Hằng năm, có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong đột ngột khi ngủ, thường là do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome – SIDS) hoặc tử vong do ngạt thở. Vì vậy, để giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh liên quan đến giấc ngủ, cha mẹ cần đảm bảo bé có một môi trường ngủ an toàn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
Tầm quan trọng của giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi theo cơ địa ở mỗi trẻ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tuổi của trẻ là quan trọng nhất. Nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu là điều rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Ngược lại ngủ không ngon giấc hoặc có thể bị thiếu ngủ, sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng trẻ này sẽ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác và dĩ nhiên là sẽ không nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát và về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormon tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Theo quy luật là lúc chúng ta đi vào giấc ngủ hormon tăng trưởng mới sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hormon sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ cho tới 1 giờ. Do vậy, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormon tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của trẻ.
Ngủ là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng. Do vậy, một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung và khả năng học tập của trẻ. Một nghiên cứu trên 11,000 trẻ em xuất bản trên tạp chí Journal of Epidemiol Community Health đã chứng minh những trẻ không được ngủ đúng giờ cho tới khoảng năm 3 tuổi sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng nhận thức, khả năng đọc và kỹ năng toán học thậm chí tới năm 7 tuổi. Do vậy, các nhà khoa học kết luận rằng 3 năm đầu đời là thời điểm trẻ đặc biệt nhạy cảm với giấc ngủ và có một mối liên hệ khăng khít giữa giấc ngủ đối với sự phát triển não bộ của trẻ.
Giấc ngủ giúp duy trì một cách cân bằng quá trình tiết của một số hormon, bao gồm cả hormon giúp kiểm soát cơn thèm ăn. Do vậy, tình trạng mất ngủ có thể làm tăng cơn thèm ăn gây ra chứng thừa cân và béo phì ở trẻ.
Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ ít ốm hơn.
Hậu quả khi trẻ ngủ không an toàn
Lý do tại sao các bậc cha mẹ được khuyến khích tìm hiểu và áp dụng các biện pháp ngủ an toàn là để ngăn ngừa hội chứng Đột tử ở trẻ sơ sinh – hay gọi tắt là SIDS – là việc đem đến cái chết đột ngột, bất ngờ và không rõ nguyên nhân của một em bé có vẻ khỏe mạnh. Có những tác nhân đẩy trẻ đến tình trạng này đôi khi chính các ba mẹ cũng khó lòng nhận ra.
Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. SIDS cũng có xu hướng phổ biến hơn ở các bé trai.
Các biện pháp ngủ an toàn ở trẻ sơ sinh
Nên cho trẻ nằm ở cũi hoặc nôi riêng
Theo khuyến nghị mới nhất của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã cho rằng cha mẹ nên ở chung phòng nhưng không ngủ chung giường với trẻ trong ít nhất sáu tháng đầu đời và lý tưởng là một năm.
Các nghiên cứu cũng cho thấy việc ngủ chung giường cùng bố mẹ là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Bạn nên để trẻ nằm ở chiếc nôi hoặc cũi riêng gần giường bố mẹ. Điều này vừa giúp giảm thiểu khả năng xảy ra Hội chứng SIDS vừa loại trừ việc người lớn đè vào trẻ khi ngủ.
Đảm bảo chỗ ngủ rộng rãi cho trẻ
- Đối với chỗ ngủ của trẻ bạn phải đảm bảo đệm được đặt vừa khít và gắn chắc chắn. Bạn tuyệt đối không được để thừa các khe lọt trên nôi hoặc giường của bé nằm vì có thể làm kẹt đầu của bé.
- Không nên để quá nhiều chăn, gối, gấu bông ở chỗ nằm, vì bé có thể bị ngạt khi chúng vô tình áp vào mặt.
Không gian phòng ngủ thoáng khí
Bố trí phòng ngủ thoáng khí, không gian sạch sẽ. Đặc biệt, bạn không được để đồ vật như chăn, gối quấn quanh đầu trẻ khi ngủ.
Luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ
- Luôn đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa để tránh nguy cơ đột tử hoặc ngạt thở do có vật cản ở mũi bé.
- Đặt trẻ trong tình trạng tay và chân được thoải mái để bé cảm thấy dễ chịu và ngủ sâu hơn.
Thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của trẻ
Đây là điều cha mẹ cần lưu ý, đặc biệt với những trẻ đã biết lẫy chúng có thể rơi vào trạng thái nằm sấp nhưng không thể tự lật lại được. Do đó, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi giấc ngủ của trẻ, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Trong thời gian đầu mẹ cần thường xuyên bên cạnh bé để tránh việc bé cảm thấy bất an, la khóc ảnh hưởng đến sự phát triển của bé về sau.
Hy vọng những chia sẻ này giúp ba mẹ có thể làm giảm bớt sự căng thẳng khi chăm sóc trẻ cũng như giảm bớt các nguy cơ cho trẻ. Nếu có bất cứ lo ngại hay câu hỏi nào về giấc ngủ an toàn, bạn có thể hỏi một chuyên gia y tế, ví dụ như bác sĩ nhi khoa, để có thêm thông tin.