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15.
- Muỗi là con vật trung gian truyền bệnh nên để phòng bệnh cần diệt muỗi và chống muỗi đốt.
- Người dân phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc diệt muỗi và diệt bọ gậy.
- Cho trẻ mặc quần áo dài và ngủ màn. Một số loại thuốc bôi da có tác dụng chống muỗi đốt hiệu quả và an toàn, trẻ hoàn toàn có thể sử dụng.
- Ở khu vực nông thôn, việc chăn nuôi lợn, nuôi chim tạo điều kiện cho virus có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, đặc điểm của virus này là bị diệt ở nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời hoặc các chất tẩy rửa diệt trùng. Do đó, các hộ gia đình cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà ở để bảo đảm sức khỏe.
Hi vọng với những thông tin chia sẻ trên giúp các bạn có thể hiểu thêm về bệnh viêm não Nhật Bản.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.