Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý tương đối phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Bệnh gây ra những cơn đau khiến người bệnh gặp khó khăn khi cử động, cầm nắm đồ vật. Vậy thoái hóa khớp cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng ra sao chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Thoái hóa khớp cổ tay là tình trạng tổn thương xương khớp xảy ra tại vùng cổ tay, nhất là ở vùng sụn khớp, làm mòn sụn và hư hỏng dần. Khi những sụn khớp tại cổ tay bị bào mòn, thoái hóa, thiếu dưỡng chất, tổn thương đó có thể dẫn tới đau, sưng, nguy cơ nứt, gãy xương, ảnh hưởng đến tầm vận động của khớp.
Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên. Trong đó, nữ giới chiếm tỷ lệ cao, khoảng 2/3 số ca bệnh. Thoái hóa cổ tay là do quá trình lão hóa tự nhiên. Nguyên nhân gây bệnh còn là do quá trình làm việc nặng, các động tác lặp lại nhiều lần, làm việc chính bằng tay.
Triệu chứng
Một số triệu chứng của thoái hóa khớp cổ tay là:
Đau khớp: Đau là triệu chứng chính của thoái hóa khớp cổ tay. Cơn đau có tính chất cơ học, đau khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi, không cử động khớp nhưng đau tăng khi thực hiện các động tác, hoạt động cổ tay, cầm nắm đồ vật. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc kéo dài, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Mức độ đau của bệnh tiến triển như sau:
- Ở giai đoạn đầu, cổ tay sẽ bị đau nhức nhẹ kèm theo tiếng kêu lục cục, lạo xạo khi vận động.
- Ở giai đoạn sau, mức độ đau đớn dữ dội hơn và bắt đầu lan rộng dần ra, ngón tay đau nhức, vận động khó khăn
Sưng và cứng khớp: Đau cứng khớp thường gặp vào buổi sáng hoặc sau thời gian cổ tay ít vận động trong thời gian dài. Biểu hiện này có thể khiến cho người bệnh khó cử động, xoay gập cổ tay hoặc cử động không được linh hoạt và dễ dàng như bình thường.
Hoạt động không linh hoạt: Khi bệnh tiến triển lâu ngày người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các động tác cầm nắm đồ vật hoặc khó có thể tự mình thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân. Lực bám bàn tay cũng yếu đi hoặc mất kiểm soát độ bám của những ngón tay.
Teo cơ, mất khả năng vận động: Đây là biểu hiện nghiêm trọng nhất, thoái hóa khớp cổ tay còn khiến người bệnh bị mất khả năng vận động khớp cổ tay, có biểu hiện teo cơ, biến dạng khớp, làm mất chức năng vận động hoàn toàn.
Nguyên nhân
Chấn thương được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay. Các chấn thương, chẳng hạn như bong gân hay gãy xương, có thể gây thay đổi giải phẫu cấu trúc cổ tay. Chấn thương có thể làm hỏng sụn khớp. Khi các chấn thương nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến sụn tách khỏi
xương.
Bất kỳ chấn thương nào gây ra cử động khớp bất thường sẽ làm tăng áp lực lên sụn khớp. Theo thời gian, những thay đổi trong cơ học khớp sẽ gây ra tổn thương có thể dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay.
Có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay, chẳng hạn như:
- Béo phì: Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể gây viêm toàn bộ các khớp trong cơ thế, đặc biệt là khớp cổ tay. Béo phì cũng làm tăng quá trình mất sụn, từ đó khiến tình trạng thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tiểu đường và tăng lipid máu: Cả hai tính trạng này đều có thể góp phần gây ra phản ứng viêm trong cơ thế, làm tăng nguy cơ viêm xương khớp.
- Di truyền: Di truyền đóng một vai trò trong bệnh thoái hóa khớp. Do đó, người bệnh có tiền sử gia đình viêm khớp hoặc thoái hóa khớp thường có nguy cơ cao hơn.
- Phụ nữ sau mãn kinh: Suy giảm estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Bởi vì estrogen có tác dụng bảo vệ sức khỏe xương, đặc biệt là làm giảm oxy hóa của sụn.
Các nguyên nhân và yếu tố rủi ro dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay là không giống nhau ở mỗi người bệnh. Do đó, nếu thường xuyên đau cổ tay hoặc gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao mắc thoái hóa khớp cổ tay bao gồm:
- Người cao tuổi: Tỷ lệ thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác.
- Những người làm việc liên quan đến cổ tay: Nhân viên văn phòng, thợ thủ công, vận động viên thể thao.
- Người có tiền sử chấn thương cổ tay: Những người đã từng bị chấn thương cổ tay.
- Người có bệnh lý viêm khớp: Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gút.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán thoái hóa khớp cổ tay, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp sau:
- Khám lâm sàng: Đánh giá triệu chứng, kiểm tra sự đau nhức, sưng viêm và khả năng vận động của cổ tay.
- Chụp X-quang: Giúp xác định mức độ tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn.
- Chụp MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết về tình trạng sụn khớp và mô mềm xung quanh khớp.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc các bệnh lý khác liên quan.
Phòng ngừa bệnh
Để hỗ trợ quá trình điều trị cũng như ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp cổ tay trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thế tham khảo một số lưu ý như:
- Chú ý đến công thái học: Người bệnh cần chú ý đến vị trí bàn phím, màn hình, độ cao của bàn – ghế, tư thế khuỷu tay, cổ tay, bàn tay để đảm bảo sự thoải mái tốt đa khi làm việc.
