Đây là một trong những rối loạn sàn chậu thường gặp ở phụ nữ trước và sau sinh. Sa tạng vùng chậu gây đau và khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phái nữ. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng này có thể tiến triển nhanh và biến chứng nguy hiểm. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin, những điều cần biết về sa tạng chậu.
Tổng quan chung về sa tạng chậu
Sa tạng chậu (Pelvic Organ Prolapse – POP) là tình trạng một hoặc nhiều cơ quan ở vùng chậu (tử cung, bàng quang, trực tràng, thành trước hoặc thành sau âm đạo) bị tụt ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường do sự tổn thương và suy yếu của các cấu trúc cân cơ, dây chằng nâng đỡ sàn chậu. Đây là một trong những rối loạn sàn chậu thường gặp nhất ở phụ nữ trước và sau sinh.
Sàn chậu là tổng thể cấu thành từ 3 hệ thống gồm hệ thống sinh dục (tử cung và âm đạo), hệ thống niệu dưới (niệu đạo và bàng quang) và hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng và hậu môn). Ngoài ra, sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống thần kinh và mạch máu. Chính cấu tạo đó khiến đây được ví như một “cái võng” hình thành tử nhiều khối cân cơ đan xen nhau. Khối cân cơ này sẽ bám chắc vào thành bụng, xương mu, xương chậu hông, cột sống thắt lưng và xương chậu cùng cụt.
Nhiệm vụ chính của cơ sàn chậu là giữ cho các cơ quan nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi vận động, chạy nhảy hoặc làm việc nặng; đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo và hậu môn, kiểm soát hoạt động tiểu tiện và đại tiện theo ý muốn; giúp đời sống tình dục thăng hoa, quá trình sinh nở dễ dàng…
Khi bị sa tạng vùng chậu, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, đại tiện; đau vùng lưng dưới hoặc tức, nặng vùng chậu; xuất huyết âm đạo bất thường; có khối phồng thò ra khỏi âm đạo… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý người bệnh.
Triệu chứng sa tạng chậu
Các dấu hiệu của sa tạng chậu xuất hiện dần dần, giai đoạn đầu khó nhận biết. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm giác có khối phình ra bên trong âm đạo. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện như:
- Cảm giác căng tức và nặng ở vùng bụng dưới, vùng chậu;
- Cảm giác sưng ở âm đạo, có khối u lồi ra bên ngoài âm đạo;
- Triệu chứng đau lưng tăng dần trong ngày;
- Tiểu không kiểm soát;
- Khó tiểu tiện, đại tiện;
- Bất tiện trong đi lại hoặc ngồi;
- Chảy máu, tăng tiết dịch âm đạo (mặc dù không phải chu kỳ kinh nguyệt);
- Không thể hoặc gặp khó khăn khi quan hệ tình dục.
Nguyên nhân sa tạng chậu
- Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh là do quá trình mang thai và sinh nở. Bởi khi mang thai từ 3 tháng cuối trở đi thì sức nặng khối thai nhi – tử cung và tăng áp lực đè lên sàn chậu của quá trình chuyển dạ sinh, các cân cơ có nhiệm vụ hỗ trợ nâng đỡ cơ quan vùng chậu sẽ giãn ra hết mức có thể để việc sinh nở dễ dàng, tuy nhiên chính điều này cũng làm cho các cân cơ nhanh chóng yếu đi hoặc bị tổn thương đứt rách.
- Một nguyên nhân khác phải kể đến là sự sụt giảm nồng độ hormone nữ Estrogen trong giai đoạn trước và sau mãn kinh, khiến cơ thể thiếu hụt lượng collagen cần thiết để liên kết các mô vùng chậu.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gồm:
- Bệnh lý ho mạn tính hoặc sự gắng sức, rặn mạnh do táo bón;
- Sang chấn sản khoa như rặn khi cổ tử cung mở chưa trọn, sinh thủ thuật bị sang chấn hoặc rách tầng sinh môn nhưng không được phục hồi đúng mức;
- Các mô nâng đỡ suy yếu khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh;
- Tình trạng thừa cân hoặc béo phì, có u xơ lớn hoặc có tiền sử từng phẫu thuật vùng chậu;
- Làm các công việc nặng nhọc hoặc gắng sức;
- Các cân cơ và dây chằng sàn chậu yếu bẩm sinh.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm suy yếu sàn chậu và làm tăng nguy cơ phát triển sa cơ quan vùng chậu bao gồm:
- Mang thai và sinh con: Đặc biệt nếu bạn gặp tình trạng sinh nở khó, sinh con lớn hoặc sinh nhiều con.
