Theo thống kê những năm gần đây, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc sa sút trí tuệ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm. Cùng Pharmacity tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ qua bài viết dưới đây.
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ (SSTT) là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ, … SSTT có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 – 80% tổng số các bệnh nhân SSTT).
Triệu chứng
Biểu hiện sớm của SSTT là suy giảm trí nhớ:
- Dễ quên sự việc mới xảy ra
- Hay bị quên và lẫn mất đồ đạc trong nhà
- Dễ bị lạc ở nơi mới đến
- Không nhận ra người quen cũ
- Tăng nhu cầu kiểm tra mọi thứ
- Lặp lại nhiều lần một câu chuyện hay một việc.
Sau giai đoạn sớm là giai đoạn Sa sút trí tuệ. Người bệnh bị thay đổi nhận thức như:
- Quên
- Giảm giao tiếp bằng lời và chữ viết
- Rối loạn định hướng
- Kết hợp với các biểu hiện tâm thần như loạn thần, trầm cảm, lo âu, nhân cách thay đổi, kích động, đi lang thang, đứng ngồi không yên…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ, trong đó hay gặp nhất là:
-
Sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer rất phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Khởi phát và tiến triển mơ hồ. Trí nhớ thường bị ảnh hưởng đầu tiên, theo sau là ngôn ngữ và định hướng không gian. Sự minh mẫn và phán đoán ít bị ảnh hưởng khi khởi bệnh, nhưng sau vài năm tất cả các khía cạnh của trí năng đều bị ảnh hưởng, bệnh nhân trở nên yếu đuối, không ổn định.
-
Sa sút trí tuệ với các thể Lewy
Chiếm khoảng 15% sa sút trí tuệ ở các nước phương Tây. Triệu chứng về trí năng tương tự như trong Alzheimer, nhưng có nhiều khuynh hướng phát triển, ảo giác thị giác và các đợt lú lẫn.
-
Sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu
Với nguyên nhân này sa sút trí tuệ chiếm khoảng 10%, gây ra do bệnh lý mạch máu nhỏ trong não, đái tháo đường, dẫn đến tổn thương chất trắng dưới vỏ não lan rộng.
Một số trường hợp do xơ vữa động mạch cảnh, gây nhồi máu não đa ổ. Biểu hiện bằng các đợt tiến triển kèm theo các triệu chứng như đột quỵ.
-
Sa sút trí tuệ do các bệnh lý trong não tiến triển
- Trong các bệnh lý thì u não lớn vùng trán và thái dương có thể gây giảm trí nhớ nặng, trước khi có biểu hiện tăng áp lực nội sọ, yếu liệt.
- Tụ máu dưới màng cứng mạn tính thường gặp ở người cao tuổi, nghiện rượu hoặc đang dùng kháng đông. Bệnh nhân thường không nhớ các chấn thương đầu trước đó, dần dần trở nên buồn ngủ, không vững và giảm trí năng trong vài tuần, dấu yếu liệt thường xuất hiện trễ.
- Bệnh xơ cứng rải rác nặng cũng có thể gây ra sút trí tuệ, với dao động cảm xúc.
- Sa sút trí tuệ do ảnh hưởng thùy trán, biểu hiện hành vi bộc phát và không hợp lý như trong bệnh Huntington, bệnh neuron vận động và bệnh Pick. Bệnh nhân không biết các vấn đề của mình, thường từ chối giúp đỡ.
- Những người nghiện rượu, nghiện ma túy có liên quan đến chứng mất trí.
- Những người già có thể nhầm lẫn và lãng quên trong khi sử dụng thuốc, đặc biệt là, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau và thuốc chống co giật.
- Nhiễm trùng, nội tiết… có thể gây sa sút trí tuệ, thông qua viêm não do HIV hoặc do biến chứng suy giảm miễn dịch thần kinh trung ương
Đối tượng nguy cơ
Trên thực tế, người càng cao tuổi thì sẽ đối diện với nguy cơ cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tìm ra những người có các yếu tố nguy cơ sau dễ bị sa sút trí tuệ hơn đó là:
- Người mắc bệnh huyết áp: Nếu người tăng huyết áp ở tuổi trung niên, có liên quan đến quá trình thoái hóa thần kinh hoặc gây teo não; ngược lại ở nhóm tuổi già, dường như báo trước khả năng bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
- Người béo phì ở tuổi trung niên.
- Người đái tháo đường
- Người mắc bệnh tim
- Người mắc bệnh mạch máu não
- Người tăng mỡ máu
Ngoài ra, sa sút trí tuệ còn liên quan đến một số nghiên cứu cho thấy có liên quan giữa chế độ ăn nhiều mỡ bão hòa với tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer.
Chẩn đoán
Với các triệu chứng sa sút trí tuệ, các bác sĩ cần tiến hành chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng. Bởi các bệnh lý thuộc mảng tâm thần kinh thường không rõ rệt, phụ thuộc vào quá trình khai thác bệnh lý, bệnh sử. Trong trường hợp bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, điều này trở thành thách thức với các bác sĩ.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tìm ra các chức năng, kỹ năng mà bệnh nhân bị mất kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán như:
- Chụp CT, MRI não bộ
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp positron
- Khám hệ thống thần kinh
- Đánh giá chức năng nhận thức
- Đánh giá sức khỏe tâm thần
Cùng với các bước kể trên, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán chính xác hội chứng sa sút trí tuệ, cũng như độ nặng/ nhẹ mà bệnh nhân mắc phải. Bệnh nhân nên thăm khám sớm để tạo thuận lợi trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Phòng ngừa bệnh
Hội chứng sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi. Do vậy, phòng ngừa bệnh là phương án tối ưu nhất mà mọi người cần thực hiện. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi có thể phòng ngừa bằng các cách như sau:
- Rèn luyện trí não: trì hoãn nguy cơ khởi phát bằng cách kích thích não bộ bằng giải đố, đọc sách,…
- Tăng hoạt động xã hội, thể chất: các tương tác với mọi người hay các hoạt động thể chất giúp não không bị trì trệ, thoái hóa.
- Không dùng chất kích thích: ảnh hưởng tới trí nhớ, tim mạch.
- Bổ sung nhiều vitamin, omega-3: giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện não bộ.
- Quản lý các yếu tố nguy cơ bệnh lý: não có thể bị đột quỵ nếu mắc cùng các bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao.
- Ngủ đủ giấc: đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là bệnh lý nghiêm trọng không phải do quá trình lão hóa thông thường. Do vậy bệnh nhân cần có phương án điều trị, dự phòng thích hợp để đảm bảo chất lượng cuộc sống tuổi trung niên.
Điều trị
- Các biện pháp đảm bảo an toàn
- Cung cấp kích thích thích hợp, hoạt động, và tín hiệu cho định hướng
- Loại bỏ các loại thuốc có tác dụng an thần hoặc kháng cholinergic
- Có thể dùng các chất ức chế cholinesterase và memantine
- Hỗ trợ cho người chăm sóc
- Sắp xếp việc chăm sóc cuối đời
Các khuyến nghị về điều trị chứng sa sút trí tuệ có sẵn từ Viện Quốc gia về Sức khỏe và Chăm sóc Xuất sắc. Các biện pháp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và cung cấp một môi trường thích hợp đóng vai trò quan trọng đối với điều trị, cũng như sự hỗ trợ người chăm sóc.