Sẹo rỗ là tình trạng trên da xuất hiện vết sẹo lõm dưới bề mặt da bằng phẳng được hình thành do mụn trứng cá hoặc các tổn thương da khác. Chúng làm cho làn da trở nên không đồng đều và không mịn màng, tạo ra sự tự ti và thiếu tự tin cho người gặp phải. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về sẹo rỗ qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Sẹo rỗ là trình trạng da xuất hiện các vết lõm sâu có kích thước, hình dạng không đồng đều trên bề mặt da. Khi tổ chức nguyên bào sợi ở trung bì bị tổn thương, đứt gãy, không sản xuất collagen, elastin làm mất khả năng tái tạo da, không thể lấp đầy vết thương nên khi vết thương lành để lại những vết lõm trên da.
Dù tình trạng này không gây ngứa ngáy, khó chịu, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các vết rỗ trên da (đặc biệt ở mặt) khiến người bệnh thiếu tự tin.
Triệu chứng
Sẹo rỗ trên bề mặt da có đặc điểm là lõm xuống dưới các lớp mô khi da không có khả năng tái tạo lại như bình thường.
Sẹo rỗ được phân thành 3 loại chính như sau:
- Sẹo rỗ chân vuông (boxcar scar): sẹo lõm xuống, đường viền rõ ràng, đáy phẳng giống sẹo thủy đậu;
- Sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar): vết sẹo hẹp và nhỏ, gần giống với tình trạng lỗ chân lông sâu;
- Sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar): không xác định rõ ràng bờ cạnh, hay xuất hiện trên má.
Nguyên nhân
Sẹo rỗ được biết đến bắt nguồn từ các loại mụn gây nên, bên cạnh đó vẫn có một số nguyên nhân gây sẹo rỗ khác như:
- Mụn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sẹo rỗ. Các loại mụn khác như mụn đầu đen, mụn bọc, mụn mủ… nếu không được xử lý kịp thời sẽ tiến triển thành viêm gây phá huỷ tổ chức da gây ra sẹo lõm.
- Bệnh thủy đậu do virus varicella zoster gây nên, với các mụn nước khắp cơ thể, cùng với cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Bệnh thường khỏi từ 3 – 4 tuần, các nốt thủy đậu sẽ tự khô và thường không để lại sẹo. Tuy nhiên, một số trường hợp không được chăm sóc cẩn thận và đúng cách, các nốt thủy đậu bị bội nhiễm do các vi khuẩn trên da và môi trường tạo thành nốt viêm gây sẹo rỗ.
- Tai nạn có thể gây tổn thương trực tiếp lên da. Các tình huống gây ra các vết lõm trên da hoặc sẹo rỗ như bị bỏng, vấp ngã trầy xước da, các vết thương sau tai nạn giao thông… Việc trị sẹo rỗ từ tai nạn khá khó vì chúng có kích thước khá lớn.
- Phẫu thuật bằng dao kéo, chắc chắn sẽ để lại các vết sẹo dù lớn hay nhỏ. Mổ nội soi ruột thừa là một trường hợp phổ biến tạo nên sẹo rỗ.
- Một số nguyên nhân khác: chăm sóc da không đúng cách, viêm nang lông, áp xe da…
Đối tượng nguy cơ bị sẹo rỗ
- Những người có thói quen nặn mụn
- Sử dụng mỹ phẩm không tốt
- Mắc các bệnh lý về da
- Do phẫu thuật
- Bị mụn viêm đỏ.
Chẩn đoán
- Khám da: bác sĩ sẽ khám da và dùng đèn led để kiểm tra tình trạng da, phân loại da.
- Soi da: việc soi da không đau, diễn ra nhanh chóng, giúp bác sĩ tối ưu việc chẩn đoán tình trạng da, bác sĩ sẽ biết được độ đàn hồi, cấu trúc, loại da ở sâu bên trong tới lớp hạ bì.
