Tổng quan chung
Tăng động (tên tiếng anh Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em.
Tăng động khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thu nhận, duy trì hoặc áp dụng các kỹ năng, thông tin cụ thể. Rối loạn phát triển thần kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng sau đây: chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội.
Các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp khác bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập (ví dụ như chứng khó đọc) và chậm phát triển trí tuệ.
Triệu chứng
Hoạt động thái quá:
- Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy, leo trèo.
- Trẻ không có ý thức tổ chức sắp xếp. Mọi vật xung quanh trẻ đều ngổn ngang, không theo một thứ tự nào cả.
- Trẻ thường rất khó khăn khi đi vào giấc ngủ vì không ngừng cử động tay chân.
Tập trung kém:
- Trẻ tăng động gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sự chú ý trong vui chơi, học tập, sinh hoạt hàng ngày.
- Ít khi lắng nghe người khác nói.
- Dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh.
- Thường hay quên và để thất lạc đồ đạc.
Phối hợp, kiểm soát động tác kém:
- Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì.
- Phối hợp động tác kém.
- Chơi mạnh tay, bạo lực, thường hay gây ra các tai nạn cho chính bản thân cũng như cho người khác.
- Trẻ rất thích gây ồn ào và thường hay làm phiền người khác.
Ngoài ra, còn xuất hiện những rối loạn kèm theo như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, trầm cảm,…
Nguyên nhân
Nguyên nhân trẻ tăng động vẫn chưa có nguyên nhân chính. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bệnh tăng động ở trẻ có thể do ảnh hưởng của những vấn đề sau:
- Rối loạn chức năng sinh học, từ đó làm ảnh hưởng đến các chất có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu đến não bộ. Một khi những chất này bị mất cân bằng sẽ làm ảnh hưởng đến hành vi người bệnh dẫn đến chứng tăng động.
- Thùy trán và vỏ não trán trước bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng cũng làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và tập trung ở trẻ.
- Tổn thương cơ học ở vùng đầu là nguyên nhân khởi phát bệnh tăng động.
- Một số trường hợp là do bị ảnh hưởng tâm lý từ gia đình nên dẫn đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Tăng động là một rối loạn phát triển có tính chất gia đình. Nhiều trường hợp trẻ thừa hưởng gen từ cha mẹ.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ADHD bao gồm:
- Di truyền: Cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ADHD hoặc một rối loạn sức khỏe tâm thần khác
- Tiếp xúc với môi trường độc hại: Tiếp xúc với chì, được tìm thấy chủ yếu trong sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ
- Mẹ có tiền sử sử dụng ma túy, rượu hoặc hút thuốc trong thai kỳ
- Sinh non
Chẩn đoán tăng động
Trẻ chỉ nên được chẩn đoán mắc bệnh tăng động khi các triệu chứng biểu hiện trước 12 tuổi và liên tục gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình, trường học.
Không có xét nghiệm nào dùng trong chẩn đoán ADHD. Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ chẩn đoán bệnh bằng các biện pháp sau:
- Thăm khám lâm sàng nhằm loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác.
- Thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình.
- Đặt câu hỏi cho các thành viên trong gia đình, giáo viên hoặc người biết rõ về trẻ nhằm củng cố cho việc chẩn đoán.
- Dựa trên những tiêu chí đánh giá ADHD từ Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản.
- Thang đánh giá ADHD giúp thu thập và kiểm tra các thông tin về trẻ.
Các triệu chứng của ADHD có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng việc chẩn đoán rất khó khăn. Bởi một số vấn đề về chậm phát triển ngôn ngữ có thể nhầm lẫn với ADHD. Vì vậy, trẻ nhỏ bị nghi ngờ mắc ADHD cần được đánh giá bởi chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.
Phòng ngừa bệnh
Để giúp giảm nguy cơ mắc ADHD cho trẻ:
- Khi mang thai, tránh tất cả các yếu tố có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Ví dụ: không uống rượu, sử dụng chất gây nghiện hoặc hút thuốc lá.
- Bảo vệ con bạn khỏi tiếp xúc với các chất ô nhiễm và độc tố, bao gồm khói thuốc lá và sơn chì.
