Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là biện pháp hiệu quả nhất giúp chị em phòng ngừa được căn bệnh nguy hiểm này. Việc chủ động tiêm phòng vắc xin ngừa HPV làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, đặc biệt là đối với những phụ nữ được tiêm phòng khi họ còn trẻ.
Những điều cần biết về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ từ 30-45 tuổi. Ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, khi có triệu chứng xuất huyết âm đạo hoặc dịch âm đạo bất thường là bệnh đã nặng, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi, tỷ lệ sống cao. Để phòng tránh được căn bệnh này, chúng ta cần hiểu rõ về nó và có phương pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả.
Nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung
Hầu hết tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm trùng Human papillomavirus (HPV). Có rất nhiều loại HPV, trong đó có một số loại virus có nguy cơ cao gây ra các bệnh như ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và dương vật, ung thư đầu và cổ. Các loại HPV khác có thể gây ra mụn cóc sinh dục.
Nhiễm HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung
Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có bốn giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Khối u tại cổ tử cung, có thể đã lan hoặc chưa lan đến các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2: Ung thư lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, lan đến hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3: Ung thư lan đến phần dưới của âm đạo hoặc đến khung chậu. Nó có thể ảnh hưởng đến thận làm tắc niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang.
- Giai đoạn 4: Ung thư có thể đã lan ra ngoài khung chậu đến niêm mạc bàng quang, trực tràng và các cơ quan xa hơn như phổi, gan hoặc xương.
Tiên lượng sống của ung thư cổ tử cung là gần 100% khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư sớm. Ở các giai đoạn khác, tiên lượng sống sẽ càng thấp khi ung thư phát hiện càng muộn:
- Ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sau 5 năm từ 80% đến 93%
- Ở giai đoạn 2, tỷ lệ sống sau 5 năm từ 58% đến 63%
- Ở giai đoạn 3, tỷ lệ sống 5 năm là 32% đến 35%
- Ở giai đoạn 4, chỉ có 16% hoặc ít hơn số phụ nữ bị ung thư cổ tử cung sống sau 5 năm.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính vùng cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn đồng nghĩa với việc tế bào ung thư đã di căn lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.
Một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung:
- Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục;
- Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa;
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi;
- Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần;
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quang, trực tràng);
- Kinh nguyệt thất thường, kéo dài;
- Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Tại sao cần tiêm ngừa vacxin HPV ngừa ung thư cổ tử cung?
Hiện nay, bên cạnh tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư liên quan đến HPV. Vắc xin HPV được đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch cao, hiệu quả trong việc bảo vệ các đối tượng như trẻ em, phụ nữ, nam giới khỏi những bệnh có liên quan đến virus HPV.
Điều quan trọng là càng nhiều người trong độ tuổi được tiêm chủng càng mang lại nhiều lợi ích tốt. Việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ các cá nhân được tiêm chủng chống lại sự lây nhiễm của các loại virus HPV mà càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm cũng có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm các loại HPV trong dân số.
Một phân tích tổng hợp năm 2019 về các chương trình tiêm chủng HPV trên 60 triệu trẻ em gái ở 14 quốc gia có thu nhập cao cho thấy rằng: Cho đến 8 năm sau khi bắt đầu tiêm chủng, chẩn đoán mụn cóc sinh dục giảm 31% ở phụ nữ ở độ tuổi từ 25-29 tuổi, 48% ở trẻ em trai từ 15-19 tuổi và 32% ở nam giới 20-24 tuổi so với thời gian trước khi bắt đầu tiêm chủng.
Tiêm phòng HPV trên diện rộng có khả năng giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung trên khắp thế giới tới 90%. Ngoài ra, vắc xin có thể làm giảm nhu cầu sàng lọc và chăm sóc y tế tiếp theo như sinh thiết và các thủ thuật xâm lấn liên quan đến việc theo dõi từ kiểm tra cổ tử cung bất thường, do đó giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Ngoài tác dụng bảo vệ chống lại các type HPV có trong vắc xin, các nghiên cứu cũng chỉ ra vắc xin HPV còn bảo vệ chéo với những type HPV nguy cơ cao không có trong vắc xin, như các týp 31, 33 và 45, là những type có liên quan đến khoảng 13% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, vắc xin HPV có thể được tiêm đồng thời với vắc xin sống và bất hoạt khác sử dụng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác.
Tiêm vắcxin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Độ tuổi và đối tượng tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam, vắc xin phòng HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin được chỉ định tiêm cho cả nam và nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 45 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa.
Các chuyên gia khuyến cáo, các chị em nên đi tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vắc xin có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.
Các nhà khoa học cho rằng các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể thụ hưởng được lợi ích từ tiêm phòng HPV. Hiện nay, theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cần xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai, sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới, và nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật…).
Đối tượng không nên tiêm vắc xin HPV
Một số người không nên tiêm vắc-xin trong trường hợp người đó có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin HPV hoặc với bất kỳ thành phần nào có trong loại vắc-xin này. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng hoặc bạn có vấn đề về hệ thống miễn dịch hoặc rối loạn đông máu.
Không nên tiêm vắc xin HPV nếu:
- Nhạy cảm với men hoặc bất cứ thành phần nào của vắc xin
- Đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng. Hãy điều trị dứt điểm mới bắt đầu tiêm vắc xin.
- Bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.
- Đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Đã nhiễm vi khuẩn HPV.
Kết luận:
Việc tiêm ngừa vacxin HPV không chỉ giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà còn bảo vệ sức khỏe tổng thể của bạn. Đừng chờ đợi cho đến khi quá muộn, hãy chủ động tiêm ngừa ngay hôm nay để giảm nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ tương lai của chính bạn và người thân. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết và bắt đầu hành trình tiêm ngừa HPV càng sớm càng tốt.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.