Sau khi khám và soi da, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng sẹo rỗ với 4 mức độ: điểm vàng, nhẹ, trung bình và nặng.
- Điểm vàng là một vết sẹo màu đỏ nhưng bằng phẳng.
- Mức độ nhẹ: trang điểm có thể che được vết sẹo rỗ.
- Mức độ trung bình: nhìn rõ khi ở khoảng cách gần, lớp trang điểm không che phủ được.
- Mức độ nặng: khi đứng ở khoảng cách 50cm vẫn nhìn thấy rõ sẹo rỗ.
Phòng ngừa bệnh:
Để ngăn chặn sự hình thành của sẹo rỗ, việc quan trọng nhất là phải có thói quen chăm sóc da đúng cách. Trong đó, việc xử lý mụn sớm là biện pháp quan trọng nhất, tránh để mụn viêm nặng và bùng phát, vì khi đó sẹo sẽ xuất hiện nhiều và sâu hơn. Trong quá trình điều trị mụn, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hạn chế sự bùng phát mụn và hình thành sẹo rỗ:
- Duy trì lối sống khoa học và lành mạnh.
- Uống nhiều nước, ăn các loại trái cây, rau quả giàu vitamin C, A, E, Omega-3,…
- Không tự ý sử dụng các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc và chất lượng kém.
- Không tự ý nặn mụn nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh, gây các tổn thương trên bề mặt da.
- Không chạm tay vào mặt, che chắn bảo vệ da mặt dưới ánh nắng mặt trời và các tác nhân khói bụi ô nhiễm.
Điều trị sẹo rỗ như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ, tùy thuộc vào loại sẹo rỗ, mức độ trên da và tài chính của mỗi người mà lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
- Sử dụng nguyên liệu thiên nhiên như rau má, nha đam, nghệ tươi, bột trà xanh… để đắp mặt nạ. Phương pháp này lành tính tuy nhiên hiệu quả chậm và chỉ phù hợp với sẹo rỗ nhẹ.
- Phương pháp Chemical peels sử dụng các axit hữu cơ như alpha hydroxy acid (AHA), beta hydroxy acid (BHA) hoặc acid trichloroacetic (TCA) kích thích quá trình bong vảy lớp biểu bì, thúc đẩy quá trình thay mới, tái tạo da.
- Phương pháp tạo tổn thương giả bằng lăn kim và vi kim là hai phương pháp điều trị da sử dụng đầu kim siêu nhỏ để kích thích sản xuất collagen và tái tạo da. Lăn kim sử dụng các chiếc kim nhỏ lăn trên bề mặt da để gây tổn thương nhỏ, trong khi vi kim sử dụng các kim siêu nhỏ tác động vuông góc với da lên lớp biểu bì da và tiêm chất dinh dưỡng vào sâu bên trong da.
- Sử dụng máy mài da tạo ra ma sát để loại bỏ các lớp ngoài của da. Mài da vi điểm có 3 loại phổ biến: mài da thủy lực, mài da vi điểm với tinh thể kim cương và mài da vi điểm với tinh thể pha lê. Để đạt được kết quả như mong đợi, việc mài da vi điểm cần phải kiên trì thực hiện nhiều lần vì chỉ tác động lên bề mặt da.
- Tiêm filler đưa chất làm đầy vào lớp trung bì hoặc bì tại vị trí sẹo rỗ để nâng cao bề mặt da và lấp đầy sẹo. Chất làm đầy có thể tự tan sau 4-6 tháng và phương pháp này có thể gây biến chứng nếu không được thực hiện đúng cách.
- Tái tạo bằng laser: laser fractional CO2, giúp kích thích quá trình tái tạo tế bào và loại bỏ lớp da bị sẹo rỗ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số rủi ro như,tăng sắc tố, sưng nề, dát đỏ.
Trên đây là những chia sẻ về sẹo rỗ. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.