Suy dinh dưỡng bào thai không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn có thể đe dọa đến sức khỏe của bé ở những giai đoạn sau sinh. Có đến 10-20% trẻ em sinh ra với cân nặng dưới 2,5 kg bị suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ dù ở mức độ nào cũng đều bị tổn hại đến sự phát triển lâu dài về sau.
Tổng quan chung
Thông thường, những trẻ sinh đủ tháng có cân nặng lúc đẻ dưới 2.500g là những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT). Về nguyên nhân, thường do trong thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị ốm đau bệnh tật. Thường các bà mẹ có mức tăng cân ở cuối thai kỳ thấp, dưới 6kg, chắc chắn là bào thai đã bị suy dinh dưỡng, khi sinh ra cân nặng của trẻ sẽ rất thấp.
Những trẻ có vòng đầu bình thường là loại suy dinh dưỡng nhẹ nhất. Khi phát triển trong thời kỳ bào thai, sự phân chia tế bào đã tương đối hoàn chỉnh, khối lượng tế bào bình thường, do đó vấn đề nuôi dưỡng không khó khăn lắm. Nếu sống qua được giai đoạn sơ sinh và nuôi dưỡng đúng cách thì sau này trẻ sẽ phát triển tương đối bình thường về mặt tinh thần và vận động.
Nếu trẻ có vòng đầu nhỏ khi sinh, thì đó là biểu hiện giảm rõ rệt số lượng tế bào trong cơ quan, chủ yếu là tế bào não ngay trong bào thai. Nếu ở mức độ trung bình, trẻ có thể sống qua được giai đoạn sơ sinh, nhưng khi sinh những trẻ này thường bị ngạt, viêm phổi, chảy máu, giảm đường huyết. Những trẻ này sẽ không phát triển bình thường, có khi chậm phát triển về tinh thần, chậm lớn và thậm chí còn có di chứng thần kinh. Nếu ở mức độ nặng, trẻ có thể bị chết trong giai đoạn sơ sinh do bị ngạt, viêm phổi, hít phải nước ối và bị nhiễm trùng nặng.
Triệu chứng suy dinh dưỡng bào thai
Mẹ có thể phát hiện sớm thai nhi bị suy dinh dưỡng qua các kỳ khám thai. Dựa vào các thông số như chiều cao tử cung, vòng bụng, các bác sĩ có thể chẩn đoán kích thước vòng bụng có tương xứng với tuổi thai hay không để xác định kích thước thai nhi.
Bên cạnh đó, qua mức độ tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai, mẹ cũng có thể nhận biết thai nhi có bị suy dinh dưỡng hay không. Thông thường, thai phụ tăng từ 10 – 12kg. Nếu trong suốt quá trình mang thai, người mẹ chỉ tăng dưới 6 kg thì rất có thể thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng.
Và dấu hiệu muộn nhất là khi trẻ ra đời, dù đủ tháng nhưng cân nặng của trẻ dưới 2500g, điều này có nghĩa là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng bào thai
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sinh non cũng như làm thai chậm lớn trong tử cung. Những yếu tố này đều có thể dẫn đến sự chậm lớn của thai mà nguồn gốc chính là do rối loạn dinh dưỡng của nhau thai, thêm vào đó sự tổn thương và rối loạn huyết động ở bánh nhau sẽ cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi thai, làm cho đứa trẻ không thể lớn lên được.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai:
Nguyên nhân từ mẹ
- Người mẹ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, thận, thiếu máu,…
- Thai phụ lớn tuổi sinh con so, hay sinh quá nhiều.
- Bệnh nhiễm trùng ở người mẹ: Nếu mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhất là siêu vi trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai dễ bị chậm phát triển. Hiện tượng suy dinh dưỡng của thai có thể xảy ra từ tuần thứ 20. Ở thời điểm này, siêu vi trùng trong cơ thể mẹ dễ xâm nhập vào nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến thai, làm ngừng sự phát triển của các tế bào. Những trường hợp này cũng dễ dẫn đến khả năng gây ra thai dị dạng. Do vậy đây là một nguy cơ gây suy dinh dưỡng thai trong tử cung cần được hết sức lưu ý.
- Người mẹ có cân nặng dưới 40kg và chiều cao dưới 1,4m có thể sinh con đủ tháng, nhưng cân nặng thường dưới 2,500 kg.
