Suy tim là một trong những vấn đề về nguy hiểm của tim mạch, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường ngày của người bệnh. Trong những năm gần đây tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ngày một tăng và bệnh đang có xu hướng trẻ hóa ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vậy suy tim là gì, các triệu chứng suy tim, cách điều trị và chuẩn đoán bệnh như nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Tổng quan chung
Suy tim là một hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tim không thể bơm máu hoặc chứa máu hiệu quả. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association), mỗi năm có khoảng 550.000 bệnh nhân được chẩn đoán suy tim mới. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1.6 triệu người cần điều trị suy tim.
Triệu chứng
Làm thế nào để biết mình có bị suy tim hay không? Các dấu hiệu suy tim cần nhận biết sớm như:
- Các cơn khó thở cấp tính xuất hiện, có thể xảy ra ngay sau khi người bệnh hoạt động hoặc nghỉ ngơi; nặng hơn là khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm khiến người bệnh thức dậy.
- Mệt mỏi, việc vận động thể lực bị hạn chế
- Hai chi dưới phù, trắng mềm, khi ấn vào bị lõm
- Tăng cân nhanh do cơ thể bị ứ dịch
- Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực
- Da xanh nhợt nhạt
- Ngoài ra còn cảm thấy chán ăn, chướng bụng, ho khan, mệt mỏi, không tỉnh táo…
Nguyên nhân
Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim, loạn nhịp tim, bệnh tuyến giáp,…
- Tăng huyết áp
- Bệnh động mạch vành: Bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim
- Bệnh cơ tim dãn do di truyền, thâm nhiễm, thuốc, ngộ độc, chuyển hoá, virus, Chagas…
- Bệnh van tim: hẹp hở van động mạch chủ, van hai lá, van ba lá van động mạch chủ
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh cơ tim hạn chế
- Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn
- Các bệnh lý tim bẩm sinh
- Đang trong quá trình điều trị ung thư bằng các phương pháp như hóa trị…
- Một số nguyên nhân khiến lượng máu về tim nhiều hơn như bệnh cường giáp, suy thận, thiếu máu cũng gây ra suy tim.
Trong đó, bệnh mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ trên 50%. Các nguyên nhân gây suy tim phổ biến tiếp theo là tăng huyết áp và bệnh lý van tim.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng dễ mắc bệnh suy tim như:
- Những người bị các bệnh mạn tính: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim bẩm sinh, các bệnh van tim không được kiểm soát; bệnh phổi tắc nghẽn… dễ mắc suy tim.
- Ngoài ra các đối tượng người cao tuổi, nam giới hút thuốc lá, ăn mặn và béo phì, lười vận động cũng rất dễ bị bệnh suy tim.
- Người bệnh thiếu máu, bệnh tuyến giáp,…
Chẩn đoán
Chẩn đoán suy tim thường dựa trên bệnh sử, khám thực thể và một loạt các xét nghiệm như:
- Siêu âm Doppler tim: đánh giá chức năng tim, bệnh lý các van tim, áp lực động mạch phổi.
- Điện tâm đồ (ECG): cho thấy các dấu hiệu gián tiếp về nguyên nhân suy tim.
- Chụp X-quang ngực: cung cấp hình ảnh của tim và phổi.
- Xét nghiệm máu đo nồng độ protein BNP hoặc NT-proBNP: chỉ điểm của suy tim.
- Holter điện tâm đồ 24 giờ: tìm rối loạn nhịp.
- Chụp động mạch vành: tìm nguyên nhân nghi do bệnh động mạch vành.
- MRI tim: khi nghi ngờ nguyên nhân suy tim do viêm cơ tim hoặc bệnh cơ tim.
- Xét nghiệm máu tổng quát (đường máu, mỡ máu, men gan, chức năng thận, điện giải đồ, TSH).
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa suy tim tốt nhất là duy trì lối sống khoa học:
- Chế độ ăn lành mạnh: giảm muối, nhiều hoa quả rau xanh, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế ăn phủ tạng động vật
- Không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích, hạn chế rượu bia
- Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Kiểm soát đường máu, lipid máu
- Có thời gian biểu hợp lý để giảm stress, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
Điều trị bệnh suy tim
Suy tim là bệnh mạn tính, cần được quản lý suốt đời. Việc điều trị có thể cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng, đôi khi phục hồi chức năng tim. Điều trị suy tim bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc.
Các loại thuốc phổ biến nhất để kiểm soát suy tim bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi): giãn mạch máu, hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng máu.
- Thuốc chẹn beta: làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, phòng ngừa rối loạn nhịp.
- Thuốc lợi tiểu: thải thêm nước tiểu, giảm ứ nước dư thừa.
- Thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid/aldosteron (MRA): ngăn ngừa giữ nước dư thừa.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: thay thế cho ACEi nếu bệnh nhân không dung nạp.
- Digoxin : tăng sức mạnh co bóp cơ tim, đặc biệt chỉ định ở bệnh nhân suy tim có rung nhĩ.
Phẫu thuật:
- Trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị thay thế như mổ van tim, mổ bắc cầu mạch vành, sửa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp có thể được đề nghị.
- Suy tim là một vấn đề tim mạch nguy hiểm, phòng ngừa tốt nhất là duy trì lối sống lành mạnh. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.