Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc tương tác và xây dựng các mối quan hệ với những người xung quanh. Từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến các mối quan hệ tình cảm, tất cả đều có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm lý của mỗi người. Các mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm trạng mà còn quyết định mức độ căng thẳng và sự hài lòng trong cuộc sống. Bài viết này sẽ khám phá cách các mối quan hệ tác động đến sức khỏe tâm lý và cung cấp những gợi ý hữu ích để xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực.
Mối quan hệ xã hội và sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tâm lý của chúng ta không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cá nhân mà còn bị chi phối mạnh mẽ bởi các mối quan hệ xung quanh. Chất lượng các mối quan hệ có thể là yếu tố quyết định sự cân bằng tâm lý, mức độ căng thẳng và hạnh phúc của mỗi người.
Mối Liên Hệ Giữa Chất Lượng Mối Quan Hệ và Sức Khỏe Tinh Thần
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mối quan hệ xã hội chất lượng cao có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tăng cường sự hài lòng trong cuộc sống. Ví dụ, một nghiên cứu của Đại học Harvard kéo dài hơn 75 năm đã kết luận rằng các mối quan hệ tốt đẹp là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp con người sống lâu và khỏe mạnh.
Sức khỏe tâm thần là gì ?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó một cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần hay bất kỳ vấn đề gì về tinh thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.
Sức khỏe tâm thần của một người bất kể tuổi tác, giới tính cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng là bệnh tật và có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.
Các Loại Mối Quan Hệ Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Tâm Lý
Có nhiều loại mối quan hệ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, bao gồm:
- Gia đình: Mối quan hệ với gia đình có thể là nguồn động viên lớn hoặc ngược lại, có thể gây ra nhiều áp lực và căng thẳng nếu không hòa thuận.
- Bạn bè: Những người bạn thân thiết có thể cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc và là nơi để chia sẻ những khó khăn.
- Đồng nghiệp: Mối quan hệ tại nơi làm việc cũng rất quan trọng, đặc biệt khi chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày ở công sở.
- Quan hệ yêu đương: Một mối quan hệ tình cảm lành mạnh có thể mang lại niềm vui và sự hỗ trợ, trong khi một mối quan hệ độc hại có thể gây ra nhiều tổn thương tâm lý.
Ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội và sức khỏe tâm thần
Ảnh hưởng của các mối quan hệ tích cực với sức khỏe tâm thần bao gồm :
Các đặc điểm của một mối quan hệ xã hội lành mạnh:
Theo báo của Northwestern Medicine, những người đã và đang trong mối quan hệ lành mạnh thường có xu hướng:
- Luôn biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.
- Giao tiếp cởi mở và không phán xét.
- Tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
- Luôn dành thời gian cho nhau.
- Ghi nhớ chi tiết về cuộc sống của nhau.
- Tham gia vào các hoạt động lành mạnh cùng nhau.
- Thành thật và thẳng thắn.
Bên cạnh đó, theo Anh Dao (2019), một mối quan hệ xã hội lành mạnh luôn tồn tại sự bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới. Trong một mối quan hệ, nếu muốn nó trở nên tốt đẹp và lành mạnh, lâu dài, chúng ta cần phải biết tôn trọng lẫn nhau là tất yếu. Tôn trọng những người bạn bè, đồng nghiệp là người đồng tính, lưỡng tính hay một giới tính nào khác giúp đôi bên cảm thấy thoải mái hơn. Sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe, từ đó củng cố mối quan hệ xã hội.
Các lợi ích của mối quan hệ xã hội lành mạnh và sức khỏe tinh thần bao gồm :
Hỗ Trợ Tinh Thần
Mối quan hệ xã hội cung cấp sự hỗ trợ tinh thần quan trọng. Khi bạn gặp khó khăn hoặc cảm thấy buồn, có người bạn có thể trò chuyện và chia sẻ cảm xúc giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Sự hỗ trợ này có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Tạo Cảm Giác Tự Giá Trị
Mối quan hệ xã hội có thể là nguồn động viên và tạo cảm giác tự giá trị. Khi bạn có mối quan hệ mạnh mẽ với người khác, bạn thường cảm thấy được yêu quý và có giá trị trong mắt họ. Điều này có thể giúp tăng sự tự tin và sức khỏe tâm hồn.
Kết Nối Xã Hội
Mối quan hệ xã hội giúp bạn kết nối với xã hội và thế giới xung quanh. Nó giúp bạn cảm nhận rằng bạn là một phần của cộng đồng và có vai trò trong xã hội này. Sự kết nối xã hội này đóng vai trò quan trọng trong việc cảm thấy hạnh phúc và có ý nghĩa trong cuộc sống.
Giúp Đối Phó Với Áp Lực
Cuộc sống hiện đại thường đầy áp lực từ công việc, gia đình, và cuộc sống hàng ngày. Mối quan hệ xã hội mạnh mẽ giúp bạn có người để chia sẻ áp lực và tìm giải pháp cho các vấn đề khó khăn. Cùng nhau, bạn có thể đối phó tốt hơn với những thách thức này.