Bệnh từ nhau thai
Chủ yếu là tổn thương bánh nhau, gây rối loạn huyết động và dẫn tới suy nhau thai. Nhau thai bị bệnh thể hiện bằng nhiều hình thái như:
- Có nhiều điểm tắc mạch nhỏ
- Gai nhau không có mạch máu, hoặc tắc mạch
- Bánh nhau bị vôi hóa từng vùng hay bị xơ hóa trong các bệnh nội tiết, nhiễm độc thai nghén kéo dài. Nếu nhau xơ hóa, gai nhau sẽ bị thoái hóa làm cho sự trao đổi sinh lý giữa mẹ và con bị suy giảm dẫn đến thai không phát triển được. Trường hợp bị suy mạn tính, thai có thể bị chết trong bụng mẹ, hoặc chết gần ngày sinh.
- Dị dạng bánh nhau cũng làm cho tuần hoàn mẹ con bị cản trở.
Chế độ dinh dưỡng của người mẹ
Chế độ ăn uống của người mẹ kém có thể sẽ sinh ra con bị nhẹ cân. Sự rối loạn dinh dưỡng của người mẹ, đặc biệt là thiếu protein sẽ làm cho thai chậm phát triển. Sự tăng cân chậm của người mẹ trong 3 tháng cuối của thai kỳ, hoặc tăng cân chậm dần từ tuần thứ 20 là nguyên nhân sinh ra thiếu cân.
Tất cả những chất dinh dưỡng có trong huyết tương của mẹ đều qua được màng nhau thai để nuôi trẻ, trừ một số chất do bị cản trở, hủy hoại, biến chất, hoặc một số kháng thể không qua được màng nhau. Vì vậy khả năng phòng bệnh của đứa trẻ cũng sẽ kém, nhất là những trẻ vốn đã yếu sẵn ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, hiện tượng thiếu hụt các nguyên tố kim loại như sắt, đồng, mangan, magie trong chế độ ăn của người mẹ cũng gây tác hại xấu cho thai. Nếu người mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khỏe mạnh mà thai vẫn phát triển chậm, thì phải chú ý tới sự cản trở vận chuyển các chất từ mẹ sang con và chắc chắn là bánh nhau không bình thường.
Đối tượng nguy cơ
Có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của thai nhi và tác động đến sức khỏe sau này của đứa trẻ đó là:
- Tuổi tác của người mẹ: Cơ thể của người phụ nữ từ 30 tuổi trở đi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa. Người mẹ sẽ khó cung cấp cho thai nhi đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích phụ nữ nên sinh con trong giai đoạn từ 25 tuổi đến 30 tuổi.
- Sức khỏe của người mẹ: Sức khỏe của mẹ có vai trò quan trọng, quyết định đến sức khỏe của con. Một người mẹ khỏe mạnh thường sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh và ngược lại. Vì vậy, trường hợp mẹ đang có bệnh mãn tính như viêm gan, thấp tim, phù thận thì hãy chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai để có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh nhất.
- Chế độ dinh dưỡng kém: chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng. Người mẹ cần được bổ sung đầy đủ, phong phú các dưỡng chất cần thiết để đảm bảo cho em bé phát triển tốt nhất. Nếu người mẹ ăn uống kém, không bổ sung đủ dinh dưỡng sẽ khiến thai nhi thiếu hụt các chất quan trọng để hoàn thiện, phát triển các cơ quan trong cơ thể và não bộ, dẫn tới suy dinh dưỡng bào thai
- Nhau thai phát triển kém: Nhau thai là vật trung gian giúp truyền tải dinh dưỡng, oxy và máu từ cơ thể mẹ đi nuôi thai nhi. Bên cạnh đó, nhau thai còn có chức năng kiểm soát vận chuyển hormone đến bào thai. Nếu bánh nhau bị nhỏ sẽ khiến cho các sản phẩm chuyển hóa ít đi, thai nhi không được cung cấp đủ nguồn sống cần thiết, dẫn đến tình trạng còi cọc, kém phát triển.
Chẩn đoán
Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng khi thai nhi không nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết để phát triển và lớn lên trong tử cung. Đây là vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Để chẩn đoán suy dinh dưỡng bào thai, các bác sĩ thường thực hiện các bước sau:
- Đo lường kích thước tử cung: Bác sĩ sẽ đo kích thước của tử cung để xem liệu nó có phù hợp với tuổi thai hay không.
