Tắm cho trẻ sơ sinh là một trong những thử thách thú vị cho những người lần đầu làm bố, mẹ. Quá trình tắm cho trẻ sơ sinh là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra sự gắn kết giữa bạn và em bé. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ trẻ lại cảm thấy áp lực vì sợ tắm sai cách sẽ khiến con đau, khó chịu,… Cùng tìm hiểu về cách tắm cho trẻ sơ sinh an toàn ở bài viết dưới đây
Tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách mang lại những lợi ích gì?
Việc tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách mang lại rất nhiều lợi ích cho bé, không chỉ giúp bé loại bỏ được những bụi bẩn trên cơ thể mà còn kích thích sự lưu thông máu, giúp cho các cơ quan trong hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và hệ thống tuần hoàn hoạt động và phát triển tốt hơn. Ngoài ra, nó còn mang đến một số lợi ích khác cho cả mẹ và bé như:
Giúp bé ngủ ngon hơn
Lợi ích đầu tiên của việc tắm cho trẻ sơ sinh mà mẹ có thể dễ nhận thấy nhất là giúp bé ngủ ngon hơn. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Tuy nhiên, trẻ sẽ thức và tỉnh táo nhất trong suốt quá trình tắm cho bé. Việc tắm rửa và vệ sinh đúng cách sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái, thư giãn và dễ chịu hơn, từ đó giúp bé dễ ngủ và ngủ sâu hơn
Giúp bé khai phá các giác quan tốt hơn
Một số nghiên cứu cho thấy, nước là một trong những công cụ giúp trẻ sơ sinh đánh thức và luyện tập các giác quan một cách hiệu quả nhất. Bởi vì hầu hết thời gian trong ngày bé luôn ở trạng thái khô ráo nên khi được tiếp xúc với nước, bé sẽ cảm thấy vô cùng kích thích và thích thú.
Thông qua việc tắm và chơi đùa trong nước, bé có thể làm quen với việc cảm nhận chất lỏng, cảm nhận nhiệt độ nước, nghe được âm thanh của nước, nhìn thấy đồ vật nổi lên trên mặt nước, thấy được trạng thái trong suốt của nước,….
Tạo sự gần gũi giữa mẹ và bé
Khoảng thời gian tắm cho trẻ sơ sinh được xem là thời điểm xây dựng, vun vén và tạo sự gần gũi giữa bố mẹ và con cái một cách hiệu quả nhất. Lúc này, bố mẹ nên thể hiện tình yêu thương của mình dành cho bé, thường xuyên trò chuyện và vui chơi cùng bé. Điều này sẽ giúp bé phát triển vốn từ vựng, cảm xúc và cảm thấy gắn bó, tin tưởng bố mẹ hơn.
Hướng dẫn cách tắm an toàn cho trẻ sơ sinh
Chuẩn bị trước khi tắm cho bé
- Quần áo, tã giấy, khăn, tất chân, bao tay, mũ, bông gòn và cồn 70 độ vệ sinh rốn cho trẻ
- Thau tắm chứa nước ấm từ 36 – 37 độ C (dùng khuỷu để kiểm tra độ ấm của nước, tránh trường hợp tắm bằng nước quá nóng cho trẻ)
- Sữa tắm, dầu gội, phấn rôm, dầu thoa dành riêng cho trẻ sơ sinh
- Phòng tắm kín gió, đủ ánh sáng, nhiệt độ phòng duy trì trong khoảng 29 – 30 độ C, không bật điều hòa, quạt khi tắm bé (vào mùa đông có thể dùng máy sưởi để làm ấm khi tắm bé)
Thực hiện tắm cho trẻ sơ sinh an toàn
- Tư thế tắm cho bé: Khi em bé tắm nên để bé ngồi thoải mái trên một chiếc ghế thấm. Bế bé trên cánh tay trái hoặc phải, đầu bé nằm gọn trong lòng bàn tay và lưng nằm trên cánh tay. Phần mông của trẻ được đặt lên đùi của mẹ.
- Rửa mặt: Dùng khăn mềm thấm nước ấm, vắt khô rồi nhẹ nhàng lau mặt, lau mắt, sống mũi, tai, cổ cho bé.
- Gội đầu: Dùng ngón tay cái và ngón tay giữa của bàn tay trái bịt lỗ tai của trẻ để tránh nước có thể vào tai bé trong quá trình tắm gội. Dùng tay phải gội đầu cho trẻ bằng cách xoa nhẹ nhàng để lấy đi những tế bào chết có trên da bé bằng nước ấm, sau đó dùng khăn lau khô tóc bé.
