Người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó suy hô hấp là một bệnh dễ bắt gặp. Đây là bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này.
Triệu chứng suy hô hấp ở người già
Ở người già, nhiệt độ không tăng cao như ở người trẻ nên rất dễ bị nhầm bệnh nhẹ nhưng khi đã có viêm phổi thì tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh và nặng nề hơn. Một số triệu chứng suy hô hấp ở người cao tuổi như sau:
- Nhịp thở thay đổi: Việc tăng số lần thở mỗi phút có thể có nghĩa là bệnh nhân đang khó thở hoặc không nhận đủ oxy.
- Xanh tím ở xung quanh miệng, ở bên trong môi hoặc trên móng tay có thể xảy ra khi một người không nhận được đủ oxy khi cần thiết. Màu của da cũng có thể xuất hiện nhợt nhạt hoặc xám.
- Rối loạn tim mạch: Thường nhịp nhanh xoang hay cơn nhịp nhanh, rung thất thường là biểu hiện cuối cùng. Huyết áp tăng hoặc hạ: giai đoạn đầu huyết áp thường tăng cao, giai đoạn sau hạ dần, phải can thiệp ngay (bóp bóng, đặt ống nội khí quản, hút đờm, thở máy).
- Rối loạn thần kinh: não tiêu thụ đến 20% số oxy toàn cơ thể. Do đó, khi xảy ra tình trạng suy hô hấp thì não là cơ quan chịu hậu quả sớm nhất của tình trạng thiếu oxy và tăng CO2 máu. Rối loạn thần kinh có dấu hiệu như giãy giụa, lẫn lộn, mất phản xạ gân xương, rối loạn ý thức (li bì, hôn mê).
Nguyên nhân suy hô hấp ở người già
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy hô hấp ở người già như:
- Hít phải chất độc hại
- Hút thuốc lá
- Viêm phổi nặng
- Nhiễm khuẩn huyết nặng
- Bị thương ở ngực hoặc đầu
Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc suy hô hấp như do tuổi tác, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có tiền sử lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Sự thay đổi thời tiết cũng là yếu tố thúc đẩy các bệnh cấp tính ở đường hô hấp, các yếu tố ô nhiễm môi trường cũng là tác nhân làm gia tăng các bệnh hô hấp… Ngoài ra, các bệnh mạn tính ở người già như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, suy gan, suy thận… làm thay đổi khả năng bảo vệ của cơ thể, đồng thời cũng thay đổi đặc tính cấu trúc vi trùng thường trú trong cơ thể, biến các loại vi trùng này thành tác nhân gây bệnh.
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ suy hô hấp ở người cao tuổi
Cách phòng ngừa suy hô hấp ở người già
Một số biện pháp giúp phòng ngừa suy hô hấp ở người già như:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, nhất là khi xì mũi, sau khi đi vệ sinh đại – tiểu tiện, trước khi chuẩn bị ăn uống hay chuẩn bị thức ăn.
- Khi làm vệ sinh nhà cửa hoặc những vùng bụi bẩn nên đeo khẩu trang.
- Không nên hút thuốc lá vì có thể gây phá hủy phổi, giảm các chức năng hô hấp. Người cao tuổi cũng cần tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Bỏ rượu: Việc sử dụng quá nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ tử vong của bạn và ảnh hưởng đến chức năng phổi.
- Thường xuyên uống nhiều nước, uống nước đầy đủ giúp tuần hoàn cơ thể tốt và đào thải các chất cặn bã ra ngoài
- Hạn chế sử dụng máy lạnh hay máy quạt, nếu sử dụng máy lạnh thì nên để nhiệt độ từ 24-25 độ C, không nằm ngay luồng gió máy lạnh thổi ra.
- Thường xuyên tập thể dục nâng cao thể lực nhưng không nên tập quá sức, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, kiểm soát điều trị tốt các bệnh mãn tính.
- Tiêm phòng: Tiêm phòng cúm hàng năm, cũng như vắc-xin viêm phổi cứ 5 năm một lần, có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi.
Kết luận
Suy hô hấp ở người cao tuổi là một tình trạng nghiêm trọng cần được quan tâm đúng mức. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm bắt được các triệu chứng, nguyên nhân cũng như các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe hô hấp cho người thân yêu. Hãy chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo sớm và duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, và đặc biệt là tránh hút thuốc lá và uống rượu bia. Việc duy trì chế độ ăn uống và luyện tập thể dục đều đặn, cũng như tiêm phòng đầy đủ, sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc suy hô hấp. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, đừng ngần ngại đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp người cao tuổi có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn đọc hiểu hơn về hội chứng suy hô hấp ở người cao tuổi. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.