Áp lực học tập và thi cử là tình trạng trẻ nào cũng có thể phải đối mặt trong suốt hành trình lớn lên của mình. Đây là một vấn đề phổ biến mà nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý ở tuổi học đường. Tình trạng áp lực có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và gây ra những tác hại khôn lường, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ. Do đó, cha mẹ và nhà trường cần quan tâm kịp thời để có biện pháp giúp đỡ nhằm hỗ trợ trẻ có một hành trình phát triển toàn diện. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên áp lực học tập và cách giải quyết hiệu quả như thế nào
Tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý đối với thanh thiếu niên
Sức khỏe tâm lý là tổng thể sức khỏe thể hiện cách suy nghĩ, điều khiển cảm xúc và hành vi của một người. Rối loạn tâm lý là những bất thường trong suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi.
Sức khỏe tâm lý được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe, trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.
Rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên thường được khái quát là sự bất thường hoặc gián đoạn trong quá trình phát triển cảm xúc, tư duy, hành vi. Đồng thời đó có thể là sự gián đoạn phát triển những kỹ năng xã hội phù hợp với từng lứa tuổi. Những rối loạn này khiến trẻ lo lắng, buồn bã, tự ti. Đôi khi là nhút nhát, sợ hãi, lẩn tránh khỏi các hoạt động xã hội
Các rối loạn tâm lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.
Áp lực học tập, thi cử là gì ?
Áp lực học tập là sự mệt mỏi, căng thẳng về trí não và thể chất mà mỗi người có thể gặp phải trong quá trình học tập của mình. Áp lực có thể xảy ra đối với trẻ em, thanh thiếu niên, sinh viên và những người còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xã hội càng phát triển thì con người càng có những yêu cầu cao hơn về việc học thức, tư duy. Chính vì vậy, hiện nay không ít bậc phụ huynh đã áp đặt con cái họ phải ưu tú về mọi mặt, coi thành tích của con là niềm hãnh diện, kiêu hãnh của cả gia đình, chính suy nghĩ đó đã khiến họ thúc ép, bắt trẻ phải học liên tục bất kể ngày hay đêm. Việc chỉ quan tâm đến thành tích của ba mẹ đã vô tình khiến con bị mệt mỏi căng thẳng vì áp lực điểm số từ đó dẫn đến tình trạng trầm cảm học đường và hình thành tâm lý bất ổn, méo mó.
Thống kê về tình trạng sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên khi gặp áp lực học tập và thi cử
Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể”, các rối loạn dạng cơ thể … Trên Thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần.
Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Tỉ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của Unicef. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Nguyên nhân dẫn đến áp lực học tập ở trẻ
Chương trình học nặng lý thuyết
Hệ thống chương trình học hiện nay thường tập trung nhiều vào lý thuyết, điều này là một trong những yếu tố chính khiến áp lực học tập ngày càng tăng cao. Kiến thức lý thuyết thường mang tính trừu tượng, khó tiếp thu và khó nhớ khi không được áp dụng vào thực tế. Điều này khiến cho việc học trở nên khô khan và thiếu sự hứng thú từ phía học sinh.
Thời gian học quá nhiều
Các em phải đối mặt với lịch học dày đặc cả ngày, từ trường học đến các trung tâm học thêm. Thậm chí, sau ngày dài học tập, việc phải trở về nhà để chuẩn bị bài càng khiến cho áp lực trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa các em phải dành nhiều thời gian học đêm và đối mặt với áp lực cao để nắm vững kiến thức trước khi tham gia vào các kỳ thi cử.
Giáo dục quan trọng điểm số thành tích
Hệ thống giáo dục đang đặt quá nhiều sự chú trọng vào điểm số và thành tích học thuật, khiến cho việc không đạt được điểm cao trở thành một gánh nặng lớn đối với người học.
Việc bị đánh giá không cao về thành tích học tập có thể dẫn đến thiếu tự tin và đồng thời tạo ra áp lực trong việc phải cố gắng hoàn thiện bản thân. Tình trạng này cũng góp phần tạo ra một môi trường học tập cạnh tranh khiến cho các em cảm thấy áp lực từ việc phải đạt được kết quả cao và không được thất bại.