- Đo lường kích thước bụng của thai phụ: Đo kích thước bụng để kiểm tra sự phát triển của thai nhi.
- Siêu âm: Siêu âm có thể được sử dụng để đánh giá kích thước và tăng trưởng của thai nhi, bao gồm cân nặng, chiều dài, và lượng nước ối.
- Đo lường lượng nước ối: Lượng nước ối ít hơn bình thường có thể là một dấu hiệu của suy dinh dưỡng bào thai.
- Chẩn đoán sàng lọc sức khỏe sơ sinh: Đây là một bài kiểm tra đặc biệt được thực hiện để đánh giá nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
- Đánh giá các yếu tố nguy cơ: Bác sĩ sẽ xem xét lịch sử sức khỏe của thai phụ, bao gồm việc theo dõi tăng cân, chế độ dinh dưỡng, và các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, sử dụng rượu, hay các bệnh lý liên quan.
Phòng ngừa suy dinh dưỡng bào thai
Thường các bà mẹ ở cuối thai kỳ mà có mức tăng cân thấp, dưới 6kg thì chắc chắn đã bị suy dinh dưỡng bào thai. Vì thế cần có một chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý:
- Ăn đủ chất: Mẹ khi mang thai cần ăn đủ chất, ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt ăn nhiều trái cây tươi, rau củ, hạt, thực phẩm giàu protein. Có thể ăn 4-5 bữa một ngày để đảm bảo thai nhi có đầy đủ các chất dinh dưỡng trong bụng.
- Ăn các thức ăn có giàu đạm, canxi như tôm, cua, trứng, sữa. Trong cả quá trình mang thai mẹ cần tăng từ 9-14kg, nếu mang đa thai thì cần tăng từ 15-20kg.
- Khi mang thai cần dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi và thư giãn, sẽ giúp cơ thể hồi phục năng lượng, phòng tránh được các loại bệnh tật.
- Không được uống rượu, bia, chất kích thích như cà phê khi mang thai, đặc biệt là hít khói thuốc lá nhiều sẽ làm bé trong bụng có nguy cơ bị thiếu cân suy dinh dưỡng.
- Tinh thần phải lạc quan, tránh áp lực căng thẳng mệt mỏi trong suốt quá trình mang thai.
- Nên bỏ chút thời gian để tập hít vào thở ra như yoga, và thường xuyên đi bộ nhẹ khi thai được 7 tháng tuổi trở lên.
- Cần chú ý bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B6, vitamin E sắt, folate, canxi… theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Mẹ bầu cần chú ý đi khám thai theo định kỳ thường xuyên, tránh bị stress cũng sẽ giúp một phần giảm thiểu tỉ lệ bé bị suy dinh dưỡng thiếu cân.
Điều trị suy dinh dưỡng bào thai như thế nào?
Vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khi bị bệnh suy dinh dưỡng bào thai là rất quan trọng, vì thế các mẹ cần lưu ý như sau:
- Ủ ấm cho trẻ, cho trẻ nằm cạnh mẹ ngay sau khi sinh.
- Theo dõi cơ thể bé nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời như bé bị hạ thân nhiệt, hạ đường máu, hay hạ canxi máu.
- Tắm nước sạch, thay băng rốn cho bé hàng ngày.
- Sau khi sinh xong cần cho trẻ bú ngay trong nửa giờ đầu tiên. Bé nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để trẻ có cân nặng bình thường. Nếu như bé bú kém thì cần vắt sữa ra cốc và đút từng thìa.
- Chỉ nên cho bé tập ăn dặm khi được hơn 6 tháng tuổi, đảm bảo khẩu phần ăn của bé có đầy đủ các vi chất thiết yếu. Mẹ cũng có thể bổ sung thêm men tiêu hóa để cho bé để bé phát triển cả chiều cao, cân nặng phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng.
Ngoài ra còn cần ăn uống bổ sung thêm các vi chất như canxi, vitamin D theo chỉ dẫn của bác sĩ
Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai và thai nhi. Mẹ bầu cần theo dõi quá trình của thai kỳ một cách thận trọng để đảm bảo cho bản thân và thai nhi có một thai kỳ khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp các kiến thức cần thiết đến bạn đọc về vấn đề suy dinh dưỡng bào thai. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.