Thoái hóa cột sống là bệnh lý xương khớp mạn tính xảy ra ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống ở người trẻ có xu hướng gia tăng và để lại nhiều biến chứng khó lường. Vì thế, cần phát hiện và điều trị đúng cách để ngăn ngừa những nguy hại cho sức khỏe.
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ hay thoái hóa cột sống cổ (tên tiếng Anh – Cervical Degenerative Disease) là tình trạng sức khỏe phát triển từ sự hao mòn của sụn và xương ảnh hưởng đến các khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ. Ngoài ra, bệnh còn có tên gọi khác là viêm xương khớp cổ hoặc viêm khớp cổ. Bệnh có khả năng biến chứng thành mạn tính gây nên tình trạng cứng khớp, làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh.
Một số người mắc bệnh này không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ngược lại, một số khác sẽ bị đau mạn tính nghiêm trọng và có biểu hiện cứng khớp. Bên cạnh đó khá nhiều người tuy có bệnh, nhưng vẫn duy trì các hoạt động hàng ngày một cách bình thường.
Triệu chứng
Hầu hết các trường hợp thoái hóa cột sống cổ thường không có biểu hiện gì đặc biệt trong một thời gian dài ban đầu.
- Khi các triệu chứng xuất hiện, các biểu hiện thường thấy nhất đó là người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ.
- Hầu hết các bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ luôn có cảm giác đau buốt khó chịu, xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, mọi cử động đều gây nên đau đớn.
- Thực hiện các động tác ở cổ bị vướng và đau thậm chí có thể thỉnh thoảng bị vẹo cổ.
- Đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ, gây ra “tư thế vẹo cổ”, tư thế sái cổ. Đau thường lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên.
- Một số những trường hợp, mất cảm giác sâu của tay, đôi khi cánh tay và bàn tay có thể bị tê liệt.
- Có trường hợp bệnh nhân khi gặp thời tiết lạnh (trở trời) kết hợp với một tư thế nằm không thuận lợi ban đêm có thể gây cứng cổ sáng hôm sau. Khi bị cứng cổ không tự đi được kèm theo rất sợ những cơn ho, hắt hơi. Có người đau ê ẩm vùng gáy hoặc cả mảng đầu sau, rồi lan sang mảng đầu bên phải. Một số khác đau liên tục, không quay đầu sang trái hay sang phải được mà phải xoay cả người.
- Dấu hiệu Lhermitte: là triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng hay còn gọi là hiện tượng ghế thợ cắt tóc. Đó là cảm giác khó chịu đột ngột như có luồng điện đi từ cổ xuống xương sống, thậm chí cả tay, chân, ngón tay và ngón chân. Biểu hiện này mạnh hơn khi bạn cúi cổ về trước, nó có thể kết thúc nhanh hoặc kéo dài.
Nguyên nhân
- Hoạt động sai tư thế là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra thoái hóa đốt sống cổ. Làm việc kéo dài ở một tư thế, ít vận động là những nguyên nhân chính gây là bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Những công việc phải cúi, ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu hay ngồi trước màn hình vi tính quá lâu cũng là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống.
- Đặc biệt những công việc phải sử dụng máy tính nhiều, ít vận động là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ, vôi hóa cột sống, gai cột sống. Nhất là khi làm việc, vị trí đặt tay trên bàn làm việc hay đối với máy tính quá cao hoặc quá thấp. Vùng cổ và vùng gáy khi đó không được thường xuyên cử động, hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế. Thường xuyên nhìn lên rồi lại nhìn xuống. Vị trí ngồi quá thấp so với bàn làm việc.
Ngoài ra, nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ còn có thể là:
- Do chế độ dinh dưỡng: Ăn uống thiếu chất, sụt giảm hàm lượng canxi, vitamin, magie…
- Thói quen sinh hoạt: Cúi hoặc ngửa cổ quá nhiều, mang vác vật nặng trên vai hoặc cổ khi làm việc, kê gối quá cao khi ngủ, lạm dụng bia rượu, thuốc lá. Trong khi ngủ chỉ nằm 1 – 2 tư thế, không có thói quen chuyển mình. Lựa chọn gối kê không phù hợp (gối quá cao và gối quá mềm).
Những nguyên nhân trên sẽ gây ra sự thay đổi trong cột sống làm xương và sụn tạo nên cột sống cổ dần dần thoái hóa. Những thay đổi này có thể bao gồm:
- Mất nước đĩa đệm: Đĩa đệm có tác dụng như miếng lót giữa các đốt sống của cột sống. Ở tuổi 40, hầu hết các đĩa đệm cột sống sẽ bắt đầu khô và co lại, điều này làm cho các đốt sống tiếp xúc với nhau nhiều và khó khăn hơn.
- Thoát vị đĩa đệm: Các vết nứt thường xuất hiện, dẫn đến đĩa đệm (thoát vị) – đôi khi có thể ấn vào tủy sống và rễ thần kinh.