- Giới hạn thời gian tiếp xúc với màn hình: Mặc dù vẫn chưa được chứng minh, nhưng trẻ em có thể thận trọng để tránh tiếp xúc quá nhiều với TV và trò chơi video trong 5 năm đầu đời.
Điều trị như thế nào?
Tuy tăng động là bệnh không thể điều trị dứt điểm, nhưng những triệu chứng của tăng động có thể được quản lý, kiểm soát tốt nhờ vào sự quan tâm, kiên nhẫn của các bậc cha mẹ, cách quản lý hành vi của trẻ và cho trẻ sử dụng thuốc nếu cần thiết.
Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp hàng đầu để đối phó với bệnh tăng động với hiệu quả khoảng 80%. Thuốc an thần là một trong những loại thuốc phổ biến dùng để điều trị chứng bệnh này. Thuốc có tác dụng làm dịu tinh thần, giúp cải thiện sự mất cân bằng hóa học trong não, giảm các triệu chứng lo âu và bồn chồn ở trẻ em.
Thay đổi hành vi
Cha mẹ sử dụng cả lời nói và hành động, cử chỉ tác động tới trẻ nhằm cải biến những hành vi của trẻ theo hướng tích cực. Chẳng hạn, cha mẹ có thể lập thời gian biểu cho trẻ để trẻ tập dần thói quen làm việc theo kế hoạch. Thiết lập thời gian biểu cho từng công việc hàng ngày từ lúc trẻ thức giấc đến lúc đi ngủ và yêu cầu con nghiêm túc thực hiện. Điều này giúp con cải thiện khả năng tập trung, tổ chức, sắp xếp công việc.
Tuy nhiên, cha mẹ cần kiên nhẫn, điều chỉnh từng hành vi một, nếu đặt quá nhiều mục tiêu cùng một lúc thì rất dễ gây tâm lý ức chế cho trẻ.
Nếu trẻ thực hiện không đúng, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở, không nên la mắng hay đánh trẻ. Cha mẹ cần kiên nhẫn theo dõi sự tiến bộ của trẻ qua từng ngày.
Cha mẹ dành nhiều thời gian để trò chuyện và chơi cùng trẻ nhiều hơn nhằm gắn kết tình cảm gia đình. Cho con nên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hay các môn nghệ thuật, thể thao mang tính đồng đội để có cơ hội tiếp xúc nhiều người, cải thiện tính kỷ luật, kiên nhẫn, kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.
Tâm lý trị liệu
Cách này giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi… Trẻ không nên chơi những trò chơi kích thích như chơi game ngoài tầm kiểm soát. Các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi… không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, mà còn góp phần giải phóng bớt năng lượng dư thừa, giảm bớt biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm.
Theo nghiên cứu, các bài tập thể dục đối với trẻ tăng động có khả năng hỗ trợ:
- Lưu thông máu: Trẻ bị tăng động có lưu lượng máu ít hơn ở những vùng não chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, lập kế hoạch, bày tỏ cảm xúc, hành vi. Vì vậy, tập thể dục là một cách làm tăng lưu lượng máu đến não giúp trẻ tư duy tốt hơn.
- Mạch máu: Tập thể dục giúp cải thiện mạch máu và cấu trúc não. Điều này cũng cải thiện khả năng tư duy của trẻ.
- Hoạt động của não: Tập thể dục làm tăng hoạt động của các bộ phận của não bộ liên quan đến hành vi và sự chú ý của trẻ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Bữa ăn hàng ngày của bé cần chọn:
- Thực phẩm lành mạnh, tăng cường rau xanh
- Hạn chế thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, bột ngọt như bánh kẹo, pizza, xúc xích, lạp xưởng, nước ngọt…
- Có thể bổ sung omega 3 cho con với cá hồi, cá ngừ, cá thu, quả óc chó, hạt điều, dầu ô liu…
- Bổ sung kẽm, sắt, magie thông qua thịt bò, thịt gà, tôm, cua, các loại hải sản, đậu hà lan, rau chân vịt, quả bơ…
Tóm lại, trẻ bị tăng động tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với sự hỗ trợ của thuốc cũng như liệu pháp hành vi hợp lý, các triệu chứng của trẻ sẽ được quản lý một cách tốt nhất, từ đó lấy lại những chức năng hoạt động hằng ngày của trẻ. Ba mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp và hiệu quả.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.