Tình trạng thiếu máu thai kỳ xuất phát từ việc cơ thể của phụ nữ mang thai có quá ít tế bào hồng cầu, không đủ để vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể dự phòng tình trạng này bằng cách duy trì một chế độ ăn đa dạng, cân đối và bổ sung thêm các viên uống đa vi chất.
Thiếu máu là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai
Khi bị thiếu máu nhẹ, mẹ bầu thường chỉ cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, mẹ bầu có thể trải qua các triệu chứng như mệt mỏi liên tục, chóng mặt, cáu kỉnh, khó tập trung, và nhịp tim nhanh.
Thiếu máu thai kỳ là gì?
Phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc thiếu máu khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu thấp hơn 11g/dl. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thiếu máu thai kỳ là thiếu sắt, do cơ thể không có đủ sắt để tạo hemoglobin – một protein quan trọng trong tế bào hồng cầu. Tế bào hồng cầu đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy từ tim đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Tủy xương là nơi chịu trách nhiệm sản xuất hồng cầu. Để tủy xương có thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố đáp ứng nhu cầu của cơ thể, cơ thể cần được cung cấp đủ sắt, vitamin B12, axit folic. Đây là các vi chất quan trọng giúp tổng hợp hồng cầu.
Nguyên nhân chính gây ra thiếu sắt ở phụ nữ mang thai thường liên quan đến chế độ ăn thiếu sắt. Nhu cầu sắt trong thai kỳ tăng lên để cung cấp cho thai nhi, và do đó, tình trạng thiếu sắt thường xảy ra. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn nếu họ bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng trước khi mang thai.
Thiếu máu khi mang thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi, gây ra các vấn đề như sảy thai, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, thai nhi nhẹ cân, sinh thiếu tháng và suy dinh dưỡng. Do đó, việc duy trì nồng độ hemoglobin trong giới hạn bình thường khi mang thai rất quan trọng.
Dấu hiệu mẹ bầu bị thiếu máu thai kỳ
Các triệu chứng của thiếu máu khi mang thai có thể nhẹ nên thường bị bỏ qua ban đầu và dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác của thai kỳ. Một số dấu hiệu mẹ bầu bị thiếu máu khi mang thai bao gồm chóng mặt, tức ngực, khó thở, tay chân lạnh, khó tập trung, da, môi và móng tay nhợt nhạt, ốm yếu, mệt mỏi thường xuyên, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Dù có dấu hiệu hay không, khi đi khám thai, bác sĩ thường đề xuất xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ thiếu máu. Do đó, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, hãy thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.
Biện pháp phòng ngừa thiếu máu thai kỳ
Để ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai, bạn nên duy trì một chế độ ăn đa dạng, cân đối, và bổ sung thêm viên uống đa vi chất. Các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ tươi, thịt gà, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, hạt, đậu nành nên có mặt trong chế độ ăn hàng ngày. Để cải thiện sự hấp thu sắt từ thực phẩm, bạn nên kết hợp chúng với thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi, mận, thanh long, táo.
Hạn chế tiêu thụ các chất ức chế hấp thu sắt như tanin, axit phytic, caffeine có trong ngũ cốc thô, trà, và cà phê. Tránh uống viên uống bổ sung sắt cùng lúc với trà, cà phê, hoặc sữa. Nếu bạn buộc phải dùng chúng, nên uống cách nhau ít nhất 2 giờ. Sử dụng viên uống bổ sung sắt, axit folic và vitamin B12 theo chỉ định của bác sĩ, và uống chúng đúng liều.
Ngoài ra, hãy lưu ý rằng việc sử dụng viên uống bổ sung sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón và buồn nôn, nhưng thường sẽ giảm đi sau vài tuần. Để giảm bớt tác dụng phụ này, bạn nên uống viên uống vào cùng một giờ hàng ngày, ăn thêm nhiều rau xanh và uống nhiều nước nhé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú
- “Ăn cho hai người” – Sai lầm trong bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu
- Mang thai 3 tháng đầu nên ăn gì? Những lưu ý về dinh dưỡng cho mẹ bầu đầu thai kỳ