- Gai xương: Thoái hóa đĩa đệm thường dẫn đến việc cột sống tăng sinh xương để củng cố. Những gai xương này đôi khi có thể chèn ép tủy sống và rễ thần kinh.
- Xơ hóa dây chằng: Dây chằng là các dây nối xương với xương. Dây chằng cột sống có thể bị xơ hóa theo tuổi tác, làm cho cổ kém linh hoạt.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ liên quan đến sự suy thoái các đốt sống vùng cổ, thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng những năm gần đây đang có xu hướng trẻ hóa. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Người trung niên, cao tuổi do quá trình thoái hóa sinh học tự nhiên xảy ra ở hệ thống xương khớp nói chung và cột sống cổ nói riêng.
- Người làm công việc văn phòng trong nhiều năm, thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài.
- Người thường xuyên mang vác vật nặng, thực hiện các tư thế cúi đầu, ngẩng cao đầu trong thời gian dài.
- Người có thói quen nằm ngủ gối cao đầu, co quắp hoặc tư thế đọc sách, học tập, xem điện thoại sai cách.
- Người bị chấn thương vùng cổ do tai nạn, thể thao hoặc hoạt động thường ngày khi xoay cổ đột ngột hoặc quá mức.
- Người trong gia đình đã từng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, căn bệnh này được cho là có liên quan đến di truyền.
- Người thường xuyên sử dụng các chất kích thích, nhất là thuốc lá.
Những đối tượng nguy cơ cao này cần chú ý hơn trong phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thay đổi tư thế học và làm việc tốt cho cột sống và tập luyện thể thao phù hợp.
Chẩn đoán
Sau khi khám lâm sàng ban đầu với bác sĩ nhằm kiểm tra vận động của vùng cổ, phản xạ và sức cơ ở hai tay, bệnh nhân có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác.
Chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X-quang để xác định mức độ thoái hóa, gai xương, cầu xương, loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp và nghiêm trọng như gãy xương, khối u, nhiễm trùng
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) cung cấp hình ảnh chi tiết, bao gồm các tổn thương về xương ở mức độ rất nhỏ
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định mức độ và vị trí ống sống và các rễ thần kinh bị chèn ép.
Xét nghiệm chức năng thần kinh:
Bên cạnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân có thể thực hiện thêm các xét nghiệm chức năng thần kinh gồm:
- Điện cơ đo hoạt động điện trong dây thần kinh khi cơ bắp tay đang co hoặc nghỉ
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh đo cường độ và tốc độ của tín hiệu thần kinh
Phòng ngừa bệnh
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ là do tư thế sai trong làm việc và sinh hoạt nên có những cách phòng bệnh đơn giản như:
- Xoa bóp, thư giãn vùng cổ thường xuyên
- Nghỉ ngơi hợp lý, không nên gắng sức làm việc gây nhức mỏi cổ
- Thường xuyên thay đổi tư thế, đi lại, vận động nhẹ trong lúc làm việc, tránh ngồi quá lâu một chỗ
- Thay đổi tư thế khi ngủ, không nằm một tư thế quá lâu, không nằm sấp, không gối đầu quá cao
- Sử dụng bàn ghế có chiều cao phù hợp giúp cơ cổ không bị căng mỏi, không phải cúi, ngửa đầu nhiều
- Không vặn cổ, ấn cổ để tránh trường hợp xấu như gãy, trật khớp mỏm đốt sống gây liệt tứ chi, thậm chí tử vong
Điều trị như thế nào?
Việc xây dựng phác đồ điều trị thoái hóa cột sống cổ được dưa trên cơ sở các giai đoạn và ảnh hưởng của bệnh lý, hướng đến mục tiêu phục hồi tổn thương và bảo tồn, tái tạo xương khớp tốt nhất có thể.
Một phác đồ điều trị có thể phối hợp giữa các phương pháp sau:
Điều trị bằng thuốc:
Đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị không can thiệp bằng cách kê một số loại thuốc nhất định giúp làm giảm những triệu chứng khó chịu của bệnh nhân như: thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau; tiêm steroid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… và yêu cầu bạn nghỉ ngơi hay tập luyện theo bài tập được thiết kế riêng trong một khoảng thời gian nhất định.
Phẫu thuật:
Nếu tình trạng vẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cử động cánh tay, không đáp ứng với các hình thức điều trị bảo tồn,… bạn sẽ được chỉ định phẫu thuật. Cách làm này giúp loại bỏ các gai xương, đĩa đệm thoát vị để giải phóng áp lực cho tủy sống và các dây thần kinh.
Vật lý trị liệu:
Những năm gần đây, phương pháp này ngày càng chứng minh được vai trò hỗ trợ cho người có vấn đề về cơ, xương, khớp, dây chằng… trong việc giảm đau mà không cần dùng thuốc, cải thiện khả năng vận động hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tàn tật, hỗ sự cân bằng và tránh té ngã…
Thoái hóa cột sống cổ cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hy vọng bài viết mang lại nhiều thông tin hữu ích về thoái hóa cột sống cổ cho bạn đọc.