Sa sinh dục là hiện tượng tử cung bị sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa ra ngoài âm hộ, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và đời sống tình dục của vợ chồng. Do vùng kín là một phần nhạy cảm và thường gặp tâm lý ngại tìm hiểu cũng như thiếu thông tin, nhiều phụ nữ có thể giấu bệnh này và chỉ đến gặp bác sĩ khi tình trạng trở nên nặng nề.
Tổng quan chung
Sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ. Trên thực tế, không chỉ tử cung mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo.
Trong trường hợp nặng các tạng trên có thể sa ra ngoài âm hộ. Tuy là bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Vì bệnh ở vùng kín, cùng tâm lý ngại tìm hiểu, thiếu thông tin, nhiều phụ nữ có thói quen cam chịu, giấu bệnh, chỉ đến khi bệnh chuyển nặng mới tìm đến bác sĩ.
Tử cung thuộc bộ phận sinh dục nữ nằm trong tiểu khung. Nó được giữ tại chỗ bằng lớp cơ và các tổ chức vùng đáy chậu (dàn của phần dưới khung xương chậu), bởi các thành âm đạo và các dây chằng trong bụng và chậu hông. Nếu vì một lý do nào đó, các bộ phận cố định hay giữ tử cung bị giãn, nhão ra và khi áp lực trong ổ bụng tăng (như khi thở, rặn, ho) và sức nặng của tử cung sẽ đẩy, kéo nó tụt dần xuống thấp gây nên sa sinh dục với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Triệu chứng
Dưới đây là các dấu hiệu có thể cho thấy một phụ nữ đang mắc phải sa sinh dục, mặc dù không phải tất cả các trường hợp đều nhận thấy được dấu hiệu này:
- Cảm giác nặng ở vùng xương chậu.
- Đau ở vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới và vùng âm hộ.
- Đau khi giao hợp.
- Cảm giác như có vật gì đó rơi ra khỏi âm đạo.
- Vấn đề về tiết niệu như rò rỉ nước tiểu hoặc đi tiểu nhiều lần.
- Táo bón.
- Có vết đốm hoặc chảy máu từ âm đạo.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh sa sinh dục:
- Sanh đẻ nhiều lần, đẻ dày, khi sinh không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu.
- Lao động nặng hoặc quá sớm sau đẻ.
- Các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên như: lao động nặng, táo bón lâu ngày, ho kéo dài, thường xuyên ngồi bệt vân vân …
- Tuổi già, hệ thống treo và nâng đỡ tử cung, bàng quang, trực tràng suy yếu.
- Ngoài ra có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.
Đối tượng nguy cơ
Sa tử cung có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi từ 20 tuổi trở lên, đặc biệt là những phụ nữ đã từng sinh nở hoặc đã mãn kinh. Gần một nửa số phụ nữ từ 50 – 79 tuổi đã từng mắc bệnh hoặc một số dạng khác của sa cơ quan vùng chậu. Sa cổ tử cung cũng có khả năng xảy ra ở những phụ nữ có tiền sử gia đình (bà, mẹ, chị, em ruột) gặp phải tình trạng này.
Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng của bạn ngừng sản xuất các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của bạn (kỳ kinh). Khi bạn không có kinh trong 12 tháng liên tục, bạn được coi là đã mãn kinh. Một trong những hormone ngừng hoạt động trong thời kỳ mãn kinh là estrogen. Hormone đặc biệt này giúp giữ cho cơ sàn chậu của bạn khỏe mạnh. Nếu cơ sàn chậu kém săn chắc, yếu, nhão bạn có nguy cơ cao bị sa dạ con.
Bên cạnh đó, những phụ nữ thường xuyên lao động nặng nhọc, lao động tay chân cũng là đối tượng dễ bị sa sinh dục, đặc biệt những người thường làm việc ở tư thế đứng, cúi, mang vác vật nặng vì áp lực ổ bụng lên đáy chậu luôn cao. Sa dạ con cũng có thể gặp cả ở phụ nữ chưa từng sinh đẻ do thể trạng yếu, có dây chằng mỏng, tử cung ở tư thế trung gian thẳng trục với âm đạo vì vậy khi có áp lực mạnh trong ổ bụng sẽ đẩy tử cung sa dần xuống.
