Rối loạn tiêu hóa khi mang thai là tình trạng hệ tiêu hóa gặp bất thường, dẫn đến việc tiêu thụ và hấp thu thức ăn trở nên khó khăn hơn. Rối loạn tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, ợ nóng và trào ngược. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số các thông tin có thể hữu ích đến cho bạn đọc về trường hợp rối loạn tiêu hóa khi mang thai cũng như các trường hợp rối loạn tiêu hóa khi mang thai 3 tháng đầu, rối loạn tiêu hóa khi mang thai 3 tháng cuối và chế độ dinh dưỡng khi mẹ bầu bị rối loạn tiêu hóa.
Phụ nữ mang thai có thường bị rối loạn tiêu hóa không?
Rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu thường là do những thay đổi của cơ thể khi mang thai bao gồm thay đổi về nội tiết tố và thay đổi cơ học do sự tăng kích thước tử cung chèn ép lên đường tiêu hóa.
Một nghiên cứu về rối loạn tiêu hóa ở bà bầu cho rằng khoảng 72% phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu gặp phải ít nhất một chứng rối loạn tiêu hóa (gồm táo bón, đầy bụng, tiêu chảy và hội chứng ruột kích thích). Và có đến 61% mẹ bầu sẽ gặp lại những rối loạn này một lần nữa trong giai đoạn cuối của thai kỳ.
Trong các rối loạn tiêu hóa kể trên thì táo bón là rắc rối thường gặp hơn cả. Táo bón tuy không nguy hiểm nhưng lại khiến cho các bà bầu vô cùng khó chịu. Có tới 11-35% phụ nữ có thai bị táo bón (tại một số bệnh viện con số này có thể lên tới 50%), đặc biệt là ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Theo thời gian, tử cung sẽ dần tăng kích thước để có thể bao bọc thai nhi đang ngày càng phát triển lớn hơn. Khi đó, tử cung sẽ chèn ép lên nhiều cơ quan khác ở vùng chậu mà trong đó có cả ruột già (trực tràng). Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều bà bầu mắc phải các vấn đề về tiêu hóa phổ biến hơn vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Rối loạn tiêu hóa ở phụ nữ mang thai có gây nguy hiểm không?
Rối loạn tiêu hóa khi mang thai là tình trạng thường gặp ở bà bầu. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng tình trạng này khiến bà bầu khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng tới quá trình ăn uống và bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ.
Nếu chỉ có dấu hiệu trên trong vài ngày thì các mẹ bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên với những trường hợp mẹ bị liên tiếp 2-3 tuần và tình trạng bệnh không có tiến triển tích cực thì cần phải đi khám bác sĩ. Ngoài ra có một vài trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi khi kèm theo những dấu hiệu bất thường sau:
- Đi vệ sinh ra máu.
- Tình trạng phân không ổn định, rắn lỏng thất thường và có chất nhầy.
- Sụt cân nhanh chóng.
- Cảm giác lúc nào cũng mệt mỏi, mất nước, ăn không ngon, đau khi nuốt thức ăn.
Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bị rối loạn tiêu hóa?
Với từng triệu chứng rối loạn tiêu hóa, các mẹ bầu cần phải áp dụng các chế độ ăn uống khác nhau. Cụ thể:
- Với mẹ bị táo bón cần tích cực bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày, hạn chế cafe, socola, nước ngọt vì đây là những thực phẩm gây mất nước trong cơ thể. Cần có chế độ ăn cung cấp nhiều chất xơ như trái cây tươi ví dụ như bưởi, cam… rau quả, ngũ cốc vì có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột. Nên uống nhiều nước ( 8-10 cốc/ngày ). Tránh các đồ uống có tính kích thích như cà phê, trà, sô đa vì có thể làm cơ thể mất nước.
- Với mẹ bầu đang bị tiêu chảy nên hạn chế uống sữa, các thực phẩm lạ bụng và ưu tiên đồ ăn lành tính như cơm, cháo, súp, thịt nạc,..Uống nhiều nước để bù lại lượng nước cho cơ thể, nên uống thêm nước trái cây hoặc nước muối đường, Oresol. Nên ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, khoai tây, táo, cà rốt, bánh mì, chuối… Thận trọng với các sản phẩm từ sữa nhưng có thể sử dụng sữa chua ( vì có chứa các vi khuẩn có lợi ). Tránh ăn thức ăn có dầu mỡ, hoặc bơ.
- Các mẹ bị đầy bụng, ợ hơi hay buồn nôn thì cần hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, các thực phẩm dễ gây kích ứng như hải sản, sầu riêng,… Các mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa. Nên ăn các đồ luộc, hấp, nấu có ít dầu mỡ. Chị em cũng nên ăn các món dễ tiêu, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày (6 – 8 bữa/ngày ) và nên ăn kỹ, nhai chậm.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về rối loạn tiêu hóa ở phụ nữ mang thai cũng như chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai khi bị rối loạn tiêu hóa. Hy vọng, bạn đọc sẽ có thêm thông tin bổ ích và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.