- Tuổi tác: Khi bạn già đi và trải qua thời kỳ mãn kinh, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc sa tạng chậu.
- Cân nặng: Thừa cân béo phì cũng là các yếu tố nguy cơ góp phần.
- Táo bón: Tình trạng táo bón lâu dài làm tăng nguy cơ sa tạng chậu.
- Tình trạng sức khỏe mạn tính: Ví dụ như ho mãn tính có thể khiến tăng áp lực vùng chậu.
- Phẫu thuật: Việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung làm tăng nguy cơ.
- Công việc: Các việc đòi hỏi nâng vật nặng nhiều.
- Di truyền: Yếu tố di truyền cũng có vai trò trong sa tạng chậu, các mô liên kết có thể yếu hơn ở một số phụ nữ khiến họ dễ bị sa tạng chậu hơn.
Chẩn đoán
Bệnh sa tạng vùng chậu có thể được phát hiện thông qua khám phụ khoa định kỳ. Để xác định mức độ và tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng vùng chậu và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán chính xác nhất.
- Thăm dò chức năng bàng quang: Nhằm kiểm tra bàng quang có bị rò rỉ khí chứa nước tiểu hay không, đo lường mức độ làm trống của bàng quang có co bóp tốt không hoặc có bị cản trở bế tắc gây tiểu không hết, tiểu khó, bí tiểu hoàn toàn, từ đó xác định hướng xử trí phù hợp.
- Kiểm tra sức bền của sàn chậu: Các bài tập kiểm tra sức mạnh của cân cơ và sàn chậu để đo lường sự hỗ trợ của cân cơ và dây chằng đối với các cơ quan như tử cung, bàng quang, trực tràng, niệu đạo và thành âm đạo.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm tần số cao để nhìn thấy hình ảnh thận, bàng quang và các cơ quan xung quanh hậu môn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để thấy hình ảnh chi tiết cấu trúc sàn chậu và vị trí giải phẫu các cơ quan vùng chậu có bị sa hay không.
Phòng ngừa sa tạng chậu
Để chăm sóc tốt sức khỏe sàn chậu, cũng như phát hiện bệnh sớm và có hướng can thiệp điều trị kịp thời, khuyến cáo chị em phụ nữ nên:
- Thăm khám sức khỏe phụ khoa, đặc biệt là khám sàn chậu định kỳ 6 tháng/lần. Trường hợp điều trị bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi tiến triển bệnh, góp phần điều trị hiệu quả và chăm sóc tốt nhất.
- Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng sai liều lượng được chỉ định.
- Thực hiện đúng cách các bài tập phục hồi sàn chậu theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều rau củ quả, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng táo bón.
- Có lối sống sinh hoạt lành mạnh, nhất là không hút thuốc lá vì có thể gây ra chứng ho mãn tính.
- Duy trì mức cân nặng cân đối, phù hợp, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.
Điều trị sa tạng chậu như thế nào?
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều mang tâm lý mặc cảm, tự ti, dẫn đến việc chần chừ không thăm khám, chịu đựng trong thời gian dài khiến bệnh trở nặng hơn. Với sự phát triển và tiến bộ không ngừng của y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lý sa tạng vùng chậu. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, người bệnh hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, thăm khám và điều trị kịp thời, đúng cách.
Trong trường hợp cần sử dụng đến phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các phẫu thuật sau để đưa cơ quan bị sa trở về đúng vị trí:
- Phẫu thuật khâu sửa thành âm đạo: Sửa chữa sa ở thành trước, hoặc thành sau âm đạo, giúp điều trị khối sa có thể gồm sa bàng quang, sa trực tràng và thu nhỏ âm đạo bị lỏng lẻo, dãn rộng.
- Thủ thuật khâu âm đạo – đáy chậu: Sửa chữa sa ở thành sau trực tràng kiểu túi, hoặc sa ở thành sau ruột non.
- Phẫu thuật cắt hoàn toàn tử cung: Được thực hiện qua đường âm đạo để cắt tử cung, chỉnh sửa âm đạo.
- Phẫu thuật điều trị sa vòm âm đạo: Nhằm nâng đỡ vòm âm đạo.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.