- Thường xuyên nghỉ ngơi: Người bệnh nên dành thời gian giải lao, duỗi vai, cổ, cổ tay và các ngón tay để ngăn ngừa các tổn thương phát sinh.
- Tập thể dục: Thực hiện các bài tập cổ tay 1 – 2 lần mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào có thời gian rảnh, để đảm bảo các khớp chuyển động linh hoạt, an toàn.
- Bảo vệ cổ tay: Sử dụng nẹp hoặc băng bảo vệ cổ tay nếu chơi các môn thể thao va chạm, chẳng hạn như trượt tuyết, bóng rổ hoặc bóng đá.
- Bổ sung canxi: Những người sau 50 tuổi nên có kế hoạch bổ sung canxi để xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương, loãng xương, thoái hóa.
- Thoái hóa khớp cổ tay là tình trạng phổ biến, gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu thường xuyên bị đau cổ tay hoặc gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Để tìm ra hướng điều trị thích hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành chụp X-quang, MRI, điện cơ (EMG)… Điều này nhằm giúp bác sĩ xem xét mức độ nghiêm trọng của bệnh. Quá trình điều trị hướng tới 3 mục đích chính là:
- Làm chậm tiến trình thoái hóa khớp, khống chế biến dạng khớp.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh thông qua những biện pháp giảm đau.
- Duy trì chức năng vận động của khớp, cân bằng khả năng sinh hoạt thông qua việc thay thế những khớp bị tổn thương.
Điều trị tại nhà
Khi tình trạng thoái hóa khớp cổ tay ở mức độ nhẹ, người bệnh nhân có thể áp dụng những phương pháp điều trị tại nhà để dễ dàng kiểm soát triệu chứng bệnh.
- Lên kế hoạch nghỉ ngơi phù hợp: Khi bị đau nhức vùng cổ tay, người bệnh nên để cổ tay nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh vùng này vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.
- Chườm lạnh: Phương pháp điều trị này giúp giảm đau nhức, sưng viêm và kiểm soát tình trạng tổn thương ở các mô. Người bệnh dùng một túi nước đá đặt trong túi nhựa rồi chườm lên vùng cổ tay khoảng 15 – 20 phút.
- Áp dụng những bài tập kéo giãn cơ: Những động tác kéo giãn cơ đơn giản, nhẹ nhàng sẽ giúp giảm bớt cơn đau hiệu quả. Các bài tập tác động đến vùng cổ tay như uốn ngón tay, nắm tay, căng cổ tay…
- Áp dụng các bài thuốc Đông y: Người bệnh có thể dùng cây cỏ xước, lá lốt, gừng, ngải cứu… để làm nguyên liệu chế biến những bài thuốc phù hợp, giúp kiểm soát triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi áp dụng những bài thuốc Đông y.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh kiểm soát nhanh chóng các cơn đau nhức ở vùng cổ tay. Khi thực hiện bài tập, bạn cần phải có sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. Vì khi thực hiện sai cách, tình trạng bệnh có khả năng chuyển biến nặng hơn, gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị. Các bài tập vật lý trị liệu dành cho người bệnh thoái hóa khớp cổ tay phổ biến như:
- Kích thích dòng điện qua da
- Liệu pháp siêu âm
- Massage giảm đau
- Liệu pháp nhiệt
Tập vật lý trị liệu tuy mất nhiều thời gian nhưng sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh. Người bệnh sẽ lấy lại sự linh hoạt tại khớp khuỷu tay và cổ tay, dễ dàng kiểm soát tốt những triệu chứng bệnh.
Sử dụng thuốc Tây
Các loại thuốc được dùng điều trị bệnh như thuốc uống, thuốc tiêm bắp, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau… Với phương pháp điều trị này, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp bạn tránh các biến chứng như teo cơ, cao huyết áp, đái tháo đường, loãng xương… Một số loại thuốc phổ biến chữa trị bệnh thoái hóa khớp cổ tay, khuỷu tay như:
- Thuốc giảm đau thông thường: Acetaminophen, paracetamol, tramadol,…
- Thuốc chống viêm không steroid NSAID: Naproxen, Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen…
- Tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống: Corticosteroid.
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Opioids.
- Thuốc giãn cơ.
Tuy có tác dụng giảm đau rất nhanh, điều trị bệnh với thuốc không phải là giải pháp tối ưu để loại bỏ tận gốc các triệu chứng bệnh. Người bệnh không nên lạm dụng thuốc để giảm đau. Vì khi sử dụng trong thời gian dài, người bệnh có nguy cơ đối mặt với một số tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm của thuốc, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Phẫu thuật
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc có nguy cơ biến chứng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành phẫu thuật. Tùy theo trường hợp bệnh cụ thể, phương pháp phẫu thuật sẽ có sự khác biệt:
- Phẫu thuật dự phòng: Mục đích của phương pháp điều trị này là cân bằng tình trạng khớp cổ tay, duy trì hoạt động cho khớp.
- Phẫu thuật bảo tồn: Phương pháp điều trị này được áp dụng để can thiệp vào vị trí các khớp chưa bị tổn thương nghiêm trọng, nhằm khôi phục một số chức năng cơ học của khớp, cải thiện khả năng vận động khớp.
- Phẫu thuật thay thế: Phương pháp điều trị này được áp dụng khi tất cả các biện pháp điều trị trên không phát huy hiệu quả hay các khớp bị tổn thương nghiêm trọng bắt buộc phải có sự can thiệp chuyên khoa.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về thoái hóa khớp cổ tay.