Tình trạng thiếu máu cục bộ ở tim thường gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim, gây ra các triệu chứng đau và thiếu máu toàn thân. Bệnh thiếu máu cục bộ hay bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu về căn bệnh này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa, nhận diện và điều trị bệnh.
Tổng quan chung
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim, làm cho tim không nhận đủ oxy và dưỡng chất. Bệnh thường xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, làm giảm khả năng bơm máu của cơ tim. Tình trạng này có thể dẫn đến đau tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim.
Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim tồn tại ở hai dạng:
- Thiếu máu cục bộ cấp tính: Khi một trong những động mạch của tim bị tắc nghẽn đột ngột, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.
- Thiếu máu cục bộ mạn tính: Là tình trạng động mạch vành ổn định hay cơn đau thắt ngực ổn định. Các mảng xơ vữa động mạch vành ổn định nhưng có thể bị nứt, gây hẹp hoặc tắc lòng mạch đột ngột.
Triệu Chứng
Triệu chứng rõ ràng và điển hình nhất của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim là đau thắt ngực, với hai thể bệnh:
- Đau thắt ngực ổn định: Xuất hiện khi tim cần hoạt động nhiều hơn (gắng sức). Cơn đau diễn ra trong thời gian ngắn và giảm dần khi nghỉ ngơi. Tình trạng này có thể gây suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Đau thắt ngực không ổn định: Xuất hiện bất chợt, mức độ đau đớn nặng hơn và không thể cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. Đây là dấu hiệu sớm dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim.
Ngoài đau thắt ngực, người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như khó thở, ho, đánh trống ngực, hồi hộp, ngất xỉu, phù chân, chóng mặt.
Nguyên nhân của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu lưu thông qua một hoặc nhiều động mạch vành bị suy giảm, gây cản trở quá trình tiếp nhận oxy của cơ tim.
Nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm:
Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu qua động mạch vành bị suy giảm. Các nguyên nhân chính bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: Nguyên nhân hàng đầu, gây hẹp các động mạch nuôi tim.
- Cục máu đông: Mảng xơ vữa động mạch bị vỡ, hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch.
- Co thắt động mạch vành: Co thắt tạm thời của cơ trong thành động mạch làm giảm hoặc ngăn cản lưu lượng máu đến cơ tim.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Nhóm yếu tố không thể thay đổi được
- Tuổi tác của bệnh nhân: Tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch. Càng lớn tuổi, hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể của cơ tim càng kém hiệu quả. Nguyên nhân là do hệ thống cơ thành tim bị dày lên do hoạt động nhiều, đi kèm với đó sự vôi hóa của các động mạch khiến cho việc đưa máu về tim gặp nhiều khó khăn.
- Giới tính: Theo các báo cáo thống kê, nam giới có tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch, mạch vành cao hơn hẳn so với nữ giới. Tuy nhiên, khi nữ giới bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thì tỷ lệ mắc ở nữ giới lại cao hơn, và trên 65 tuổi tỷ lệ mắc bệnh ở hai nhóm là tương đương nhau.
- Yếu tố gia đình: Nếu trong gia đình có người thân bậc một (cha, mẹ, anh, chị) gặp các bệnh lý về tim mạch trước tuổi 55 thì sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
- Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc lá, thuốc nào là yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý, trong đó có các các bệnh lý về tim mạch, động mạch vành, đột quỵ. Những người vô tình hít phải khói thuốc lá, thuốc lào (hút thuốc thụ động) cũng có nguy cơ cao mắc phải những tình trạng được liệt kê ở trên. Do đó, ngừng sử dụng thuốc lá, thuốc lào sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
- Lối sống: Có lối sống thiếu khoa học, lười vận động, tâm lý thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, cũng là yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
- Việc sử dụng các chất kích thích, rượu bia cũng là nguyên nhân chính gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Người bệnh có tiền sử bị các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp nhưng không điều trị hoặc không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh không được kiểm soát.
- Chế độ ăn uống hàng ngày quá nhiều chất béo no, Cholesterol có thể làm gia tăng nguy cơ bị các mảng xơ vữa trong lòng mạch, lâu ngày có thể tạo thành các biến cố động mạch vành.
Chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:
- Lịch sử bệnh: Hỏi về triệu chứng và lịch sử y tế.
- Khám cơ bản: Khám ngực và nghe tim.
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mức đường huyết, lipid và các chỉ số khác.
- Kiểm tra chức năng tim khi vận động mạnh: Đánh giá chức năng tim trong khi tập thể dục.
- Chẩn đoán hình ảnh: Thallium scan, MRI.
Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Thay đổi và điều chỉnh lối sống là một trong những việc quan trọng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.
Để có trái tim khỏe mạnh, bạn cần:
- Ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa, ưu tiên các loại thức ăn thực vật.
- Tập thể dục đều đặn.
- Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc lá.
- Quản lý cân nặng ở mức hợp lý, tránh dư cân, béo phì.
- Kiểm soát tốt các bệnh khác như tiểu đường, cholesterol cao hoặc bệnh huyết áp.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tim hoặc những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Thiếu máu cục bộ cơ tim là một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và suy tim. Việc nhận biết sớm các triệu chứng, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ giúp chúng ta có thể chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến thiếu máu cục bộ cơ tim, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và có một trái tim khỏe mạnh hơn.
Điều trị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Mục tiêu chủ yếu của quá trình điều trị:
- Giảm thiểu các triệu chứng bệnh, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
- Tăng khả năng tưới máu đi nuôi dưỡng, giảm tình trạng thiếu máu cơ tim.
- Ngăn ngừa hội chứng mạch vành cấp và giảm nguy cơ tử vong do bệnh.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân và kết quả của quá trình chẩn đoán. Trong đó, phương pháp điều trị nội khoa vẫn là lựa chọn chủ yếu cho hầu hết các trường hợp bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc cơn đau thắt ngực ổn định.
- Điều trị nội khoa: Sử dụng các loại thuốc như chống kết tiểu cầu, điều trị rối loạn lipid máu, ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi, dẫn xuất nitrates.
- Điều trị can thiệp: Nong mạch vành và đặt stent, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.