- Tắm toàn thân: Cởi quần áo, tã giấy ra khỏi người bé. Cho bé vào thau tắm, tắm toàn thân cho trẻ bằng sữa tắm. Khi tắm các mẹ cần chú ý vệ sinh sạch vùng kín, bẹn, khủy tay, khủy chân, mông, nách…
- Tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn: Trong trường hợp này mẹ cần tắm cẩn thận và tuyệt đối không để nước rơi vào cuống rốn của bé nhằm tránh nhiễm trùng.
Chăm sóc bé sơ sinh sau khi tắm
- Sau khi bé được tắm xong, mẹ nhanh chóng lâu khô người bằng khăn mền sạch rồi thoa phấn rôm vào phần: Cổ, nách, ngực, bẹn, mông, khủy tay, khủy chân.
- Trẻ chưa rụng rốn, mẹ nên dùng cồn 70 độ để sát trùng và nhẹ nhàng thay băng rốn cho trẻ. Nếu phát hiện rốn trẻ sưng tấy, có mủ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám và điều trị nhanh nhất.
- Cuối cùng mặc tã giấy, quần áo sạch, bao chân, bao tay, mũ, khăn cho bé.
Lưu ý sau khi tắm cho trẻ sơ sinh
- Thời điểm tắm cho bé thích hợp nhất là trước khi ngủ hoặc sau khi ăn 1 – 2 tiếng, để tránh khiến trẻ bị trớ hay giúp bé ngủ ngon và sâu hơn.
- Nếu chưa quen với việc tắm cho bé, các mẹ có thể lau người để bảo vệ làn da non nớt của con.
- Thời gian tắm không được kéo dài quá 10 phút.
- Không nên tắm cho trẻ nhiều lần trong ngày, kể cả mùa hè. Vào mùa đông mẹ có thể tắm cho bé 4 – 5 ngày một lần. Những ngày không tắm, mẹ nên lau sạch người cho bé.
- Nói chuyện với trẻ khi tắm cũng là cách làm tăng tình cảm mẹ con thêm gắn bó.
Trẻ sơ sinh nên tắm vào giờ nào là phù hợp nhất
Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ. Tùy theo giờ giấc sinh hoạt, mẹ có thể tắm cho trẻ vào bất cứ thời gian nào trong ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên bạn nên tắm cho trẻ sơ sinh vào lúc có ánh nắng mặt trời ấm áp. Thời gian tắm cho trẻ sơ sinh tốt nhất là vào khoảng 10 – 11 giờ sáng hoặc từ 15 – 16 giờ. Không nên tắm quá lâu, chỉ từ 4 – 5 phút cho mỗi lần tắm đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi.
Ngoài ra, khi chọn thời gian tắm cho trẻ sơ sinh, bạn không nên chọn tắm cho bé khi bé đang đói hoặc sau khi bé bú xong. Nguyên nhân là do tắm lúc bé đói sẽ khiến bé dễ quấy khóc, không chịu hợp tác. Còn nếu tắm sau khi bé mới bú sẽ khiến dễ bị nôn trớ thức ăn.
Nếu trẻ đang bị ốm hay vừa mới ốm dậy, mẹ cũng không nên tắm cho bé. Thay vào đó, mẹ có thể dùng khăn ấm lau quanh người bé.
Bao lâu thì nên tắm lại cho bé
Sau khi trẻ được sinh ra, bạn không nên vội vã tắm cho em bé ngay lập tức. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bạn nên đợi ít nhất 6 giờ sau sinh trước khi tắm cho em bé lần đầu tiên.
Nguyên nhân là vì da của trẻ sơ sinh được bao phủ bởi một lớp sáp tự nhiên được gọi là lớp vernix caseosa. Ngay sau khi chào đời, lớp sáp này có vai trò giữ cho làn da của bé được khỏe mạnh.
Vì vậy, ban đầu thì bác sĩ hoặc y tá sẽ dùng khăn mềm lau sạch cơ thể trẻ, cho mẹ thực hiện da kề da với em bé sau khi sinh và mẹ có thể cho bé bú trong khoảng vài giờ trước khi trẻ được y tá tắm.
Trẻ sơ sinh không cần phải tắm mỗi ngày. Da của trẻ có một lớp dầu tự nhiên nên việc tắm quá nhiều có thể gây khô da. Vì vậy, lời khuyên là bạn chỉ nên tắm cho em bé từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Tuy nhiên, mỗi ngày bạn vẫn nên làm sạch vùng mặt, cổ, nách và vùng kín của trẻ để đảm bảo vệ sinh cho bé.