Chẩn đoán
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng:
- Yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh như: phụ nữ lớn tuổi hoặc mãn kinh, sinh nở nhiều lần,… Ngoài ra, hiện nay, xu hướng người trẻ bị sa sinh dục cũng hay gặp do các ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống ít vận động cũng như thừa cân béo phì ở người trẻ.
- Khám thực thể: Khám thấy khối sa nằm ở ½ dưới âm đạo hoặc thập thò âm môn, trường hợp nặng nhất sẽ sa ra ngoài âm hộ, bao gồm thành trước âm đạo, cổ tử cung, thân tử cung, thành sau âm đạo. Phần khối sa ra ngoài có thể sừng hóa hoặc bị loét do cọ sát, dễ bị bội nhiễm.
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng cận lâm sàng:
- Xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung: loại trừ tổn thương ác tính cổ tử cung.
- Xét nghiệm: kiểm tra hoạt động của bàng quang.
Phòng ngừa bệnh
Một số điểm cần lưu ý để phòng ngừa sa sinh dục:
- Không nên đẻ sớm quá, đẻ nhiều quá, đẻ dày quá. Phải đẻ ở nơi có điều kiện đỡ đẻ an toàn, đỡ đẻ đúng kỹ thuật.
- Không nên để chuyển dạ quá dài, không để rặn đẻ quá lâu.
- Các thủ thuật sản khoa phải làm đúng chỉ định, đúng kỹ thuật và đủ điều kiện tránh gây sang chấn cho âm đạo và tầng sinh môn. Nếu rách tầng sinh môn, dù nhỏ cũng phải khâu lại.
- Sau đẻ không nên lao động quá sớm và quá nặng.
- Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên (táo bón trường diễn, ho kéo dài…) là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục.
Điều trị như thế nào?
Khi mắc sa sinh dục, người bệnh cần:
- Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, không hoạt động quá sức, cố gắng giữ tinh thần thoải mái, để hạn chế áp lực lên vùng chậu.
- Huấn luyện bàng quang: Tập đi tiểu đều đặn.
- Tập cơ nâng sàn chậu: bài tập Kegel.
- Chế độ ăn uống cân đối, tăng cường chất xơ tránh táo bón, không ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì.
- Sử dụng liệu pháp Estrogen âm đạo tại chỗ: Tăng cường sức mạnh hệ cơ, dây chằng nâng đỡ tử cung.
- Cố định tử cung qua âm đạo bằng phương pháp đặt vòng hỗ trợ âm đạo.
- Phẫu thuật: Trước đây, để điều trị bệnh sa sinh dục, bác sĩ thường áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, làm lại thành trước và sau âm đạo hoặc phẫu thuật khâu bịt âm đạo. Tuy nhiên phương pháp này có khuyết điểm lớn nhất là dễ tái phát sa lại mõm cắt âm đạo. Hơn nữa người phụ nữ bị mất đi tử cung gây tâm lý thiếu tự tin, mặc cảm.
- Hiện tại, với sự tiến bộ của y học có thể điều trị bệnh sa sinh dục bằng phương pháp phẫu thuật nội soi khâu treo tử cung vào ụ nhô. Kỹ thuật này sẽ khắc phục được nhược điểm của phương pháp cũ là sẽ giữ tử cung cho người bệnh. Vì vậy những chức năng sinh lý như quan hệ vợ chồng hay mang thai, sinh nở vẫn được đảm bảo. Đây là phương pháp hiện đại, không chỉ giúp người phụ nữ khỏi bệnh mà còn duy trì được đời sống tình dục.
- Phẫu thuật nội soi treo tử cung vào ụ nhô được đánh giá là phương pháp có nhiều ưu điểm hiện nay trong việc điều trị sa sinh dục. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ được theo dõi từ 3 – 5 ngày trước khi ra viện.
Trên đây là những chia sẻ về sa sinh dục. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.