Huyết áp là áp lực máu đặt lên thành động mạch. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực lên thành động mạch cao hơn mức bình thường. Theo thời gian, áp lực tăng thêm có thể gây tổn thương thành động mạch, có thể dẫn đến sự tích tụ mảng xơ vữa, cuối cùng có thể làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dòng chảy của máu, có thể dẫn đến bệnh tim hoặc đột quỵ. Khi một người bị cao huyết áp sử dụng một vài loại thuốc kết hợp với thay đổi lối sống mà vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu thì được các bác sĩ phân loại là tăng huyết áp kháng trị. Bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tăng huyết áp kháng trị.
Tăng huyết áp kháng trị là gì?
Tăng huyết áp kháng trị được định nghĩa là tình trạng huyết áp tăng không kiểm soát được mặc dù bệnh nhân đã sử dụng ≥ 3 nhóm thuốc hạ huyết áp ở liều tối đa hoặc liều tối đa dung nạp được. Các loại thuốc được dùng thường bao gồm:
- Thuốc ức chế kênh canxi tác dụng dài
- Thuốc ức chế hệ RAA (ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể)
- Thuốc lợi tiểu
Và đã loại trừ một số nguyên nhân gây kháng trị giả như:
- Đo huyết áp sai kỹ thuật làm tăng chỉ số huyết áp.
- Tăng huyết áp kháng trị áo choàng trắng – là huyết áp tăng tại các cơ sở y tế nhưng kiểm soát tốt khi ở ngoài cơ sở y tế.
- Điều trị dưới mức, do sai sót lâm sáng dẫn đến đưa ra mục tiêu huyết áp không phù hợp và phải điều trị nhiều thuốc để đạt mục tiêu.
- Do không tuân thủ điều trị.
Huyết áp mục tiêu:
- Đối với tăng huyết áp thông thường: < 140/90 mmHg.
- Đối với tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường, bệnh thận mạn với mức lọc cầu thận < 60 ml/phút/1,73 m2 hoặc tỷ lệ Albumin niệu/ Creatinin niệu ≥ 30mg/mmol: cần đạt < 130/80 mmHg.
- Đối với tăng huyết áp có bệnh động mạch vành ổn định, phì đại thất trái: nên đạt < 130/80 mmHg.
- Đối với một số bệnh nhân cao tuổi có huyết áp tâm trương thấp (< 60 mmHg) thì nên đặt mục tiêu của huyết áp tâm thu cao hơn: từ 140 – 150 mmHg để tránh tình trạng tụt huyết áp tư thế và các triệu chứng của giảm tưới máu não mạn tính.
Nếu sử dụng Holter huyết áp hoặc tự đo huyết áp ở nhà thì trị số huyết áp mục tiêu nhỏ hơn từ 5-10 mmHg so với trị số huyết áp mục tiêu có được từ đo huyết áp tại phòng khám.
Nguyên nhân và yếu tố gây ra tăng huyết áp kháng trị
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị không rõ ràng. Một số trường hợp xảy ra do tăng huyết áp thứ phát, là một dạng tăng huyết áp tiến triển từ một bệnh lý khác.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nguyên nhân phổ biến là do chứng tăng aldosteron nguyên phát, là một nhóm các rối loạn sản xuất quá nhiều aldosterone. Aldosterone là một hormone ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể. Nó gửi tín hiệu đến các cơ quan làm tăng lượng natri đến dòng máu, như đến thận.
Các nguyên nhân phổ biến khác có thể gồm:
- Vấn đề về giấc ngủ, như chứng ngưng thở khi ngủ.
- Sự tích tụ mảng xơ vữa trong các mạch máu nuôi thận, có thể dẫn đến hẹp động mạch thận.
- Uống nhiều rượu bia.
- Sử dụng chất kích thích.
- Béo phì.
- Bất thường trong các hormone điều chỉnh huyết áp, như suy giáp và cường giáp.
Nếu không có một nguyên nhân thứ phát thì nguyên nhân có khả năng là do nhiều yếu tố khác nhau.
Khoảng 10% người tăng huyết áp bị mắc dạng kháng trị. Tăng huyết áp kháng trị có các yếu tố nguy cơ giống bệnh tăng huyết áp, như:
- Béo phì
- Đái tháo đường
- Ít vận động hoặc tập thể dục
- Hút thuốc lá
Điều trị tăng huyết áp kháng trị
Điều trị tăng huyết áp kháng trị cần loại bỏ các nguyên nhân gây tăng huyết áp nếu có. Tức là nếu bác sĩ phát hiện một tình trạng bệnh lý khác gây tăng huyết áp, họ sẽ điều trị tình trạng đó bên cạnh việc cố gắng hạ huyết áp.
Biện pháp dùng thuốc:
Thuốc được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp dạng này cần có sự kết hợp nhiều loại và liều hợp lý, tối ưu cho từng bệnh nhân.
- Có thể thảo luận với bác sĩ về việc ngừng hoặc giảm liều các loại thuốc có tác dụng làm tăng huyết áp.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu Thiazid có tác dụng kéo dài với liều phù hợp.
- Trong trường hợp suy thận thì không nên dùng Thiazid mà thay bằng lợi tiểu quai. Lúc này cần theo dõi Natri và Kali máu để điều chỉnh.
Biện pháp không dùng thuốc bằng cách thay đổi lối sống như:
- Bỏ hút thuốc lá
- Giảm uống rượu bia
- Giảm ăn mặn
- Ăn uống lành mạnh
- Hoạt động thể chất
- Kiểm soát căng thẳng
- Nếu có chứng ngưng thở nhẹ khi, hãy nghiêng khi nằm. Đối với trường hợp nặng, cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.