Áp lực từ gia đình
Trong một gia đình, việc học giỏi và có điểm cao thường được coi là một yếu tố quan trọng để tỏ ra thành công và đạt được sự tán dương từ phía gia đình, dòng họ và cả xã hội.
Tuy nhiên, áp lực này có thể vô tình khiến cho các em phải chịu đựng một gánh nặng quá lớn. Sự mong đợi và áp đặt từ phía gia đình có thể khiến cho con cái cảm thấy bị kìm hãm và thiếu tự do trong việc lựa chọn con đường học tập của mình.
Không có thời gian thư giãn vui chơi
Thời gian thư giãn và vui chơi là cần thiết để tái tạo năng lượng và tinh thần, giúp người học giảm bớt stress từ việc học tập. Khi thiếu đi thời gian này, các em cảm thấy áp lực từ việc phải liên tục học tập mà không có thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến mệt mỏi và thiếu động lực.
Ngoài ra, khi người học không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi, khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức có thể giảm đi, dẫn đến việc học kém hiệu quả.
Ảnh hưởng của áp lực học tập và thi cử đến sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên
Áp lực học tập liên tục trong thời gian dài không sớm được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm.
Hậu quả của áp lực học tập dễ nhận thấy nhất là trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, suy giảm nghiêm trọng về mặt tinh thần. Căng thẳng, áp lực kéo dài khiến trẻ trở nên mệt mỏi, chán nản thậm chí suy nghĩ bi quan. Nhiều trẻ có thể bị rối loạn cảm xúc, không kiểm soát được hành vi trở nên buồn giận, cáu gắt vô cớ.
Trong trường hợp cảm xúc tiêu cực kéo dài, dồn nén có thể khiến trẻ gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần nguy hiểm như rối loạn lo âu, trầm cảm… làm ảnh hưởng đến tương lai.
Trên thực tế đã có những vụ việc thương tâm xảy ra với những trường hợp trẻ bị áp lực kéo dài mà không được đồng cảm, thấu hiểu.
Cách giải quyết và phòng ngừa áp lực học tập ở trẻ vị thành niên
Để trẻ đối phó với áp lực hiệu quả, các em cần có sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và những người khác xung quanh mình. Dưới đây là 1 số phương pháp giải quyết áp lực học tập mang lại hiệu quả cao:
Cân bằng giữa học và chơi
Là cách giải tỏa áp lực học tập hiệu quả. Trẻ cần sắp xếp thời gian học tập hợp lý, sau mỗi giờ học vất vả nên đan xen thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để não bộ thả lỏng, giải tỏa căng thẳng.
Trong khi học tập nếu cảm thấy bị căng thẳng nên đứng dậy đi lại vài vòng, làm một số việc yêu thích như nghe nhạc, tưới cây, chơi với thú cưng để cảm thấy thoải mái hơn.
Lập kế hoạch học tập cụ thể
Khi lập kế hoạch học tập cụ thể, đề rõ mục tiêu giúp trẻ nhận biết được thiếu sót, điều chỉnh thời gian và phương pháp học tập hợp lý.Trong kế hoạch học tập nên đặt ra thời gian biểu cho từng môn học, từng phần, từng chương trong thời gian cụ thể.
Nâng cao sức khỏe thể chất
Nâng cao thể chất là cách giải tỏa áp lực học tập cho trẻ, giúp con có thêm sức mạnh đối diện với những kỳ thi, kỳ chuyển cấp căng thẳng. Nâng cao sức khỏe thể chất thông qua nhiều hình thức như rèn luyện thể dục thể thao, xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ…
Trẻ tăng cường hoạt động thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, sản sinh ra nguồn năng lượng tích cực làm giảm căng thẳng, mệt mỏi hiệu quả. Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng thực phẩm để bổ sung năng lượng, dưỡng chất cần thiết để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ.
Tìm gặp bác sĩ tâm lý
Tham vấn tâm lý từ bác sĩ tâm lý cũng là phương pháp giải quyết áp lực học tập hiệu quả. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên chủ động đưa con mình đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời, hiệu quả hỗ trợ con sớm vượt qua giai đoạn này.