Sự Hài Lòng Tâm Hồn
Mối quan hệ xã hội tốt giúp tạo ra sự hài lòng tâm hồn. Khi bạn có những người bạn và người thân yêu quanh mình, bạn thường cảm thấy hạnh phúc hơn và thấu hiểu giá trị thực sự của cuộc sống.
Giảm Cô Đơn
Cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm hồn. Mối quan hệ xã hội giúp bạn tránh cảm giác cô đơn và cung cấp cơ hội cho sự kết nối và gặp gỡ với người khác.
Mối quan hệ xã hội giúp bạn kết nối với xã hội và thế giới xung quanh,cảm thấy hạnh phúc và có ý nghĩa trong cuộc sống.
Ảnh hưởng của các mối quan hệ tiêu cực với sức khỏe tâm thần bao gồm :
Một mối quan hệ xã hội không lành mạnh thường sẽ liên quan tới những yếu tố tiêu cực bao gồm: lừa đảo, lợi dụng lẫn nhau, miệt thị và tiêu biểu nhất là bạo lực giới (Gender – based violence).Theo No More (2016), bạo lực giới (Gender – based violence) là bất kỳ hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến những tổn thất về thân thể, về tình dục hay tâm lý hoặc những đau khổ cho phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư .
Mối quan hệ độc hại (hay toxic relationship) là mối quan hệ khiến bạn cảm thấy không được hỗ trợ, bị hiểu lầm, bị hạ thấp hoặc bị tấn công. Ở mức độ cơ bản, bất kỳ mối quan hệ nào khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn là cảm thấy tốt lên đều có thể trở nên độc hại theo thời gian.
Mối quan hệ độc hại có thể tồn tại trong bất kỳ bối cảnh nào, từ công viên cho đến phòng họp hay là cả phòng ngủ. Bạn thậm chí có thể đang đối mặt với các mối quan hệ độc hại giữa các thành viên trong gia đình của bạn.
Một mối quan hệ là độc hại khi hạnh phúc của bạn bị đe dọa theo một cách nào đó – về mặt tình cảm, tâm lý và thậm chí cả thể chất. Theo đó, một điều đáng chú ý là những người độc hại có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai.
Bạn là người duy nhất biết được điều mà bạn gặp là tốt hay xấu trong mối quan hệ của bạn. Những dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ độc hại có thể rất rõ ràng, ví dụ như ai đó thường xuyên đe dọa sức khỏe của bạn bằng những gì họ nói, làm hoặc không làm.
Mối quan hệ không lành mạnh sẽ khiến bạn cảm thấy bạn luôn là người đáng trách và đều là lỗi của bạn
Xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội lành mạnh
Theo nghiên cứu của Lorri Freifeld (2013) để phát triển một mối quan hệ xã hội lành mạnh cần:
Chấp nhận và tôn trọng những sự khác biệt: Trong bất kì mối quan hệ nào, không ai là giống nhau, chúng ta luôn kỳ vọng đối phương phải giống chúng ta về nhiều mặt để có thể dễ dàng chia sẻ. Đây là điều vô lý, vì thế mọi người nên học cách chấp nhận và tôn vinh những điều khác biệt này (cuộc sống thật buồn tẻ khi mọi người ai cũng giống nhau phải không nào)
Luôn lắng nghe một cách hiệu quả: Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong việc nâng cao lòng tự trọng của người khác, một hình thức nịnh hót thầm lặng khiến mọi người cảm thấy họ và lời nói của họ có giá trị.
Phát triển kỹ năng giao tiếp của bản thân: Giao tiếp tốt giúp cho người nghe cảm thấy thoải mái hơn trong việc hiểu câu chuyện mà bạn muốn truyền đạt, ngoài ra nó sẽ giúp bạn tự tin hơn khi nói chuyện với người khác. Và biết cách làm thế nào để câu chuyện trở nên thú vị.
Học cách cho và nhận: “Có qua có lại mới toại lòng nhau” thôi các bạn!
Ngoài ra các các kỹ năng trong giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng:
- Giao tiếp chân thành: Một trong những yếu tố quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ tốt đẹp là giao tiếp. Hãy chia sẻ cảm xúc, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.
- Dành thời gian cho nhau: Để mối quan hệ phát triển, cần dành thời gian chất lượng cho nhau. Điều này có thể là qua các hoạt động chung, trò chuyện hoặc đơn giản là sự hiện diện.
- Giải quyết xung đột một cách tích cực: Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào. Quan trọng là cách chúng ta giải quyết chúng. Hãy tập trung vào vấn đề, tránh công kích cá nhân và tìm cách thỏa hiệp.
- Tôn trọng và tin tưởng: Mọi mối quan hệ bền vững đều dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Hãy luôn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác và xây dựng niềm tin bằng cách giữ lời hứa và hành xử trung thực.
Chấp nhận và tôn vinh những sự khác biệt là cách để xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội lành mạnh
Kết Luận
Mối quan hệ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm lý của mỗi người. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng về tác động của các mối quan hệ này và nỗ lực xây dựng, duy trì các mối quan hệ tích cực để có một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh. Hãy luôn trân trọng và chăm sóc những mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống của mình, vì chúng chính là nền tảng cho một tâm hồn khỏe mạnh và một cuộc sống viên mãn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.